Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 05 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 4/5: Cứu sống bệnh nhi mắc u màng não khổng lồ
D.Ngân - 04/05/2024 09:22
 
Mới đây, các bác sĩ của Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện E đã phẫu thuật thành công, cứu một bệnh nhi nữ 9 tuổi bị u màng não khổng lồ.

Cứu bệnh nhi mắc khối u khổng lồ

Đây là ca bệnh khó vì người bệnh còn nhỏ tuổi, kích thước khối u lớn, vị trí nguy hiểm, buộc phải tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u nếu không sẽ đe dọa đến chức năng thần kinh và tính mạng người bệnh.

Các bác sĩ của Bệnh viện E thăm khám cho bệnh nhi mắc u não khổng lồ.

Người bệnh nhập viện với tình trạng đau đầu dữ dội, kéo dài nhiều tuần. Sau khi thăm khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cần thiết, người bệnh được chẩn đoán U màng não liềm đại não 1/3 trước.

Tại Bệnh viện E, các nhân viên y tế đã hội chẩn, tiến hành đánh giá xác định khối u nằm vị trí đường giữa, phát triển sang 2 bên bán cầu đại não, kích thước 62x52x50 mm, xâm lấn làm tắc hoàn toàn xoang tĩnh mạch dọc trên.

Ngay sau đó, bác sĩ Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện E đã lên kế hoạch điều trị: người bệnh sẽ được can thiệp nút mạch tiền phẫu và phẫu thuật khối u sau đó nhằm giảm nguy cơ mất máu trong mổ.

Ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng, được sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh như: sử dụng kính vi phẫu, dụng cụ vi phẫu thuật, định vị thần kinh và bó sợi thần kinh trong phẫu thuật (Neuronavigation), giúp xác định rõ khối u so với các cấu trúc quan trọng khác, giúp phẫu thuật viên phẫu tích chính xác, tránh tổn thương mô não lành và hạn chế tối đa biến chứng.

Ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng đã lấy được toàn bộ khối u, toàn bộ phần xoang tĩnh mạch dọc trên và liềm đại não bị khối u thâm nhiễm, bảo tồn các chức năng thần kinh quan trọng, hạn chế mất máu tối đa.

ThS.BSNT Bùi Minh Thắng, giảng viên bộ môn Ngoại trường Đại học Y Hà Nội, bác sĩ điều trị tại khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện E cho biết, khối u não của người bệnh phát triển từ từ, được phát hiện khi đã có kích thước lớn gây nguy hiểm và khó khăn trong quá trình điều trị và phẫu thuật.

Tuy nhiên với điều kiện trang thiết bị đầy đủ của Bệnh viện với các ekip chuyên khoa đã giúp loại bỏ hoàn toàn khối u. Sau kết thúc ca phẫu thuật 14 tiếng, người bệnh tỉnh lại và được đưa về khoa điều trị.

Người bệnh được chăm sóc và điều trị hậu phẫu 10 ngày ra viện, bệnh nhi tỉnh táo, chơi ngoan, ăn ngủ tốt, không liệt, vết mổ liền. Phim chụp kiểm tra không còn khối u và các tổn thương sau phẫu thuật”.

Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ em khi có dấu hiệu đau đầu, đặc biệt là những cơn đau đầu kéo dài, gia đình nên lưu tâm và cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế có đầy đủ chuyên khoa để được kiểm tra và can thiệp y tế kịp thời.

Qua khai thác tiền sử bệnh án của bệnh nhi nêu trên các nhân viên y tế nhận thấy, bệnh nhi đã có biểu hiện đau đầu kéo dài, tăng dần cả cường độ và tần suất trong thời gian gần đây, sau đó gia đình mới quyết định đưa trẻ đi khám và phát hiện bệnh. 

Dấu hiệu cảnh báo viêm túi thừa đại tràng

Ông Hùng, 63 tuổi, phải nhập viện truyền gấp 4 đơn vị máu do xuất huyết túi thừa đại tràng, vừa được nội soi thắt vòng cao su để cầm máu.

Ông Hùng đi tiêu ra máu tươi suốt 1 ngày, được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, da niêm nhợt, mạch nhanh, huyết áp tụt. Ngay lúc nhập viện, bác sĩ đã cho bệnh nhân hồi sức tích cực bằng cách truyền dịch và truyền 4 đơn vị máu ( khoảng 1.000 ml máu toàn phần).

Ông Hùng cho biết, trước đó đã từng 2 lần bị xuất huyết tiêu hóa dưới và thiếu máu trầm trọng, phải nhập viện để truyền máu. Tuy nhiên, cả hai lần đó đều không tìm ra nguyên nhân. Đây là lần thứ ba ông gặp lại tình trạng này.

Ngày 2/5, TS.BS Trần Thanh Bình, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa cho biết đã chỉ định cho người bệnh làm các xét nghiệm sinh hóa hỗ trợ như chụp cắt lớp vi tính (CT), nội soi đại tràng để tìm nguyên nhân gây xuất huyết dẫn đến thiếu máu nặng.

Kết quả cho thấy, túi thừa ở đại tràng góc gan đang chảy máu. Bác sĩ Thanh Bình cho biết, trường hợp này cần can thiệp ngay lập tức giúp ngăn chặn tình trạng xuất huyết và tái xuất huyết sau đó.

Phương pháp bác sĩ đưa ra là thắt túi thừa bằng vòng thắt cao su - endoscopic band ligation - trong quá trình nội soi. Bác sĩ thực hiện thủ thuật trong vòng 10 phút. Sau can thiệp, tình trạng chảy máu đã được xử lý, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, ăn uống bình thường sau 1 ngày và xuất viện sau 2 ngày.

Bác sĩ Trần Thanh Bình cho biết, đây là một trường hợp điều trị khá hiếm qua nội soi do vị trí túi thừa xuất huyết rất khó tìm, nên việc điều trị qua nội soi ít khi được thực hiện.

Thêm nữa, kỹ thuật xử lý khá phức tạp đòi hỏi tay nghề bác sĩ cao cũng như máy móc hiện đại. Điều trị nội soi thường có thể kẹp bằng dụng cụ clip vào vị trí xuất huyết tại túi thừa, dùng vòng thắt bằng nylon hoặc vòng cao su. Với bệnh nhân này, bác sĩ chọn phương pháp thắt vòng cao su mang lại hiệu quả cao, ít tái phát.

Nếu điều trị nội soi thất bại, người bệnh sẽ có chỉ định can thiệp ngoại khoa, cắt đoạn đại tràng có chứa túi thừa xuất huyết hoặc can thiệp tắc mạch máu.

Hai cách điều trị này xâm lấn và phức tạp hơn. Xuất huyết đường tiêu hóa nếu không can thiệp kịp thời có thể gây mất máu, tụt huyết áp, nguy cơ tử vong. Số ít có thể tự cầm máu, nhưng có nguy cơ tái phát cao (trên 50%), như trường hợp của ông Hùng từng bị xuất huyết 2 lần trước đó.

Bác sĩ Thanh Bình cho biết thêm, viêm túi thừa đại tràng là biến chứng hay gặp nhất của bệnh túi thừa đại tràng, có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của ống tiêu hóa, trong đó thường gặp ở túi thừa đại tràng.

Xuất huyết túi thừa đại tràng là nguyên nhân phổ biến của chảy máu đường tiêu hóa dưới cấp tính, cần tiến hành điều trị sớm, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Nếu xuất huyết túi thừa ở mức độ nặng sẽ làm tổn thương viêm loét ăn mòn thành đại tràng, ảnh hưởng đến mạch máu đi qua cổ và đáy của túi thừa.

Điều này dẫn tới tình trạng chảy máu túi thừa diễn ra nhanh và gây thiếu máu trầm trọng. Bệnh thường gia tăng mức độ nguy hiểm ở những đối tượng trên 65 tuổi, có bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, suy thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Bác sĩ Thanh Bình khuyến cáo, mọi người khi có triệu chứng đại tiện phân máu (có màu nâu hoặc đỏ tươi), có thể có không đau bụng hoặc đau quặn bụng, chướng bụng hoặc đại tiện gấp, mạch nhanh, huyết áp thấp, tiểu ít, thay đổi ý thức… thì cần đến ngay cơ sở y tế, bệnh viện uy tín, có đầy đủ máy móc để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tin mới về y tế ngày 11/6: Liên tiếp bệnh nhân có khối u khổng lồ phải phẫu thuật
Các bác sĩ thuộc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đã thực hiện ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ để lấy khối u nặng nửa kg trên đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư