Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 12 tháng 08 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 12/8: TP.HCM kiến nghị công bố dịch sởi
D.Ngân - 12/08/2024 09:54
 
Trong bối cảnh số ca sởi tăng nhanh và đã có 3 trẻ mắc bệnh sởi tử vong, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã kiến nghị UBND TP.HCM công bố dịch sởi và ban hành kế hoạch chủ động ứng phó bệnh sởi ở TP.HCM.

3 trẻ tử vong do sởi

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đã có 3 trẻ tử vong do mắc bệnh sởi ở TP.HCM rải rác từ tháng 6 đến nay.

Theo đó, số ca mắc bệnh sởi ở TP.HCM bắt đầu tăng từ cuối tháng 5 đến nay và tuần gần nhất đã có đến 60 ca sốt phát ban nghi mắc sởi. Ba quận, huyện có số ca sởi cao nhất là quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và Hóc Môn.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo từ các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, tính đến ngày 4/8, đã có 505 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 262 ca xét nghiệm dương tính, hơn 50% là các ca bệnh ở tỉnh thành khác đến khám và điều trị tại thành phố.

Chỉ tính riêng các trường hợp có địa chỉ tại TP.HCM, có đến 201 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 116 ca xét nghiệm dương tính. Trong khi đó, từ năm 2021 đến năm 2023 cả TP chỉ có một ca xét nghiệm dương tính.

Hiện toàn TP đã có 48 phường, xã trên 14 quận, huyện có ca bệnh sởi xác định; 8 quận, huyện có từ 2 phường xã trở lên có ca bệnh.

Trong 116 ca xác định có 27,6% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, 78,4% là trẻ dưới 5 tuổi. Số bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi chiếm đến 66% và có đến 30% không rõ tiền sử tiêm chủng.

Các chuyên gia y tế cho rằng, sởi được coi là mối đe dọa toàn cầu bởi virus sởi thuộc họ Paramyxoviridae có tính lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp từ người bệnh sang người khỏe mạnh trong cộng đồng hoặc thậm chí xuyên biên giới.

Sởi nguy hiểm bởi chúng không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính mà còn khiến người bệnh có nguy cơ viêm nhiễm hệ thống thần kinh, rối loạn hệ vận động, tổn thương đa cơ quan trong cơ thể, có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề, kéo dài thậm chí là suốt đời cho người bệnh như viêm não, viêm màng não, viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, mù lòa…

Bên cạnh đó, sởi còn đặc biệt nguy hiểm bởi có khả năng xóa trí nhớ miễn dịch, phá hủy trung bình khoảng 40 loại kháng thể có khả năng chống chọi lại các tác nhân gây bệnh.

Ở trẻ em, một nghiên cứu của nhà di truyền học Stephen Elledge tại Đại học Havard vào năm 2019 đã chỉ ra sởi loại bỏ từ 11% đến 73% kháng thể bảo vệ ở trẻ em.

Tức khi mắc bệnh sởi, hệ thống miễn dịch của người bệnh sẽ bị phá hủy và thiết lập trở lại trạng thái ban đầu non nớt, chưa hoàn thiện như đứa trẻ vừa sinh ra.

Để giảm thiểu rủi ro cũng như ngăn chặn dịch sởi quay trở lại, WHO nhấn mạnh tiêm chủng là biện pháp duy nhất để bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng này. Các quốc gia trên thế giới bắt buộc phải đạt được và duy trì tỷ lệ bao phủ trên 95% với 2 liều vắc-xin sởi.

Trẻ em và người lớn cần chủ động tiêm ngừa vắc-xin sởi đầy đủ và đúng lịch để giúp cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu với virus sởi, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sởi và các biến chứng nặng nề, hiệu quả vượt trội đến 98%.

Bên cạnh đó, mỗi người cần chủ động vệ sinh mắt, mũi, họng bằng nước sát khuẩn mỗi ngày. Hạn chế tụ tập nơi đông người, tránh tiếp xúc gần với những người có biểu hiệu mắc bệnh sởi hoặc nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời không dùng chung vật dụng cá nhân với người mắc bệnh. Giữ vệ sinh không gian sống và bổ sung thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Nếu thấy có các triệu chứng của bệnh sởi (sốt, chảy nước mũi, ho khan, mắt đỏ, nhạy cảm với ánh sáng, phát ban khắp cơ thể), cần nhanh chóng đến các trung tâm hoặc cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Đã có 8 trường hợp tử vong do dại

Theo thông tin từ CDC Bình Thuận, địa bàn vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong nghi do bệnh dại. Đây là ca tử vong thứ 8 kể từ đầu năm 2024 đến nay.

Cụ thể, bệnh nhân nữ 49 tuổi (xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc) sống một mình, người nhà không rõ bệnh nhân có bị chó, mèo cắn hay không; không rõ tiền sử tiêm ngừa.

Trong nhà, bệnh nhân có nuôi chó và ghi nhận hiện tại chó nhà nuôi còn sống bình thường. Ngày 3/8/2024, người nhà thấy bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ, hốt hoảng, mệt mỏi, không dùng thuốc gì.

Đến ngày 5/8/2024, bệnh nhân thấy khó thở, sợ nước, sợ gió, chạy trốn vào bóng tối. Vì vậy, người nhà đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận. Sau khi thăm khám và hội chẩn, bác sỹ tại đây kết luận nghi bệnh dại và chuyển bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân được lấy mẫu nước bọt xét nghiệm (PCR), với kết quả dương tính vi rút dại. Bệnh nhân trở nặng được người nhà xin về và tử vong vào ngày 6/8/2024.

Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc-xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.

Truyền thông, hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo

Bộ Y tế khuyến cáo người dân đừng ngần ngại, hay do dự tiêm vắc-xin phòng dại khi bị chó hoặc động vật cắn. Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, xử trí kịp thời.

Bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, người dân nếu có điều kiện có thể tiến hành tiêm vắc-xin dự phòng trước phơi nhiễm dại.

Theo đó, nếu tiêm dự phòng, chỉ cần tiêm 3 mũi, hoàn toàn linh động về mặt thời gian. Khi chẳng may bị chó, mèo cắn, lịch tiêm sẽ đơn giản hơn, chỉ cần tiêm 2 mũi vắc-xin mà không cần phải tiêm huyết thanh kháng dại kể cả khi vết thương nặng, vị trí cắn gần với thần kinh trung ương hoặc nơi tập trung nhiều dây thần kinh. 

Trong khi đó, nếu không tiêm phòng dại trước khi bị chó, mèo cắn thì cần phải tiêm 5 mũi với thời gian khắt khe trong một tháng, đặc biệt là trường hợp bị vết thương nặng, vị trí trọng yếu thì cần phải tiêm huyết thanh, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và lịch sinh hoạt cũng như là phải chịu đựng đau đớn hơn và nhiều tác dụng phụ hơn.

Đặc biệt, ở vùng sâu vùng xa, không phải lúc nào huyết thanh kháng dại và vắc-xin cũng luôn sẵn sàng, có những thời điểm khan hiếm khiến do người dân bị động vật cắn rất hoang mang, lo sợ.

Đối với trẻ em, việc tiêm ngừa dại trước phơi nhiễm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì trẻ em thường không để ý đến những vết thương do động vật gây ra trong quá trình đùa với thú cưng bị xây sát và có thể trẻ quên mất việc cần thông báo cho bố mẹ biết (trừ trường hợp nặng).

Hơn nữa, trẻ em có cơ thể thấp nên khi bị chó cắn thường sẽ bị ở đầu, mặt, cổ nhiều hơn là người lớn, đó cũng là nguyên nhân khiến virus dại di chuyển nhanh hơn lên hệ thần kinh trung ương và gây bệnh nhanh.

Ngoài ra, trước lo ngại vắc-xin phòng bệnh dại có tác dụng phụ, ảnh hưởng hệ thần kinh, gây mất trí nhớ, bác sỹ Hải cho biết vắc-xin thế hệ cũ tồn tại vấn đề này.

Tuy nhiên, hiện nay vắc-xin phòng dại đã được sản xuất bởi công nghệ hiện đại, không chứa các tế bào thần kinh nên không gây hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe hay trí nhớ của người dùng.

Vắc-xin dại thế hệ mới dùng kỹ thuật ly tâm phân đoạn, đảm bảo tạp chất ở mức thấp và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) (thấp hơn 10 nanogram mỗi liều).

Một số loại vắc-xin không sử dụng chất bảo quản thimerosal (thủy ngân), do đó vắc-xin dại thế hệ mới cũng giảm tối đa các tác dụng phụ tại chỗ như sưng, đau, sốt… so với vắc-xin thế hệ cũ đã ngừng sử dụng.

Gặp họa vì ăn đồ tái sống

Tháng 7 vừa qua, sau khi bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), các bác sỹ ở đây đã phát hiện anh nhiễm sán lá phổi. Bệnh nhân cho biết, bản thân thường đi làm, qua suối, bắt cua sống nướng lên ăn. Hiện bệnh nhân đã được điều trị khỏi, xuất viện và hướng dẫn tái khám định kỳ.

Sán lá phổi có rất nhiều loài khác nhau (hơn 40 loài), trong đó 2 loài thuộc nhóm có mức độ gây hại nhất là Paragonimus heterotremus và Paragonimus westermani.

Các loài sán lá phổi này thường có kích thước khá lớn, có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường những con sán đã trưởng thành.

Theo các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Đức Giang, một số tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La., người dân có thói quen sinh hoạt ăn món tôm, cua sống (ăn gỏi hoặc nướng chưa chín).

Khi ăn phải tôm, cua có ấu trùng sán lá phổi chưa nấu chín, ấu trùng sán vào dạ dày và ruột (ấu trùng thoát nang ở tá tràng), xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng rồi xuyên qua cơ hoành và màng phổi vào nhu mô phổi rồi làm tổ ở đó, một số ít cư trú tại tim, phúc mạc, gan, thận, dưới da, ruột, não…

Sán chủ yếu ký sinh trong phổi, làm nang trong tiểu phế quản nhỏ của phổi người hay súc vật, trong mỗi nang hầu hết có 2 con và dịch mủ màu đỏ, xung quanh có mạch máu tân tạo.

Triệu chứng mắc sán lá phổi của từng người tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của bệnh, bệnh lý nền kèm theo.

Một số triệu chứng điển hình như rối loạn tiêu hóa thường là triệu chứng ban đầu của bệnh: Ngay sau khi nhiễm phải các loại ấu trùng sán thông qua việc ăn uống, người bệnh bị đau bụng, tiêu chảy.

Ở giai đoạn ấu trùng sán lá phổi đã di chuyển từ dạ dày lên đến vùng phổi, người bệnh có triệu chứng tràn khí màng phổi hoặc tràn dịch màng phổi.

Khi sán đã ký sinh tại phổi và sinh sản, bệnh nhân xuất hiện nhiều triệu chứng bệnh rõ rệt hơn nữa, đặc biệt ảnh hưởng đến hệ hô hấp: Ho kéo dài, ho khạc đờm có kèm máu, đau tức ngực, sốt nhẹ, cơ thể dần yếu ớt, khả năng hô hấp bị hạn chế,...

Một vài trường hợp bệnh nhân có những triệu chứng bệnh khá phức tạp sẽ bị chẩn đoán nhầm giữa sán lá phổi với bệnh lao phổi.

Mới đây, các bác sỹ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khám và điều trị cho nam bệnh nhân trẻ tuổi tên T.Đ.T, trú ở Yên Bái. Nam thanh niên này ngứa khắp người, kèm theo sốt, chóng mặt và mẩn đỏ, phát ban dưới da.

Thậm chí, dưới da ở đùi, mặt cẳng tay, bụng, lưng có thấy rõ hình ảnh ngoằn ngoèo của ký sinh trùng di chuyển. T được chẩn đoán nhiễm giun sán ký sinh trùng.

Để phòng bệnh do giun sán, bác sỹ khuyên người dân không nên ăn các loại đồ ăn sống như tôm, cua nước ngọt; vệ sinh sạch sẽ tay và các dụng cụ chế biến thức ăn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các loại tôm, cua, cá sống.

Việc ăn những món tái, sống là con đường đưa các loại giun sán thâm nhập vào cơ thể. Khi ăn phải ấu trùng sán, chúng có thể di chuyển theo đường máu tới não, cơ và gây bệnh.

TS.Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhận định, chính thói quen hay sở thích ăn thịt lợn tái, bò tái, tiết canh, gỏi cá, rau thủy sinh của nhiều người là nguyên nhân gây ra các bệnh ký sinh trùng, nhiễm khuẩn.

Thậm chí, nhiều người từng được chẩn đoán u, ung thư não, gan, phổi nhưng nguyên nhân chính xác là ổ áp-xe ấu trùng giun, sán. Khi mắc ký sinh trùng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như: Viêm đường mật cấp tính, áp-xe gan, viêm túi mật, hoặc tụ máu dưới bao gan…

Thông tin mới về ổ dịch bạch hầu tại Thanh Hóa
Thông tin từ Sở Y tế Thanh Hóa cho hay đã có kết quả xét nghiệm thêm 2 ca mắc bạch hầu tại ổ dịch khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư