Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 14/2: Số ca cấp cứu do tai nạn giao thông Tết 2024 giảm
D.Ngân - 14/02/2024 09:25
 
Trong 6 ngày Tết 2024, các cơ sở y tế trong cả nước tiếp nhận khám, cấp cứu cho 19.673 trường hợp nghi liên quan đến giao thông, giảm 12,1% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.

Số ca khám, cấp cứu do tai nạn giao thông giảm

Trong 6 ngày Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình dịch bệnh trên cả nước không có diễn biến bất thường; trong khi tổng số người đến khám, cấp cứu và tai nạn pháo nổ tăng thì số ca cấp cứu và tử vong do tai nạn giao thông giảm.

Các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang cấp cứu, điều trị bệnh nhân bị tai nạn giao thông.

Theo báo cáo công tác y tế Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 chiều ngày 13/2 của Bộ Y tế, hiện có 6 địa phương đang có ổ dịch sốt xuất huyết phải theo dõi gồm: An Giang (9 ổ dịch), TP.HCM (2 ổ dịch), Bến Tre (6 ổ dịch), Tiền Giang (10 ổ dịch), Tây Ninh (45 ổ dịch), Cà Mau (5 ổ dịch).

Từ ngày 8/2 đến ngày 13/2, ghi nhận 181 trường hợp mắc tay chân miệng được báo cáo trên phạm vi cả nước; không ghi nhận trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, ghi nhận một trường hợp bệnh dại trên người đã tử vong tại xã Tân Phú huyện Thới Bình, Cà Mau. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau đã tổ chức điều tra, giám sát và tham gia xử lý theo quy định.

Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu cho nhân dân.

So Với Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, có số người bệnh ghi nhận tăng ở lĩnh vực cấp cứu này, nhưng lại giảm ở lĩnh vực cấp cứu khác.

Số liệu tổng hợp từ báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 sở y tế các tỉnh, thành phố và y tế ngành trên toàn quốc từ ngày 8/2 đến sáng ngày 13/2 các cơ sở tiếp nhận 321.219 lượt người bệnh đến khám, cấp cứu, tăng 30,2% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.

Tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là 117.062 người (tăng 2,1%); các cơ sở y tế thực hiện 13.095 ca phẫu thuật, trong đó có 2.878 ca phẫu thuật cấp cứu (giảm 7,6%); cả nước có 13.023 ca đỡ đẻ, mổ đẻ (giảm 7,3%).

Các cơ sở y tế trong cả nước tiếp nhận khám, cấp cứu cho 19.673 trường hợp nghi liên quan đến giao thông, giảm 12,1% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023, trong đó có 8.032 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi (giảm 2%); chuyển tuyến trên điều trị là 2.284 trường hợp (giảm 1,8%)…

Số ca tử vong nghi do tai nạn giao thông là 105 trường hợp (32 trường hợp tử vong tại viện và 73 trường hợp tử vong trước viện), giảm 21,1% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.

Tai nạn pháo tăng 52%

Thông tin ban đầu, ngày mùng 2 Tết, T.M.T (15 tuổi, ở Nghệ An) đi chơi, nhặt được quả pháo tự chế ngoài đường mang về đốt. Vừa châm lửa quả pháo đã bất ngờ phát nổ ngay khiến thiếu niên ngất xỉu tại chỗ, được người nhà đưa đi cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Khoa Phẫu thuật chi dưới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng dập nát toàn bộ tay phải, lộ xương.

“Dù đã cố gắng hết sức nhưng chúng tôi vẫn không thể cứu được bàn tay cho cháu. Bệnh nhân bị cắt cụt 1/3 tay dưới, không còn chức năng cầm nắm, chỉ còn khuỷu vận động”, bác sĩ Tiến nói.

Theo thống kê của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, từ 30 Tết đến sáng mùng 4 Tết Giáp Thìn, bệnh viện tiếp nhận 22 trường hợp bị tai nạn thương tích liên quan đến pháo nổ.

Chỉ riêng từ đêm 30 đến rạng sáng mùng 1 Tết có đến 13 trường hợp cấp cứu do pháo nổ. Chủ yếu các bệnh nhân bị thương ở tay, có trường hợp phải cắt cụt ngón, cá biệt có trường hợp nặng phải cắt cụt tay.

Theo các bác sĩ, tai nạn do pháo nổ gây ra những chấn thương nặng và rất nặng. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ nhỏ, tổn thương ở bàn tay thuận.

Rất nhiều em không thể điều trị bảo tồn do tổn thương quá nặng, phải cắt cụt ngón, thậm chí phải phẫu thuật bỏ hoàn toàn bàn tay phải, gây ảnh hưởng tâm lý, thể chất và đời sống sinh hoạt sau này.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội.

Báo cáo của Bộ Công an cũng cho hay thời gian qua nhiều vụ án liên quan đến hành vi tự chế pháo trái phép, gây ra hậu quả khôn lường đã xảy ra.

Đặc biệt, vào thời điểm gần Tết, các vụ tai nạn liên quan pháo tự chế lại gia tăng, để lại hậu quả đáng tiếc. Có những trường hợp phải chịu thương tổn suốt đời như cụt tay, bỏng nặng ở vùng mặt, mất thị lực…, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Thống kê của ngành Y tế cho thấy, so với Tết năm trước, số ca tai nạn do pháo nổ, chất nổ tăng 52%. Trong 583 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa thì có tới 302 trường hợp phải nhập viện điều trị.

Ngoài ra cũng có 82 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế khác, tăng 60 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023, trong đó có 5 trường hợp tử vong (tăng 3 trường hợp).

Vào dịp sát Tết và Tết Nguyên đán hàng năm, Khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị vết thương bàn tay do pháo nổ, đa số bệnh nhân ở độ tuổi từ 10-16 tuổi tự chế pháo để chơi Tết.

Trước sự nguy hiểm của pháo tự chế, theo bác sĩ mỗi gia đình cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân, con em chấp hành nghiêm các quy định về quản lý pháo, không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ (thuốc pháo) để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra từ pháo nổ.

Đồng thời, các lực lượng chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về những nguy hại của pháo nổ, thuốc nổ cho người dân, đặc biệt là đối với học sinh.

Nỗi lo tai nạn pháo dịp Tết
Một nam thiếu niên 14 tuổi tại Bắc Giang tự chế pháo chơi bất ngờ pháo nổ gây ra thương tích nặng nề, tổn thương tim.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư