Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 12 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 15/1: Nguy cơ đột quỵ tăng khi nhiệt độ giảm nhanh
D.Ngân - 15/01/2024 11:19
 
Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ đột quỵ có thể tăng hơn 10% khi nhiệt độ giảm 2,4 độ C trong 24 giờ.

Các chuyên gia cảnh báo, tỷ lệ đột quỵ thường tăng đột biến khoảng 30% vào thời điểm cuối năm cũ và đầu năm mới. Giai đoạn chuyển mùa, thời tiết biến đổi nóng, lạnh thất thường làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người mắc sẵn các bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rung nhĩ, tiểu đường, béo phì, cao mỡ máu…

Nguy cơ đột quỵ có thể tăng hơn 10% khi nhiệt độ giảm 2,4 độ C

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu, Giám đốc Trung tâm Thần kinh-Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nguy cơ đột quỵ mùa cuối năm còn gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau như về ăn uống, tiệc tùng, chế độ làm việc, nghỉ ngơi chưa phù hợp.

Các chuyên gia cảnh báo, tỷ lệ đột quỵ thường tăng đột biến khoảng 30% vào thời điểm cuối năm cũ và đầu năm mới.

Tiêu thụ nhiều rượu bia, chất béo, hút thuốc lá, ít vận động làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, hình thành cục máu đông, tắc nghẽn hay vỡ mạch máu, dẫn đến đột quỵ. Áp lực công việc cuối năm nhiều gây căng thẳng, mất ngủ, rối loạn lo âu, cũng có thể làm nguy cơ đột quỵ, kể cả với những người trẻ.

TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết cứ mỗi phút trôi qua, cơn đột quỵ làm chết gần 2 triệu tế bào thần kinh. Do vậy, càng để lâu, cấp cứu càng chậm hoặc không đúng cách thì nguy cơ tàn phế, tử vong của người bệnh càng cao.

Thực tế cho thấy, gần 70% trường hợp đột quỵ không được cấp cứu kịp “giờ vàng”, dẫn đến các biến chứng nặng nề. Trong đó, khoảng 50% ca đột quỵ tử vong.

“Giờ vàng” trong cấp cứu đột quỵ nhồi máu não là 3 – 4,5 giờ, có thể mở rộng lên trên 6 giờ đầu kể từ khi người bệnh khởi phát cơn đột quỵ. Đối với đột quỵ xuất huyết não, giờ vàng cấp cứu là trong vòng 8 giờ đầu, có thể mở rộng lên trên 24 giờ, thậm chí hơn. Tuy nhiên, người bệnh đột quỵ cần được cấp cứu càng sớm càng tốt.

Các biện pháp can thiệp cấp cứu đột quỵ thường bao gồm: dùng thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp nội mạch, phẫu thuật… Tùy thuộc vào loại đột quỵ là nhồi máu não hay xuất huyết não, mức độ nghiêm trọng và thời gian xảy ra đột quỵ mà bác sĩ chỉ định biện pháp phù hợp và hiệu quả nhất.

TS.Minh Đức cho biết thêm, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh triển khai y lệnh khẩn “Code stroke” dành riêng để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ. Y lệnh khẩn này kết nối các liên chuyên khoa cấp cứu, thần kinh, chẩn đoán hình ảnh… và mở lối đi riêng cho bệnh nhân.

Bệnh nhân được đánh giá ngay tại phòng cấp cứu với các thiết bị, máy móc di động, chụp CT, MRI theo luồng ưu tiên. Bác sĩ đọc kết quả ngay trên màn hình, hội chẩn nhanh và quyết định biện pháp xử lý ngay lập tức, rút ngắn thời gian cấp cứu đột quỵ nhồi máu não xuống còn 30 phút, thậm chí 20, 15 phút.

Đối với đột quỵ xuất huyết não, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết bệnh viện đang ứng dụng robot mổ não hiện đại bậc nhất và duy nhất tại Việt Nam cùng nhiều trang thiết bị chuyên dụng thế hệ mới nhất, giúp phẫu thuật loại bỏ khối máu tụ, kẹp, tắc mạch máu não bị vỡ thành công ngoạn mục.

Đặc biệt, bệnh viện thực hiện mổ thức tĩnh cấp cứu đột quỵ xuất huyết não hiệu quả cho nhiều trường hợp muộn giờ vàng lên đến 1-2 ngày. Người bệnh hồi phục nhanh, bảo toàn tối đa các chức năng thần kinh.

Đột quỵ có thể phòng tránh được trong ít nhất 80% trường hợp. Bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ, chủ động tầm soát mọi dấu hiệu bất thường có thể gây ra đột quỵ trên khắp cơ thể như: tim, não, mạch máu, các chi, phổi, gene, yếu tố tăng đông, xơ vữa…

Bất kỳ ai, ở mọi độ tuổi đều nên ttầm soát đột quỵ định kỳ, đặc biệt là thời điểm cuối năm. Việc này càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn với những người có yếu tố nguy cơ cao như trên 55 tuổi, mắc các bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, mỡ máu cao, dị dạng, phình mạch máu não…), hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích.

Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trang bị nhiều máy móc, kỹ thuật hiện đại như hệ thống chụp MRI 3 Tesla, CT 768 lát cắt, chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA cao cấp, hệ thống máy siêu âm tổng quát Acuson Sequoia, siêu âm Doppler, X-Quang kỹ thuật số treo trần cao cấp, các máy xét nghiệm máu chuyên biệt, kỹ thuật khảo sát gene… giúp “truy lùng” mọi nguyên nhân và yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới đột quỵ, kể cả khi chưa xuất hiện triệu chứng.

Trẻ hoá bệnh nhân chạy thận nhân tạo

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với các bệnh lí về thận và mỗi năm, bệnh lý này cướp đi mạng sống của 5 – 10 triệu người.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8.000 ca mắc mới mỗi năm. Đáng lo ngại hơn, trong những năm trở lại đây, tỷ lệ người bệnh trẻ tuổi mắc bệnh và phải lọc máu chu kỳ tăng 5-10%, trở thành gánh nặng cho y tế, gia đình và xã hội.

Nếu như trước đây, bệnh chỉ xuất hiện ở nhóm người trên 60 tuổi, thì hiện nay, tỉ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18-30 tuổi chiếm đến 25%.

Tình trạng người bệnh suy thận mạn đang ngày càng trẻ hóa, số người cần phải lọc máu tiếp tục có xu hướng tăng là thách thức không hề nhỏ đối với ngành Y tế và là hồi chuông báo động tới tất cả mọi người. Đặc biệt, bệnh thận thường diễn tiến âm thầm, rất khó phát hiện và người bệnh đến bệnh viện điều trị đều đã ở giai đoạn nặng.

Đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng cho hay, hiện tại, Khoa điều trị cho 56 người bệnh suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ, trong đó có 20 người bệnh từ 18-35 tuổi.

Một vài năm trở lại đây, số lượng người bệnh có xu hướng trẻ hóa. Nhiều người trẻ không có biểu hiện, chỉ phát hiện ra bệnh khi tình cờ đi khám sức khỏe định kỳ, khám nghĩa vụ quân sự hay khám tiền hôn nhân.

Đa số người bệnh trẻ tuổi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn cuối nhưng đều có tâm lý chủ quan hoặc nhiều người mang theo tâm trạng chán nản, không tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị, điều này không chỉ gây khó khăn trong quá trình điều trị mà còn làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng, suy giảm sức khỏe nặng nề và trở thành gánh nặng cho gia đình.

Cũng theo bác sĩ, bệnh suy thận thường không có các biểu hiện rõ ràng, dễ bị bỏ qua, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể.

Bên cạnh những nguyên nhân dẫn tới bệnh thận mạn giai đoạn cuối như di truyền, thận đa nang, nhiễm khuẩn, bệnh tự miễn… thì thói quen sinh hoạt không lành mạnh như: Tình trạng ăn uống thừa năng lượng, thức ăn chế biến sẵn nhiều hóa chất bảo quản; lạm dụng các loại đồ uống; lối sống ít vận động thể lực cũng là những nguyên nhân dẫn tới trẻ hóa suy thận mạn.

Suy thận mạn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính. Để hạn chế nguy cơ suy thận mạn tính, mỗi người cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung các loại rau củ, uống nhiều nước, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, thường xuyên tập luyện thể thao để nâng cao sức khỏe, sử dụng các loại thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ…

Đối với những người bệnh mắc các bệnh lý nguy cơ như viêm cầu thận mạn, thận đa nang, viêm thận bể thận mạn do sỏi, lupus, đái tháo đường, tăng huyết áp… thì phải theo dõi và điều trị để phòng biến chứng dẫn đến suy thận.

Đặc biệt, cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời, tránh để các bệnh lý về thận diễn biến nặng dẫn tới suy thận mạn tính.

Cứu chữa thành công sản phụ mắc bệnh hiếm

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa phát hiện và điều trị ca chửa ngoài tử cung trước và sau phúc mạc đồng thời là hình thái của ung thư nguyên bào nuôi, vô cùng hiếm gặp trên thế giới

Khoa Phụ A5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân N.T.H (48 tuổi, Hà Nội) nhập viện với chỉ số xét nghiệm beta HCG lên tới 79.000mlU/ml, tương đương có 1 túi ối rất phát triển.

Tuy nhiên, trái với dự đoán, hình ảnh siêu âm đường âm đạo, siêu âm ổ bụng và chụp MRI đều không quan sát thấy khối thai hoặc khối chửa ở bất kỳ chỗ nào trong ổ bụng, trong khi kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số beta HCG vẫn tiếp tục tăng.

Một lần nữa, bệnh nhân được siêu âm hội chẩn với khoa Chẩn đoán hình ảnh, phát hiện thấy hình ảnh âm vang nghi ngờ khối chửa ở phía sau buồng trứng phải.

Dưới sự chỉ đạo của TS.Mai Trọng Hưng, Phó Giám đốc phụ trách bệnh viện và Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Khắc Huỳnh, Phó Giám đốc bệnh viện, bệnh nhân đã được phẫu thuật nội soi chẩn đoán.

PGS-TS.Lê Thị Anh Đào, Trưởng khoa Phụ A5 cùng ê-kíp đã tìm thấy khối chửa nằm một phần ở phía sau phúc mạc, một phần lồi vào trong ổ bụng rất rõ nét. Ê-kíp đã cẩn trọng bóc tách, lấy toàn bộ khối chửa cả mặt trong và sau phúc mạc gửi giải phẫu bệnh.

Sau phẫu thuật, lượng beta HCG giảm rất nhanh, chỉ còn 35.000mlU/ml ở ngày thứ nhất, 17.800 mlU/ml ở ngày thứ hai. 7 ngày sau mổ, kết quả giải phẫu bệnh trả lời đây là 1 trường hợp chửa ngoài tử cung đặc biệt, khối chửa là một hình thái ung thư nguyên bào nuôi (ung thư rau). Bệnh nhân cần nhập viện để điều trị hoá chất.

Trên thế giới, hiện có 20 bài báo cáo liên quan đến các trường hợp chửa sau phúc mạc. Ca chửa ngoài tử cung trước và sau phúc mạc đồng thời lại là hình thái của ung thư nguyên bào nuôi của chị N.T.H rất hiếm được đề cập tới cũng là một ca bệnh đặc biệt trên thế giới.

Mặc dù là một hình thái bệnh lý hiếm gặp nhưng bệnh nhân đã được chẩn đoán rất chính xác và xử lý kịp thời bằng phẫu thuật nội soi kết hợp với hoá trị liệu.

Tin mới về y tế ngày 17/12: Thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ tim
Theo các bác sĩ, thời tiết chuyển lạnh đột ngột không chỉ làm tăng nguy cơ đột quỵ tim mà còn khiến các bệnh lý tim mạch khác như huyết áp, suy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư