Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 09 tháng 10 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 20/7: Giám sát biến thể phụ BA.4, BA.5; Sốt xuất huyết vẫn tăng nhanh
D.Ngân - 20/07/2022 09:49
 
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường và có nguy cơ bùng phát trở lại. Hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong cộng đồng.

Giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5

Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có các biện pháp xử lý kịp thời. Đánh giá, phân tích tình hình dịch và các yếu tố nguy cơ, chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh và phương án triển khai các kịch bản, thích ứng với mọi tình huống dịch.

Bộ Y tế yêu cầu đẩy mạnh triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên 

Đẩy mạnh việc triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch theo công thức "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác... gắn với thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19 để tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.

Chủ động diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết

Tại các địa phương ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh.

Tại Đà Nẵng, đã ghi nhận 3.305 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 23,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có gần 1.300 ca mắc là trẻ em từ 15 tuổi trở xuống. Theo CDC Đà Nẵng, riêng quận Liên Chiểu có tỷ lệ mắc cao nhất thành phố (gấp 2,89 lần), với 120 ổ dịch (chiếm 1/3 số ổ dịch của toàn thành phố).

Tại Bình Định, các ca mắc mới sốt xuất huyết trong những tuần gần đây vẫn gia tăng. Đến ngày 13/7, tổng cộng đã có 1.232 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết với 91 ổ dịch. Riêng trong tuần từ 7 đến 13/7 ghi nhận 132 ca bệnh sốt xuất huyết. Trong tuần, phát hiện 7 ổ dịch sốt xuất huyết tại các huyện, thị xã: Hoài Nhơn 2 ổ dịch (Hoài Tân 1, Hoài Phú 1); Hoài Ân 3 ổ dịch (Ân Thạnh 1, Ân Phong 1, Ân Đức 1); An Lão 2 ổ dịch (An Hòa 1, TT An Lão 1).

Tại Tiền Giang, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 2.500 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca đã tử vong.

Để ngăn chặn sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các tỉnh, huyện, thị xã, thành phố tích cực tham mưu cho UBND cấp huyện tăng cường chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng.

Đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng theo hướng dẫn của ngành y tế.

Các cơ sở khám, chữa bệnh cũng theo dõi sát sao người bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện. Điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng. Củng cố và duy trì hoạt động của "nhóm điều trị bệnh sốt xuất huyết" và "đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết" tại các đơn vị khám, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.

Tập trung tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ có nguy cơ cao,  bệnh nền, béo phì từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi 

Tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đang được đánh giá là rất chậm, do số trẻ mắc Covid-19 thời gian qua nhiều (khoảng 3,5 triệu trẻ mắc Covid-19 trong tháng 2-4/2022), nhưng đa phần ở mức độ nhẹ dẫn đến tâm lý chủ quan của các bậc phụ huynh cho rằng con đã có miễn dịch phòng bệnh và không muốn cho con đi tiêm chủng hoặc chưa đủ thời gian tiêm sau khi mắc bệnh. 

Nhiều phụ huynh có tâm lý lo lắng về phản ứng sau tiêm, sợ ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt của con nên không đồng ý cho con tiêm chủng. Các phụ huynh cũng e ngại các tác hại lâu dài của vắc-xin đối với trẻ em trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho trẻ em ở độ tuổi này tại nhiều quốc gia phát triển như Mỹ,.. còn ở mức thấp. 

Bên cạnh đó hiện tại hầu hết trẻ đang trong thời gian nghỉ hè nên khó huy động trẻ đến tiêm chủng so với giai đoạn trước đây.

Các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn này nên tập trung cho những trẻ có nguy cơ cao, bị bệnh nền, béo phì; Có sẵn sàng vắc-xin để tiêm theo đăng ký/nhu cầu, mong muốn của gia đình (đối với nhóm trẻ em không béo phì, bệnh nền....).

Ngoài sự nỗ lực tích cực của ngành y tế, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt trong tiêm cho trẻ rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của chính quyền các địa phương để đẩy nhanh tiến độ tiêm nhằm chuẩn bị cho trẻ đến trường năm học mới cũng như cho đối tượng nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các chuyên gia cũng đề nghị đẩy mạnh truyền thông dựa trên căn cứ khoa học về giảm hiệu lực của vắc-xin theo thời gian sau tiêm mũi 1, mũi 2 và mũi 3.

Dịch sốt xuất huyết đang gây lo ngại tại Hà Nội
Chuyên gia dự báo đỉnh dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc sẽ rơi vào giữa tháng 8 và cần chủ động phòng bệnh từ bây giờ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư