Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 27 tháng 08 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 26/8: Ứng dụng AI trong khám chữa bệnh
D.Ngân - 26/08/2024 11:54
 
Tại Việt Nam, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế là một lĩnh vực mới nhưng hiện có vai trò ngày càng tăng trong chẩn đoán bệnh, từ đó giúp cho việc đưa ra các quyết định điều trị chính xác, kịp thời, hiệu quả.

Hiệu quả trong AI trong khám chữa bệnh

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, toàn cầu sẽ thiếu khoảng 18 triệu nhân viên y tế. Vì thế, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác khám chữa bệnh, chẩn đoán hình ảnh không chỉ cho kết quả chính xác cùng các phân tích dữ liệu nhanh nhạy mà còn giúp bác sỹ giảm tải được nhiều công đoạn trong công việc, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân viên y tế.

Trong y tế, chẩn đoán hình ảnh là lĩnh vực hàng đầu có thể ứng dụng AI để tăng hiệu quả. 

Theo GS.TS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, trong y tế, chẩn đoán hình ảnh là lĩnh vực hàng đầu ứng dụng AI. Việc ứng dụng phần mềm AI giúp việc chẩn đoán nhanh hơn, kết quả chính xác hơn.

Trong tương lai gần, AI sẽ đi vào ứng dụng nhiều trong chẩn đoán hình ảnh, giúp giảm tải cho y bác sỹ vì lượng bệnh nhân rất nhiều, nếu không có AI, việc đọc kết quả của bác sỹ sẽ rất mất thời gian. Như vậy, AI là một công cụ hữu ích hỗ trợ các bác sỹ trong lĩnh vực chẩn đoán, có thể giúp phát hiện các tổn thương rất nhỏ.

Hiện nay, các công nghệ chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ AI đang được phát triển như một công cụ tiên lượng, giúp các bác sỹ dự đoán những ca bệnh cần điều trị, ngay cả khi chưa có biểu hiện triệu chứng bệnh. Can thiệp sớm hơn có thể giúp bệnh nhân sống lâu hơn, tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn, giảm chi phí chăm sóc cho gia đình và xã hội.

Bác sỹ Hà Thúc Nhân, thành viên của Hội điện quang và y học hạt nhân chia sẻ, với bệnh ung thư gan, việc ứng dụng AI trong chẩn đoán có thể giúp dự báo nguy cơ ung thư của một người bị bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan… là bao nhiêu phần trăm.

Điều này có được thông qua tổng hợp các phương tiện như xét nghiệm lâm sàng, chụp cộng hưởng từ…, từ đó, các bác sỹ có thể đưa ra hướng điều trị tích cực để giảm nguy cơ đó.

Đây là điểm quan trọng giúp ngăn chặn từ xa các ca bệnh tiến triển sang giai đoạn nguy hiểm, nhất là ung thư gan. Cũng theo bác sỹ Nhân, AI cũng có thể hỗ trợ bác sỹ xem sau một thời gian can thiệp, tình trạng gan nhiễm mỡ đang tiến triển tốt hơn hay xấu đi thông qua việc định lượng phần trăm mỡ trong tế bào.

Theo đại diện GE HealthCare Việt Nam, tại Việt Nam, mỗi ngày có hàng triệu bản in kết quả về chẩn đoán hình ảnh. Khi được ứng dụng, AI với khả năng đọc, phân tích dữ liệu sẽ giúp các bác sỹ có được kết quả chọn lọc nhất, thay vì phải xử lý khối lượng lớn các hình ảnh của từng ca bệnh.

Được biết, từ năm 2023, nhiều bệnh viện tại Việt Nam đã và đang quan tâm tới ứng dụng AI để hỗ trợ khám, chữa bệnh như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện K, Bệnh viện 199 (Bộ Công an)

PGS-TS.Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam) cho hay, Bệnh viện cũng đang cập nhật Al, robot trong điều trị các bệnh cơ xương khớp, phục hồi chức năng, kết hợp với giải pháp y học cổ truyền.

Trong điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, phục hồi chức năng rất quan trọng. Với sự phát triển của y học, AI và robot đang được ứng dụng trong điều trị bệnh cơ xương khớp nói riêng, phục hồi chức năng nói chung khá rộng, từ những chức năng nhỏ như bàn chân, bàn tay, đau vai gáy, cột sống, thoát vị đĩa đệm, các vấn đề sau đột quỵ như liệt nửa người, yếu chi…

Mô phỏng 3D tìm máu chảy ở thận

6 tháng trước, bà M.T.V. (82 tuổi, TP.HCM) được bệnh viện gần nhà phẫu thuật nội soi cắt một phần thận trái do ung thư. Một tháng gần đây, bà đi tiểu ra máu nên đến Bệnh viện khám.

Bác sỹ chuyên khoa I Phan Huỳnh Tiến Đạt, Khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết bà V. có triệu chứng tiểu máu đại thể, tức nước tiểu có màu đỏ hoặc hồng có thể nhận ra bằng mắt thường.

Căn cứ từ tiền sử phẫu thuật nội soi cắt bướu thận của người bệnh và sau khi xem xét tất cả các khả năng, bác sỹ Đạt nghi ngờ tiểu máu liên quan đến rò động tĩnh mạch.

Tuy nhiên, trước đó bà V. khám thì các cơ sở khác không tìm ra nguyên nhân chảy máu nên Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM quyết định thực hiện mô hình mô phỏng 3D (3 chiều) tìm nguyên nhân máu chảy liên tục ở thân. Người bệnh được  chụp cắt lớp vi tính ở thận bằng hệ thống máy CT 768 lát cắt.

Nhờ hệ thống máy chụp CT 768 lát cắt có độ phân giải cao, toàn bộ cấu trúc mạch máu thận và quả thận được biểu diễn thành mô hình 3D (3 chiều) rõ nét trên máy tính.

Nhờ mô hình này, bác sỹ quan sát trực quan, rõ ràng và chi tiết thận và hệ thống mạch máu thận, từ những mạch máu lớn đến những mạch máu nhỏ. Để quan sát rõ hơn, bác sỹ phóng to mô hình, cận cảnh vào các mạch máu để tìm và phân tích những tổn thương nhỏ.

Không ngoài dự đoán, sau khi xem xét kỹ lưỡng kết quả CT, bác sỹ phát hiện 3 đường rò kích thước khoảng 1mm trên động tĩnh mạch thận trái. Đây là nguyên nhân khiến bà V. bị tiểu máu dai dẳng không dứt.

Theo bác sỹ Đạt, rò động tĩnh mạch thận là biến chứng sau phẫu thuật nội soi cắt bướu bảo tồn thận rất ít gặp nên dễ bỏ sót.

“Bác sỹ Tiết niệu phải nghĩ tới nguyên nhân này mới chỉ định phương pháp chẩn đoán hình ảnh phù hợp để tìm ra vị trí bệnh chính xác. Còn nếu chỉ định không phù hợp cũng không thể phát hiện bệnh”, bác sỹ Đạt nói.

Ngoài ra, với trường hợp đường rò rất nhỏ như bà V., không chỉ yêu cầu hệ thống máy CT có độ phân giải lớn (từ 768 lát cắt trở lên) để quan sát được rõ các tổn thương, mà còn cần bác sỹ chẩn đoán hình ảnh giàu kinh nghiệm, đọc được kết quả chuẩn xác.

Sau khi tìm ra nguyên nhân khiến bà V. tiểu máu, bác sỹ Đạt chỉ định bà thực hiện nút mạch thận để đóng lại đường rò.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ công bố năm 2022 cho thấy tỷ lệ mắc phải rò động tĩnh mạch thận chỉ là 0,04%. Hay một nghiên cứu khác cũng của Mỹ năm 2010, trong 889 trường hợp chấn thương thận, chỉ duy nhất 1 trường hợp (chiếm 0,11%) mắc rò động tĩnh mạch thận.

Sự hình thành đường rò động tĩnh mạch thận do nhiều nguyên nhân như dị tật bẩm sinh, tổn thương mạch máu do khối u thận, chấn thương thận hoặc do phẫu thuật tại thận như trường hợp bà V.

Rò động tĩnh mạch thận khiến người bệnh bị tiểu máu có thể tiểu máu vi thể (máu lẫn trong nước tiểu nhưng không thể nhìn thấy bằng mắt thường, làm xét nghiệm nước tiểu mới có thể phát hiện) hoặc tiểu máu đại thể.

Nếu không được điều trị, rò động tĩnh mạch thận có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như tăng huyết áp, tắc nghẽn đường tiểu hoặc suy tim sung huyết (tim bơm máu không hiệu quả không đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể, gây ứ máu tại nhiều cơ quan).

Hiện, rò động tĩnh mạch thận có thể kiểm soát bằng cách phẫu thuật hoặc nút mạch như trường hợp bà V.

Bác sỹ khuyến cáo người có tiền sử can thiệp thận (sinh thiết thận, phẫu thuật một phần thận…) hay từng gặp chấn thương thận xuất hiện tiểu máu cần đến bệnh viện khám sớm, xác định chính xác nguyên nhân để có biện pháp điều trị phù hợp.

Nỗi lo trẻ hóa bệnh nhân gout

Trước đây, độ tuổi mắc bệnh gout chủ yếu trong khoảng 40-60 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, căn bệnh này ngày càng trẻ hóa, thậm chí có trường hợp 20-30 tuổi cũng đã mắc bệnh.

Trên thế giới, bệnh gout thường gặp ở các nước phát triển và đang phát triển, chiếm khoảng 0,02-0,2% dân số, nam giới chiếm chủ yếu (trên 95%).

Còn tại Việt Nam, bệnh gout chiếm khoảng 1/3 tổng số người đến khám các vấn đề về xương khớp. Đây cũng là bệnh đứng thứ 4 trong số 15 bệnh về khớp thường gặp.

TS.Tạ Thị Hương Trang, Trung tâm Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gout là bệnh khớp do sự rối loạn chuyển hóa nhân purin, làm tăng acid uric trong máu gây bão hòa và làm lắng đọng các tinh thể MSU (monosodium urate crystals) ở các tổ chức như: Sụn khớp, đầu xương… Trong khoảng 25/100 người có hàm lượng tăng acid uric trong máu cao đã được phát hiện mắc bệnh gout. Bệnh thường gặp ở nam giới gấp 8 lần nữ giới.

Cũng theo bác sỹ Tạ Thị Hương Trang, tỷ lệ biến chứng của bệnh gout chiếm 50%. Cụ thể, cứ 100 bệnh nhân có 50 người bị các biến chứng.

Ngoài ra, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân không thuyên giảm trong 20 năm qua. Điều đáng nói là độ tuổi mắc bệnh đang ngày càng trẻ hóa.

“Ngoài yếu tố tiền sử gia đình thì tình trạng thừa cân, béo phì, chế độ ăn giàu đạm, ít vận động, ít luyện tập thể dục, thể thao, lạm dụng rượu, bia… là những yếu tố quan trọng khiến bệnh nhân gout gia tăng và trẻ hóa”, bác sỹ Tạ Thị Hương Trang lý giải.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec, lượng bệnh nhân đến khám do gout chiếm khoảng 1/3 tổng số người đến khám các vấn đề về xương khớp.

Trong đó cũng ghi nhận những trường hợp mắc gout khi mới 20-23 tuổi. Các bác sỹ cho biết, bệnh gout thường diễn biến âm thầm. Có người tình cờ phát hiện bệnh nhờ vào việc khám sức khỏe định kỳ. Sau khi tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sỹ, nhiều bệnh nhân đã không tái phát bệnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo ngại khi đa số người bệnh xem nhẹ và cho rằng, bệnh gout không nguy hiểm như: Đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… nên không tuân thủ việc điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ. Hơn nữa, khi xuất hiện những đợt gout cấp, đau khớp, người bệnh đã ra hiệu thuốc mua thuốc tự điều trị hoặc uống thuốc giảm đau thay vì đến bệnh viện.

Việc sử dụng các thuốc giảm đau một cách bừa bãi của một bộ phận không nhỏ người dân dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, đột tử… Bên cạnh đó, có những người đã đi khám và dùng thuốc theo chỉ định nhưng khi thấy các triệu chứng cải thiện thì tự ý bỏ thuốc.

Nếu không tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sỹ sẽ khiến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng. Thậm chí, người bệnh dễ gặp phải tình trạng biến dạng khớp, giảm chức năng vận động, dẫn tới tàn phế và nguy hiểm đến tính mạng.

Để việc điều trị mang lại hiệu quả, các bác sỹ lưu ý, bệnh nhân tuyệt đối không dùng thuốc không rõ nguồn gốc, không do thầy thuốc chỉ định.

Cùng với đó, người bệnh cần duy trì một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Cụ thể là tránh uống bia và rượu mạnh hoặc ăn những thực phẩm giàu purine như: Phủ tạng động vật, thịt bê, dê, thịt hun khói; hạn chế ăn hải sản, uống nước ép hoa quả ngọt và nên ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước… Ngoài thay đổi lối sống, để kiểm soát bệnh, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị, tái khám bệnh định kỳ theo hướng dẫn của bác sỹ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư