Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Thị trường lao động quý IV chắc chắn sáng sủa hơn
Mạnh Bôn - 11/10/2020 12:23
 
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập người lao động trong quý IV chắc chắn sẽ sáng sủa hơn so với quý III và 9 tháng đầu năm.

TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập của người lao động trong quý IV chắc chắn sẽ sáng sủa hơn so với quý III và 9 tháng đầu năm.

“Nhưng muốn giải quyết việc làm, tăng thu thu nhập cho người lao động, Chính phủ nên sớm triển khai gói hỗ trợ thứ hai”, bà Hương đề xuất.

.
TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Với độ mở nền kinh tế lớn như Việt Nam, trong khi Covid-19 vẫn đang hoành hành tại rất nhiều nước trên thế giới, liệu có thể tin là thị trường lao động, việc làm trong quý IV sẽ khởi sắc trở lại, thưa bà?

Đúng là Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát, thậm chí đang diễn biến có chiều hướng tiêu cực tại nhiều nước. Nhưng khác với thời gian đầu, đến nay, các nước đã “quen” dần với dịch bệnh, “sống chung với Covid-19”, nên một mặt tích cực chống dịch, mặt khác vẫn tái khởi động nền kinh tế sau thời gian giãn cách, cách ly xã hội.

Chính vì vậy, các tổ chức tài chính quốc tế gần đây đã đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới với những dấu hiệu khả quan hơn. Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 9/2020, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ước tính, giao dịch thương mại toàn cầu năm nay giảm 9,2%, thay vì giảm ở mức 2 con số như dự báo trước đó.

Nhưng thưa bà, đó chỉ là yếu tố khách quan và cũng chỉ là dự báo. Vấn đề là nội lực của nền kinh tế?

Với tốc độ tăng trưởng 2,62% trong quý III, mặc dù là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, nhưng đã cho thấy, kinh tế đang dần phục hồi sau khi rơi vào điểm đáy trong quý II (chỉ tăng 0,39%). Điều đáng mừng là, tất cả các khu vực kinh tế đều tăng trưởng, đặc biệt là thương mại và dịch vụ - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh - vẫn tăng 2,75% và xuất khẩu trong quý III tăng trưởng rất ấn tượng (tăng 11% so với cùng kỳ 2019, tăng 34,4% so với quý II).

Một điểm đáng lưu ý nữa là, niềm tin của khu vực doanh nghiệp chế biến, chế tạo vào triển vọng quý IV đã được cải thiện rất nhiều, với 82,5% số doanh nghiệp dự báo sản xuất tăng, 82,3% dự báo số lượng đơn đặt hàng trong quý IV tăng, 79,6% dự báo đơn hàng xuất khẩu mới tăng, nên có tới 88,5% số doanh nghiệp dự kiến tăng quy mô lao động hoặc ít nhất là giữ ổn định như quý III.

Với sản xuất, kinh doanh dần phục hồi, xuất khẩu bắt đầu vào “guồng”, niềm tin của doanh nghiệp rất mạnh mẽ, thì không có lý do gì để tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong quý IV không giảm xuống, thu nhập của người lao động không tăng lên.

Bà chưa tính đến khả năng Covid-19 có thể quay trở lại, như đã từng diễn ra hồi cuối tháng 7 vừa qua?

Ngay kể cả trường hợp xấu nhất là dịch bệnh quay trở lại, thì tôi vẫn tin chắc rằng, hoạt động sản xuất, kinh doanh quý IV sáng sủa hơn quý III và tốt hơn rất nhiều so với quý II.

Thứ nhất, theo quy luật, trong 3 tháng cuối năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư bao giờ cũng sôi động hơn rất nhiều so với các tháng đầu năm, do doanh nghiệp tập trung hoàn thành đơn hàng, hợp đồng đã ký kết; tập trung đầu tư, mở rộng hoạt động để hoàn thành kế hoạch...

Thứ hai, các công trình xây dựng cũng vào mùa cao điểm phải hoàn thành.

Thứ ba, cuối năm, nhu cầu chi tiêu, mua sắm của hộ gia đình, cá nhân thường tăng đột biến. Đây cũng là động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại.

Nhưng nếu dịch quay trở lại, mọi hoạt động kể trên sẽ bị tác động tiêu cực?

Sau đợt chống dịch lần thứ nhất, chúng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm qua việc “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch”, nên khi dịch bệnh quay trở lại hồi tháng 7/2020, cách đối phó với dịch bệnh là giữ bình tĩnh, thay vì lo lắng “thái quá”. Cách đối phó này đã chứng minh được hiệu quả khi chỉ cách ly, giãn cách xã hội tại khu vực dịch bệnh xảy ra, chứ không cách ly, giãn cách toàn xã hội như lần trước, nên vừa ngăn chặn được dịch bệnh, vừa thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm.

Vấn đề là, có trên 1/3 trong số doanh nghiệp đang cố gồng mình “sống chung với Covid-19” buộc phải cắt giảm lao động, thưa bà?

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, Việt Nam thực hiện hỗ trợ cả người dân, lẫn doanh nghiệp theo tinh thần của Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ứng phó với Covid-19. Đến nay, có khoảng 19% số doanh nghiệp được hỗ trợ, trong đó chủ yếu được hỗ trợ qua việc gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất; không kể chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng và hàng loạt giải pháp giảm các loại phí, lệ phí khác.

Nỗ lực của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, song liều lượng hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ, thời gian hỗ trợ vẫn chưa đủ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Vì vậy, theo tôi, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu tiếp tục đưa ra gói hỗ trợ đủ lớn, đủ thời lượng và hiệu quả hơn nữa, trong đó tập trung vào doanh nghiệp, đồng thời cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời.

Cùng với đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là tận dụng cơ hội thị trường từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cần đẩy mạnh vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng, nhóm hàng hóa trong nước có đủ năng lực sản xuất, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 1: Xoay vần trong dịch
Covid-19 ập đến như sóng thần. Cả thế giới bị đại dịch “khóa tay, khóa chân”. Các nền kinh tế đóng biên. Làn sóng thất nghiệp lan rộng....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư