Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
TP.HCM vẫn còn quận, huyện chưa đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi
D.Ngân - 14/10/2024 10:43
 
Hiện tại, TP.HCM còn 3 quận, huyện có tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi chưa đạt 95% gồm Tân Phú, quận 3 và Cần Giờ.

Trong ngày 12/10/2024, TP.HCM đã tiêm được tổng cộng 1.166 mũi vắc-xin sởi tại 139 điểm tiêm trên toàn Thành phố. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 99% trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vắc-xin sởi đã được tiêm.

Tổng số mũi tiêm vắc xin sởi của nhóm trẻ từ 1-10 tuổi (tính đến hết ngày 12/10/2024).

Tính đến hết ngày 12/10, tổng số mũi tiêm vắc-xin sởi tích lũy trên địa bàn Thành phố là 219.470 mũi. Trong đó, trẻ từ 1-5 tuổi đã tiêm được 45.885 mũi (đạt 99,80%), trẻ từ 6-10 tuổi là 147.135 mũi (đạt 99,31%). Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi đạt 99% theo kế hoạch.

Hiện tại, còn 3 quận huyện có tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi chưa đạt 95% gồm Tân Phú, quận 3 và Cần Giờ. Sở Y tế đề nghị UBND các quận huyện này cần đẩy nhanh tiến độ để đạt mục tiêu chiến dịch tại quận huyện.

Đối với những quận huyện đã đạt tỷ lệ từ 95% trở lên cần duy trì việc cập nhật tình hình trẻ di biến động, tránh để bỏ sót trẻ chưa được tiêm chủng trên địa bàn.

Trong ngày 12/10, Thành phố ghi nhận 21 ca sốt phát ban nghi sởi được báo cáo (2 ca sởi xác định phòng xét nghiệm, 17 ca sởi nghi ngờ lâm sàng và 2 ca loại trừ sởi), có 13/22 quận huyện, thành phố có số ca sốt phát ban nghi sởi.

Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy đến nay ghi nhận được là 1.360 ca (572 ca sởi xác định phòng xét nghiệm, 511 ca sởi nghi ngờ lâm sàng và 277 ca loại trừ sởi). Các quận, huyện có số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy cao gồm có: Bình Chánh (293 ca), Bình Tân (258 ca) và TP. Thủ Đức (133 ca).

Các chuyên gia y tế cho rằng, sởi được coi là mối đe dọa toàn cầu bởi virus sởi thuộc họ Paramyxoviridae có tính lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp từ người bệnh sang người khỏe mạnh trong cộng đồng hoặc thậm chí xuyên biên giới.

Sởi nguy hiểm bởi chúng không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính mà còn khiến người bệnh có nguy cơ viêm nhiễm hệ thống thần kinh, rối loạn hệ vận động, tổn thương đa cơ quan trong cơ thể, có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề, kéo dài thậm chí là suốt đời cho người bệnh như viêm não, viêm màng não, viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, mù lòa…

Bên cạnh đó, sởi còn đặc biệt nguy hiểm bởi có khả năng xóa trí nhớ miễn dịch, phá hủy trung bình khoảng 40 loại kháng thể có khả năng chống chọi lại các tác nhân gây bệnh.

Ở trẻ em, một nghiên cứu của nhà di truyền học Stephen Elledge tại Đại học Havard vào năm 2019 đã chỉ ra sởi loại bỏ từ 11% đến 73% kháng thể bảo vệ ở trẻ em.

Tức khi mắc bệnh sởi, hệ thống miễn dịch của người bệnh sẽ bị phá hủy và thiết lập trở lại trạng thái ban đầu non nớt, chưa hoàn thiện như đứa trẻ vừa sinh ra.

Để giảm thiểu rủi ro cũng như ngăn chặn dịch sởi quay trở lại, WHO nhấn mạnh tiêm chủng là biện pháp duy nhất để bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng này. Các quốc gia trên thế giới bắt buộc phải đạt được và duy trì tỷ lệ bao phủ trên 95% với 2 liều vắc-xin sởi.

Bác sỹ Bùi Thị Việt Hoa, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho rằng, trẻ em và người lớn cần chủ động tiêm ngừa vắc-xin sởi đầy đủ và đúng lịch để giúp cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu với virus sởi, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sởi và các biến chứng nặng nề, hiệu quả vượt trội đến 98%.

Bên cạnh đó, theo bác sỹ Việt Hoa, mỗi người cần chủ động vệ sinh mắt, mũi, họng bằng nước sát khuẩn mỗi ngày. Hạn chế tụ tập nơi đông người, tránh tiếp xúc gần với những người có biểu hiệu mắc bệnh sởi hoặc nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời không dùng chung vật dụng cá nhân với người mắc bệnh. Giữ vệ sinh không gian sống và bổ sung thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Nếu thấy có các triệu chứng của bệnh sởi (sốt, chảy nước mũi, ho khan, mắt đỏ, nhạy cảm với ánh sáng, phát ban khắp cơ thể), cần nhanh chóng đến các trung tâm hoặc cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư