Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
Trăn trở và luyến tiếc
Huy Thịnh - 01/05/2013 14:28
 
 Đó là cảm xúc của ông Trương Hoàng Lương, nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlong bank) khi phải chia tay Ngân hàng tại Đại hội cổ đông thường niên vừa tổ chức ở TP Rạch Giá (Kiên Giang). Đây là nơi ra đời và phát triển của Kienlong bank qua 17 năm, gắn liền với tên tuổi người sáng lập là ông Trương Hoàng Lương.  
TIN LIÊN QUAN

Bất ngờ chia tay

Có lẽ sự kiện ông Trương Hoàng Lương không tham gia HĐQT Kienlong bank nhiệm kỳ 7 (2013 – 2017) là tâm điểm chú ý của đại hội cổ đông vừa qua. Mặc dù trước đó, vào cuối năm 2012, ông Lương cũng đã xin thôi chức vụ Tổng giám đốc, giao cho ông Phạm Khắc Khoan lên thay, tạm giữ quyền Tổng giám đốc.

Ngày 25/4 vừa qua, tại Đại hội cổ đông thường niên, ông Lương nguyên là Phó chủ tịch thường trực HĐQT KienLongBank (người sáng lập KienLongBank) cho biết, ông không tham gia HĐQT Ngân hàng nhiệm kỳ mới do không đủ sức khỏe. Sự ra đi sau 17 năm tâm huyết và tạo dựng, khiến nhiều người băn khoăn và bất ngờ.

Đại hội lần này đã bầu HĐQT nhiệm kỳ mới gồm 5 thành viên là ông Trần Phát Minh, ông Võ Quốc Thắng, ông Mai Hữu Tín, ông Bùi Thanh Hải và ông Phạm Trần Duy Huyền. Trong đó, ông Võ Quốc Thắng được bầu làm Chủ tịch HĐQT KienLongBank thay cho ông Trần Phát Minh. Trong số 5 thành viên HĐQT mới, chỉ còn lại ông Trần Phát Minh, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam chuyển sang Kienlong bank vào năm 2012.

Ngoài ra, các thành viên Ban kiểm soát cũ cũng được thay mới hoàn toàn sau khi Đại hội bầu các ông Nguyễn Thanh Minh, Lê Khắc Gia Bảo, Nguyễn Văn Phú vào Ban kiểm soát mới. Trong đó ông lê Khắc Bảo làm trưởng Ban kiểm soát Kienlong bank. Theo lo lắng của nhiều cán bộ Kienlong bank, sắp tới đây có thể nhiều cán bộ điều hành cấp cao và cấp trung sẽ phải chia tay vì có chủ mới.

Ông Võ Quốc Thắng hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Tâm, ông cũng được biết đến là ông “bầu” nổi tiếng của làng bóng đá Việt Nam và hiện là Chủ tịch Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp (VPF).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Thắng tâm sự: “Tôi xem Kiên Giang như là quê hương thứ 2 của tôi để tiếp tục phát huy huy những giá trị mà Kienlong bank sẵn có. Ngoài ra, vì còn “cơ duyên” mà tên của hai quê hương tôi là Long An và Kiên Giang ghép lại. Và đương nhiên chúng tôi sẽ giữ gìn tên thương hiệu này để tiếp tục phát triển”.

Hy vọng ngày quay lạị

Ông Trương Hoàng Lương sinh năm 1962, là kỹ sư Nông nghiệp Trường ĐH Cần Thơ, Thạc sĩ Ngành Ngân hàng, Tiến sĩ Kinh tế chuyên ngành tài chính ngân hàng thuộc Trường ĐH Kinh tế - TP. HCM.

Ông là thành viên sáng lập và có công rất lớn trong việc xây dựng phát triển Ngân hàng Kiên Long ổn định và vững mạnh 17 năm qua. Với kinh nghiệm thực tiễn kinh doanh và kiến thức được đào tạo bài bản và chuyên sâu, ông Lương cho biết, sau khi nghỉ làm ở Kienlong bank, ông sẽ đi làm thỉnh giảng ở một số trường đại học trong nước. Và nếu có điều kiện, ông sẽ quay lại “đứa con tinh thần” của mình để tiếp tục góp sức xây dựng Kienlong bank.

Ông Lương cho biết, từ một ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn với số vốn điều lệ ban đầu chỉ có 1,2 tỷ đồng vào năm 1995, trụ sở là 2 căn phòng thuê của UBND xã ở Bến Nhứt, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, nào năm 2006, Kienlong bank đã đủ điều kiện nâng lên ngân hàng đô thị, có trụ sở khang trang tại TP Rạch Giá, với số vốn điều lệ tăng lên trên 500 tỷ đồng.

Bước ngoặt đó đã tạo đà cho Kiên Long bank phát triển mạnh và đến nay đã có 26 chi nhánh và 70 phòng giao dịch ở cả 3 miền đất nước. Hiện nay, vốn điều lệ của Kiên Long bank là 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 18.573 tỷ đồng, huy động vốn trên 10.641 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 460 tỷ đồng và chi trả cổ tức từ 9 – 10%. Đặc biệt, Kiên Long bank luôn trong tình trạng thanh khoản tốt, dư nợ cho vay 9.683 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm dưới 3 % .

“Điều tự hào của Kienlong bank là đi chậm mà chắc, luôn nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật với phương châm của đơn vị là: Tâm – tín – kiên - xanh. Đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực để tập thể gần 2.000 cấn bộ nhân viên phấn đấu và phát triển. Thế nhưng, vì sức khỏe, tôi đành "bỏ cuộc chơi”. Tiếc nuối lắm chứ! Năm qua tôi đã phải vào bệnh viện cấp cứu 2 lần vì sức khỏe yếu. Không còn đủ sức để gánh vác công việc nữa là điều rất tiếc!”, ông Lương lưu luyến chia sẻ tại Đại hội cổ đông.

Ông Lương nhớ lại, lúc đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn khi thuyết phục bạn bè là “hiền sĩ” về với mình để chung sức chung lòng xây dựng Kienlong bank. Và nhiều người vì mình đã đồng cam cộng khổ để Ngân hàng có được sự phát triển như ngày nay.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng qui mô tương tự ở nhiều tỉnh, thành phố khác không vượt qua nổi khó khăn và bị xóa tên trên thị trường, nhất là vào năm 2010, các ngân hàng phải nâng vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.

“Kienlong bank đã từng vượt qua nhiều thử thách cam go, sẽ vẫn vững trãi tiến lên và sẽ trường tồn với tuổi thọ hàng trăm năm như những ngân hàng khác trên thế giới”, ông Lương ước nguyện.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư