Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 28 tháng 01 năm 2025,
Triển khai Thông tư 13/2018/TT-NHNN: Thách thức và cơ hội
Chi Mai - 03/01/2019 07:53
 
Thông tư 13/2018/TT-NHNN (Thông tư 13) cùng với các thông lệ quốc tế về kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro tạo ra nhiều thách thức cho bộ phận kiểm toán nội bộ trong ngân hàng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để lãnh đạo ngân hàng đánh giá lại tầm quan trọng của bộ phận kiểm toán nội bộ. Báo Đầu tư đã có buổi trao đổi với ông Xavier Potier, Giám đốc bộ phận Kiểm toán rủi ro và ông Mai Trần Bảo Anh, Trưởng phòng Cao cấp bộ phận Kiểm toán dịch vụ tài chính của PwC Việt Nam để tìm hiểu thêm.

Theo ông, tại sao việc triển khai Thông tư 13 lại quan trọng với ngân hàng và hoạt động kiểm toán nội bộ?

Là một nền kinh tế mới nổi, Việt Nam đã và đang chứng kiến thị trường tài chính ngân hàng phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã thấy được nhiều vấn đề sâu xa trong ngành, mà nhiều ngân hàng đã không kịp thời đưa ra những hành động thích hợp. Những thách thức này chỉ ra những thiếu sót trong việc giám sát và kiểm soát rủi ro.

.
.

Thông tư 13 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, tạo lập một khung khổ pháp lý đầy đủ và đồng bộ trong công tác giám sát của quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức đủ vốn và kiểm toán nội bộ của các ngân hàng thương mại. Thông tư 13 giúp các ngân hàng tuân thủ theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại, nhằm giảm bớt tổn thất, nguy cơ mất khả năng thanh toán, đổ vỡ của hệ thống ngân hàng.

Theo Thông tư 13 và các thông lệ quốc tế, vai trò của kiểm toán nội bộ là tuyến phòng thủ cuối cùng ngày càng được nâng cao. Kiểm toán nội bộ thực hiện kiểm tra, đánh giá độc lập việc tuân thủ chính sách, quy định nội bộ và thực hiện đánh giá tính tuân thủ quy định pháp luật của các chính sách, quy định nội bộ này. Cơ chế phối hợp giữa Ban lãnh đạo, các bộ phận thuộc tuyến bảo vệ thứ nhất, tuyến bảo vệ thứ hai và bộ phận kiểm toán nội bộ cũng được hướng dẫn cụ thể.

Bộ phận kiểm toán nội bộ gặp những thách thức gì để đáp ứng các yêu cầu của Thông tư 13 và thông lệ quốc tế?

Bộ phận kiểm toán nội bộ đối mặt với nhiều thách thức, có thể kể đến là phương pháp kiểm toán nội bộ, đội ngũ kiểm toán nội bộ và việc áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán nội bộ.

Thách thức đầu tiên là phương pháp kiểm toán nội bộ cần được chuẩn hóa định hướng theo rủi ro thông qua công tác nhận diện, đánh giá các rủi ro trọng yếu trong hoạt động của ngân hàng. Theo định nghĩa của IIA, kiểm toán định hướng theo rủi ro là phương pháp liên kết công việc kiểm toán nội bộ với cơ chế quản lý rủi ro tổng thể của một tổ chức. Phương pháp này giúp kiểm toán nội bộ đưa ra sự đảm bảo cho Hội đồng Quản trị rằng, các quy trình quản lý rủi ro được vận hành hiệu quả và không vượt quá khả năng chấp nhận rủi ro của tổ chức.

Hiện nay, kế hoạch kiểm toán nội bộ chủ yếu dựa trên đánh giá rủi ro tín dụng và tác nghiệp, chưa bao gồm các rủi ro khác trong hoạt động của ngân hàng. Do đó, ngân hàng nên xem xét các vấn đề trong kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm như xây dựng danh mục rủi ro cấp tổ chức, xác định các đơn vị có thể thuộc đối tượng kiểm toán và lên kế hoạch kiểm toán (tần suất và lập kế hoạch kiểm toán nội bộ). Ngoài ra, việc xây dựng chương trình kiểm toán đối với hệ thống quản lý rủi ro bao gồm khung quản lý rủi ro, khẩu vị rủi ro, các loại rủi ro tín dụng, hoạt động, thị trường, thanh khoản, tập trung và rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng và đánh giá nội bộ về mức đủ vốn thật sự là thử thách cho các ngân hàng.

Thách thức thứ hai là đội ngũ kiểm toán nội bộ cần được nâng cao năng lực để đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của kiểm toán nội bộ. Hiện nay, kiểm toán nội bộ đang thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm trong các hoạt động như công nghệ thông tin, quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức đủ vốn theo Basel II. Nhìn chung, các kiểm toán viên nội bộ của các ngân hàng Việt Nam đang thiếu kiến thức về phát triển mô hình toán học, kiến thức về lý thuyết quản lý rủi ro tín dụng và rủi ro thị trường, thiếu đào tạo và kinh nghiệm thực tế.

Thách thức thứ ba là kiểm toán nội bộ đang thiếu các công cụ ứng dụng và hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ cho hoạt động kiểm toán nội bộ hiệu quả. Theo Chuẩn mực IIA, để đảm bảo tính thận trọng, kiểm toán nội bộ phải xem xét việc áp dụng công nghệ và các kỹ thuật phân tích dữ liệu trong hoạt động kiểm toán. Kiểm toán nội bộ hiện chưa được trang bị các phần mềm ứng dụng giúp quản lý việc kiểm toán được thực hiện nhất quán và đảm bảo chất lượng, cũng như chưa có hệ thống giám sát cảnh báo sớm những dấu hiệu bất thường ở một số phần có rủi ro cao ở ngân hàng.

Ngân hàng nên nâng cao năng lực kiểm toán nội bộ ra sao?

Các ngân hàng nên tiến hành đánh giá hiện trạng, phân tích các chênh lệch của bộ phận kiểm toán nội bộ so với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, cụ thể là trên các phương diện: cơ cấu tổ chức của kiểm toán nội bộ; trình độ, kỹ năng của nhân sự; chính sách, quy trình, phương pháp kiểm toán nội bộ; công nghệ thông tin…

Sau đó, các ngân hàng nên xây dựng phương pháp luận, lập kế hoạch chiến lược, kế hoạch hàng năm, chương trình khung kiểm toán nội bộ, mẫu biểu báo cáo, xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá đối với các phát hiện của kiểm toán, thiết kế chương trình kiểm toán đối với hệ thống quản lý rủi ro bao gồm kiểm tra căng thẳng.

Đồng thời, đội ngũ kiểm toán nội bộ cũng cần được nâng cao năng lực cả về lượng và chất thông qua việc xây dựng chính sách tuyển dụng và đào tạo. Các ngân hàng quy mô lớn được khuyến nghị sử dụng nhân sự của mình để thực hiện kiểm toán nội bộ. Tuy nhiên, việc thuê ngoài có thể giúp cho ngân hàng nhanh chóng tiếp cận các kiến thức chuyên sâu và giải quyết sự thiếu hụt tạm thời về nhân sự.

Về việc áp dụng CNTT, ngân hàng cần xem xét đầu tư vào các phần mềm, công cụ hỗ trợ công tác kiểm toán nội bộ, xây dựng hệ thống giám sát cảnh báo sớm giúp kiểm toán nội bộ kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường. Chức năng kiểm toán nội bộ cần ứng dụng CNTT để hỗ trợ quản lý hoạt động kiểm toán, phân tích dữ liệu nhằm tối ưu hóa nguồn lực và hiệu quả hoạt động.

Sắp kiểm toán Ngân hàng Nhà nước, 21 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và 5 ngân hàng thương mại
Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ thực hiện kiểm toán Ngân hàng Nhà nước, 5 ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng trong năm 2019.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư