Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Vàng trên đà đi xuống
T.V - 14/02/2023 09:51
 
Gái vàng quốc tế giảm tiếp 5 USD/ounce trong phiên sáng nay, xuống còn 1.855 USD/ounce khi thị trường chờ thông tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 của Mỹ được công bố cuối ngày nay.

Đồng thời, áp lực bán vàng vẫn tiếp tục khi các thành viên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kiên định lập trường "diều hâu" về lãi suất. Tuy nhiên, thị trường cũng kỳ vọng lãi suất của Fed sẽ đạt đỉnh trên 5% trước khi họ có thể kiểm soát được lạm phát.

Các nhà đầu tư thực hiện bán vàng theo kỹ thuật gia tăng trước khi báo cáo về lạm phát của Mỹ được công bố hôm nay (14/2). Chỉ số CPI được dự báo tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 6,5% trong báo cáo tháng 12/2022.

Chỉ số CPI dự báo tăng là một rủi ro lớn với vàng, song vẫn có ý kiến nhận định vàng sẽ tiếp tục tăng giá. Bởi sức hấp dẫn trú ẩn an toàn của vàng trong thế giới đầy bất ổn sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư dài hạn và cho rằng, sẽ chạm mức 2.000 USD/ounce.

Nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương gần đây đã hỗ trợ vàng và thị trường đang chờ xem liệu xu hướng đó có tiếp tục hay không.

Số liệu Hội đồng vàng Thế giới (WGC) đưa ra đầu tháng 2/2023, trên toàn cầu, nhu cầu trong năm của ngân hàng trung ương đã tăng hơn gấp đôi, từ 450 tấn trong năm 2021 lên 1,136 tấn vào năm 2022, đạt mức cao kỷ lục mới trong 55 năm qua.

Chỉ riêng lượng mua trong quý IV năm 2022 đã đạt 417 tấn, nâng tổng lượng mua trong nửa cuối năm 2022 lên hơn 800 tấn. Nhu cầu đầu tư (không bao gồm thị trường OTC) năm 2022 đã tăng 10% so với năm trước.

Các thị trường đã gia tăng đặt cược về việc Fed sẽ thắt chặt trong tương lai, với lãi suất được cho là đạt đỉnh ở khoảng 5,15% và các đợt giảm diễn ra muộn hơn và chậm hơn.

Trong khi đó, vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ, vì nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng.

USD suy yếu, và lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm sau khi đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 1 àm giảm áp lực lên giá vàng. Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền khác giảm xuống 103,17 điểm.

Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay chỉ giảm nhẹ khi giá vàng miếng SJC trong nước lại duy trì mức cao trong tuần qua khi giữ vững ngưỡng 67,5-67,3 triệu đồng/lượng bán ra.

So với giá vàng thế giới, vàng miếng SJC cao khoảng 14 triệu đồng/lượng khiến người mua vàng ở thị trường nội địa khó tránh rủi ro, trong khi nhu cầu vàng của thị trường Việt Nam vẫn luôn tăng cao. 

Đáng chú ý là trong các dịp cầu vía Thần Tài đầu năm (mồng 10 tháng 1 âm lịch) và kể cả hôm nay là ngày Valentine nhiều cặp tình nhân cũng có nhu cầu mua vàng để tặng trong dịp lễ đặc biệt này. 

Sáng nay, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố 23.630 đồng/USD, tăng 2 đồng so với hôm qua. Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt đi lên. Vietcombank tăng giá mua 25 đồng, lên 23.400 đồng/USD và bán ra 23.770 đồng/USD.

Giá vàng chờ thông tin CPI tháng 1 của Mỹ
Mặt hàng kim quý vàng trải qua một tuần biến động nhẹ và tâm lý của nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư