Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
VCCI đề nghị mở rộng diện áp dụng cơ chế thử nghiệp Fintech
Khánh Linh - 14/08/2020 20:49
 
VCCI đề nghị thử nghiệm các biện pháp quản lý của Nhà nước đối với các dự án Fintech chứ không phải là để thử nghiệm các dự án Fintech.

4 câu hỏi với Ban soạn thảo

Dự thảo Đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Dự thảo) của Ngân hàng Nhà nước được giới kinh doanh đặc biệt quan tâm.

Vì tài chính – ngân hàng là một trong những lĩnh vực kinh doanh có nhiều quy định quản lý ràng buộc nhất hiện nay, nhưng đồng thời cũng là lĩnh vực có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin rất cao. Việc ứng dụng công nghệ mới chắc chắn sẽ nảy sinh những điểm không phù hợp với các quy định quản lý hiện tại và cần có biện pháp tháo gỡ.

Do đó, rất cần một cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động công nghệ tài chính.

Tuy nhiên, Dự thảo chưa thỏa mãn mong muốn của doanh nghiệp về cơ sở pháp lý để thúc đẩy hoạt động này.

Thứ nhất, VCCI cho rằng, cần xác định rõ các doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh, được làm những gì pháp luật không cấm. Do đó, các doanh nghiệp có quyền thực hiện các dự án Fintech mà không vi phạm pháp luật thì không thuộc phạm vi áp dụng của Nghị định này và không cần phải xin phép.

Vì vậy, theo VCCI, Nghị định này chỉ được áp dụng khi các dự án Fintech không thể thực hiện được do vướng các quy định quản lý của Nhà nước. Nói cách khác, Nghị định này đặt ra không phải để thử nghiệm các dự án Fintech, mà là để thử nghiệm các biện pháp quản lý của Nhà nước đối với các dự án Fintech.

Đây là lý do VCCI đề nghị làm rõ 4 câu hỏi khi xây dựng Dự thảo.

Một là, xác định rõ các mục tiêu chính sách mà Nhà nước cần đặt ra.

Hai là, chỉ rõ được các biện pháp quản lý của Nhà nước hiện nay đang bất cập như thế nào đối với Fintech.

Ba là, liệu có thể thay thế bằng các biện pháp khác vẫn giúp đạt được mục tiêu chính sách đã đề ra?

Bốn là, liệu có thể cho doanh nghiệp đề xuất các biện pháp quản lý khác mà vẫn đạt mục tiêu chính sách?

Ví dụ, đối với hoạt động xác thực lần đầu, hiện đang bị hạn chế bởi Điều 8.2.a của Nghị định 116/2013/NĐ-CP yêu cầu phải gặp mặt trực tiếp. Do đó, hoạt động Fintech xác thực lần đầu bằng eKyC sẽ là trái quy định.

Mục tiêu của quy định tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP là để chống rửa tiền. Do đó, nếu doanh nghiệp muốn áp dụng eKyC, thì cần trình bày các giải pháp thay thế để có thể vẫn đạt được mục đích chống rửa tiền mà không cần phải đáp ứng quy định tại Điều 8.2.a nêu trên.

Cơ quan nhà nước thẩm định các giải pháp thay thế của doanh nghiệp xem có đáp ứng được mục tiêu quản lý không. Nếu đạt thì cho phép doanh nghiệp áp dụng giải pháp đó thay vì phải đáp ứng quy định pháp luật.

Do vậy, VCCI cho rằng, vấn đề cần được thử nghiệm là các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động fintech. Theo đó, cơ chế thử nghiệm sẽ là nơi cho phép doanh nghiệp được làm những gì pháp luật chưa cho phép làm và/hoặc nơi thử nghiệm của các quy định pháp luật tiềm năng lên hoạt động của doanh nghiệp.

Đề nghị mở rộng đối tượng áp dụng

Về đối tượng tham gia thử nghiệm, Dự thảo của Ngân hàng Nhà nước dự kiến chỉ áp dụng đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các hoạt động fintech liên quan đến ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, khái niệm Fintech được định nghĩa bao gồm cả các hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Như vậy, sẽ dẫn đến nguy cơ nhiều hoạt động vẫn thuộc diện Fintech, nhưng lại không được tiến hành thử nghiệm.

VCCI đã nhắc tới các ví dụ như các hoạt động ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực chứng khoán, đầu tư chứng khoán, bảo hiểm hoặc kết hợp giữa các lĩnh vực này với lĩnh vực ngân hàng, tổ chức tín dụng và cho rằng, cách tiếp cận của Dự thảo chưa phù hợp.

Nếu soi vào yêu cầu về “cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo” tại Nghị quyết 52-NQ/TW của BCHTW Đảng về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thì đối tượng tham gia thử nghiệm cần phải làm rõ hơn.

Thêm vào đó, nếu cơ chế thử nghiệm chỉ được xem xét trong ngành ngân hàng, doanh nghiệp vẫn có thể gặp rủi ro khi hoạt động nếu xuất hiện tình trạng chồng chéo về thẩm quyền quản lý, lĩnh vực quản lý giữa Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành khác.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu mở rộng việc áp dụng cơ chế thử nghiệm fintech này cho tất cả các doanh nghiệp fintech trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

“Đây là Nghị định của Chính phủ, do đó không bị giới hạn trong mỗi lĩnh vực ngân hàng, tổ chức tín dụng”, Công văn của VCCI gửi Ngân hàng Nhà nước ghi rõ.

Đặc biệt, VCCI cũng đề nghị không liệt kê cụ thể những lĩnh vực được/cần tham gia cơ chế thử nghiệm fintech. Lý do là, quy định như vậy sẽ hạn chế khả năng sáng tạo của các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo quy định các lĩnh vực fintech tham gia theo hướng mở, theo đó chỉ cần doanh nghiệp chứng minh được các tiêu chí phân loại thì doanh nghiệp có thể được xem xét xin cấp phép. Để tạo thuận tiện cho việc áp dụng, cơ quan soạn thảo có thể đưa một phụ lục về danh sách những lĩnh vực đương nhiên thuộc diện thử nghiệm; còn những lĩnh vực khác có thể được xem xét trong trường hợp cụ thể”, VCCI đề xuất.

Nhiều mô hình Fintech đề xuất thử nghiệm cơ chế Sandbox còn mông lung
Trong khi có quốc gia cho rằng việc yêu cầu fintech với đặc thù quy mô nhỏ, mới nghiên cứu ra các giải pháp thì việc đáp ứng được yêu cầu chặt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư