Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Vicostone không có kế hoạch vực dậy cổ phiếu
Anh Hoa - 06/04/2019 10:39
 
Tỷ lệ doanh thu từ thị trường trong nước chưa cao, nhưng Vicoston đặt mục tiêu trở thành thương hiệu nhà sản xuất đá thạch anh số 1 tại Việt Nam.
.
Vicoston đặt mục tiêu trở thành thương hiệu nhà sản xuất đá thạch anh số 1 tại Việt Nam.

Áp lực cạnh tranh

CTCP Vicostone (mã chứng khoán: VCS) công bố kết quả kinh doanh năm 2018 với doanh thu thuần đạt gần 4.522 tỷ đồng, tăng 3,9% so với năm 2017, nhưng chỉ hoàn thành 86,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.123,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2017 và cũng chỉ hoàn thành 97,31% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Vicostone lý giải, doanh thu và lợi nhuận năm 2018 của Vicostone không như kỳ vọng do 2 nguyên nhân chính: ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung năm 2018 và vụ kiện chống bán phá giá của một công ty sản xuất đá thạch anh nhân tạo của Mỹ đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Điều này dẫn đến việc, Trung Quốc có những động thái ngắn hạn nhằm tận dụng các cơ hội trước thời điểm bị áp thuế. Từ tháng 4/2018, Trung Quốc đã xuất khẩu ồ ạt đá nhân tạo vào Mỹ để tránh bị áp thuế. Các nhà cung cấp đã lưu trữ lượng lớn hàng Trung Quốc và không còn nhu cầu nhập nhiều hàng từ Vicostone như kế hoạch ban đầu.

Nhưng về dài hạn, theo dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT, xung đột thương mại Mỹ - Trung và thuế chống trợ cấp với đá nhân tạo Trung Quốc sẽ tác động tích cực tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Dự kiến, sản lượng nhập khẩu đá nhân tạo Trung Quốc sụt giảm do ảnh hưởng của thuế sẽ mở ra cơ hội cho Vicostone gia tăng thị phần nhập khẩu vào Mỹ. Đồng thời, sản phẩm đá nhân tạo giá rẻ Trung Quốc bị đánh thuế sẽ giảm bớt áp lực cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ, giúp Vicostone gia tăng tỷ suất lợi nhuận tại thị trường này.

Hiện 66% doanh thu từ xuất khẩu của Vicostone đến từ thị trường châu Mỹ; 21% đến từ châu Úc, 11% từ châu Âu; còn thị trường châu Á và châu Phi chỉ đóng góp tổng cộng khoảng 2%.

Xoay chuyển chiến lược

Hơn 1 năm trước, Vicostone quyết định xoay chuyển chiến lược khi quay về thị trường nội địa. Hiện thị trường Việt Nam chưa phải là miếng bánh lớn đối với Vicostone, nhưng công ty này vẫn đặt mục tiêu trở thành thương hiệu nhà sản xuất đá thạch anh số 1. Trước mắt, Vicostone đặt mục tiêu doanh thu nội địa năm 2019 chiếm trên 15% và tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu đầu vào đạt 95%.

Theo ông Tuấn, Việt Nam có đầy đủ các yếu tố của một thị trường tiềm năng. Dân số trên 97 triệu người cùng nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định là những yếu tố vĩ mô thuận lợi. Xét riêng trong góc độ ngành, nhu cầu xây dựng, vật liệu xây dựng tại Việt Nam sẽ tăng, dẫn tới nhu cầu vật liệu bề mặt, trong đó có đá thạch anh, sẽ tăng cao. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài vào bất động sản đang có xu hướng tăng cao, khiến nhu cầu về sản phẩm đá nhân tạo gốc thạch anh gia tăng.

Tuy nhiên, Vicostone sẽ tiếp tục phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ Trung Quốc.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2018, Vicostone xác định sẽ phải đối mặt với những đối thủ sử dụng công nghệ của Trung Quốc có chi phí đầu vào rẻ hơn. Việc này đã được dự báo từ trước. Theo đó, Công ty cần lưu tâm hơn đến tính cạnh tranh, khi mà các đơn vị từ Trung Quốc đã có được tiến bộ công nghệ nhất định, mặc dù vẫn còn sự khác biệt về hiệu suất và chất lượng sản phẩm. Sự tham gia của các đối thủ này có thể sẽ gây nhiễu loạn trên thị trường, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.

“Cạnh tranh là quy luật tất yếu trên thị trường, Vicostone lựa chọn chiến lược khác biệt về công nghệ và sản phẩm”, ông Tuấn nói.

Đặc biệt, việc đặt mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa đạt 95% nguyên liệu đầu vào sẽ giúp Vicostone có thuận lợi trong việc chủ động nguồn nguyên vật liệu đầu vào đảm bảo sản xuất ổn định, liên tục. Giá thành của sản phẩm từ đó sẽ thấp hơn so với việc phải nhập khẩu nguồn nguyên vật liệu. Song thách thức lớn nhất của Vicostone là cần có nguồn vốn lớn, năng lực tài chính mạnh.

Đáng chú ý, giá cổ phiếu VCS hiện đang giảm sâu so với đầu năm, mất hơn một nửa giá trị, còn hơn 60.000 đồng/cổ phiếu. Theo ông Tuấn, giá cổ phiếu do thị trường chứng khoán quyết định và Vicostone không có kế hoạch vực dậy cổ phiếu ngoài việc tập trung vào việc thực hiện chiến lược và vận hành sao cho đi đúng hướng dài hạn, bền vững và hiệu quả như kế hoạch đặt ra.

“Các nhà đầu tư nên sáng suốt và tự chịu trách nhiệm đối với các quyết định đầu tư của mình”, ông Tuấn nói và khẳng định, tuy năm 2018 không đạt được kế hoạch, nhưng tỷ suất lợi nhuận trước thuế và sau thuế trên doanh thu của Vicostone luôn được cải thiện và ở mức cao hơn các doanh nghiệp trong ngành. “Vicostone không có vấn đề gì đáng lo ngại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Tuấn khẳng định.

Vicostone lộ diện nhiều hơn ở thị trường nội địa
Nhận thấy nhu cầu thị trường trong nước đối với những dòng sản phẩm cao cấp ngày một tăng, Vicostone lên kế hoạch quay trở về chinh phục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư