Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Việt Nam - Trung Quốc trao đổi kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp nhà nước
Như Trung - 11/04/2024 11:49
 
SASAC và CMSC đã tích cực trao đổi, thảo luận đưa ra giải pháp ứng phó với những thách thức đang đặt ra nhằm thúc đẩy sự hội nhập của doanh nghiệp nhà nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) phối hợp với Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa (SASAC) đã tổ chức Tọa đàm “Cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và chụp hình lưu niệm với các đại biểu tham dự Tọa đàm. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thể mạnh và nhu cầu

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư nói chung và hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, trong đó có các doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng và đang có nhiều bước tiến tích cực, mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho cả hai bên.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng. Trong đó, chú trọng phát triển bền vững, lấy con người là trung tâm, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa giá trị con người.

“Trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, chúng tôi xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh và cho biết, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có Nghị quyết riêng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu khai mạc Tọa đàm. (Ảnh: CMSC)

Phó thủ tướng mong muốn các đại biểu hai bên đi sâu trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cùng chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thể mạnh và nhu cầu theo một số định hướng quan trọng.

Cụ thể, tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, phát triển xanh. Chia sẻ những bài học thực tiễn về quản trị và cải cách doanh nghiệp, giám sát và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực quản lý cấp cao của các doanh nghiệp nhà nước. Nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Cùng xây dựng kết nối "Hai hành lang, Một vành đai” và “Vành đai và Con đường".

Phát huy vai trò cơ quan giám sát, quản lý vốn nhà nước

Chia sẻ tại Tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, doanh nghiệp nhà nước luôn giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng.

Tại Việt Nam, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp nhà nước vào GDP đạt xấp xỉ 30%, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động (chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp), thể hiện vai trò chủ đạo trên một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam vẫn bộc lộ một số hạn chế về hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển.

Quang cảnh Tọa đàm. (Ảnh: CMSC)

Theo ông Trương Ngọc Trác, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước, Quốc vụ viện Trung Quốc (SASAC), tình hình thế giới có những thay đổi, doanh nghiệp nhà nước có sứ mệnh quan trọng, không thể thay thế nhất là khi vừa qua thế giới phải ứng phó với đại dịch COVID-19.

Nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc phát huy vai trò cơ quan giám sát, quản lý vốn nhà nước hướng tới ngày càng chuyên nghiệp, ông Trương Ngọc Trác cho biết, SASAC và CMSC đã tích cực trao đổi, thảo luận đưa ra giải pháp ứng phó với những thách thức đang đặt ra nhằm thúc đẩy sự hội nhập của doanh nghiệp nhà nước.

Thông qua những cuộc toạ đàm, hội nghị, hội thảo, các lớp đào tạo, ông Trương Ngọc Trác cho rằng đây sẽ là bước đệm thúc đẩy hợp tác thực chất, tạo bước tiến mới, tăng cường hiểu biết sâu rộng, tiếp tục phát triển quan hệ giữa hai bên.

Một là, tiếp tục tiếp tục xây dựng cộng đồng chia sẻ Việt Nam - Trung Quốc, phục vụ mục đích phát triển doanh nghiệp 2 nước ở các lĩnh vực công nghệ hạ tầng, năng lượng, công nghiệp, thương mại…

Hai là, trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và nhận thức chung cấp cao hai Đảng, hai nước, tranh thủ cơ hội và hiện thực hoá sớm quan hệ hợp tác, cùng xây dựng kết nối "Hai hành lang, Một vành đai” và “Vành đai và Con đường".

Ông Đỗ Hữu Huy, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp nhà nước từ Đại hội XVII, năm 2012 của Trung Quốc đến nay sẽ là những bài học kinh nghiệm và giá trị đối với cải cách doanh nghiệp nhà nước Việt Nam.

Trước yêu cầu của bối cảnh mới, ông Đỗ Hữu Huy nêu rõ, việc cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam giai đoạn tới cần phải được ưu tiên, tập trung hơn nữa nhằm phát huy vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, thực hiện vai trò dẫn dắt, tích cực chủ động tham gia xây dựng phát triển đất nước để góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Việt Nam.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Trách nhiệm làm việc khó, việc mới
Sứ mệnh việc lớn, việc khó, việc mới của doanh nghiệp nhà nước đòi hỏi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư