Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vũ khí của Fed không chỉ là lãi suất
Hai lần hạ lãi suất khẩn cấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dường như không có tác dụng khi thị trường chứng khoán Mỹ, vàng và dầu đều lao dốc, trong khi chỉ số USD (USD Index) tăng như chưa bao giờ được tăng. Thế nhưng, vũ khí của Fed không chỉ là lãi suất. Với Việt Nam, tác động của việc Fed hạ lãi suất tới tỷ giá, lạm phát không đáng ngại.
Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam.
Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 3/2020, Fed đã 2 lần hạ lãi suất và cả hai lần đều là khẩn cấp. 

“Xài” chiêu cũ, Fed đang trong cơn tuyệt vọng?

Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 3/2020, Fed đã 2 lần hạ lãi suất và cả hai lần đều là khẩn cấp. Đây là lần cắt giảm lãi suất “khẩn cấp” thứ 5 và thứ 6 trong vòng 50 năm qua của Mỹ. Lần hạ lãi suất khẩn cấp ngày 15/3 là lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, Fed đưa lãi suất về mức 0%.

Fed cho biết sẽ duy trì mức lãi suất thấp mới này "cho đến khi nào chắc chắn nền kinh tế vượt qua các sự kiện gần đây và trên đà đạt được các mục tiêu toàn dụng việc làm và ổn định giá cả".

Cùng với hạ lãi suất về 0%, Fed cũng thực hiện một chương trình nới lỏng định lượng (QE) mới với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử, lên tới 700 tỷ USD.

Chứng khoán Mỹ, vàng, dầu lao dốc gần như ngay lập tức trong cả 2 lần Fed điều chỉnh lãi suất. Chỉ số Dow Jones bị ngắt mạch mấy lần (ngắt tự động khi giá giảm sâu) trong nửa đầu tháng 3. Dow Jones trong vòng 1 tháng, sau khi lập đỉnh gần 30.000 điểm, đã lao thẳng xuống 20.000 điểm, chính thức bước vào thị trường gấu (thị trường giá xuống). Vàng cũng bị bán tháo, có lúc chỉ còn 1.450 USD/ounce, trong khi giá dầu rớt khủng khiếp (tới 70%), lao về sát mốc 20 USD/thùng.

Trái với các học thuyết kinh tế là hành động “bơm tiền, nới lỏng tiền tệ” sẽ thúc đẩy chứng khoán, lạm phát gia tăng, USD giảm giá, thì việc Fed giảm lãi suất, bơm tiền không chỉ khiến chứng khoán lao dốc, mà lạm phát cũng hầu như không có, trong khi USD tăng giá “như chưa bao giờ được tăng”, với USD Index vọt từ 94 điểm (trước khi Fed hành động) lên 102 điểm (1 điểm của USD Index tương ứng với sự biến động 3 - 5% của giá vàng, tùy thời điểm).

Phản ứng của thị trường cho thấy, hiệu quả chính sách hạ lãi suất của Fed trong ngắn hạn rõ ràng là thấp. Một khi người dân chưa dám ra đường, các lệnh phong tỏa vẫn còn, thì việc hạ lãi suất sẽ không có tác dụng gì. Giới đầu tư và phân tích cho rằng, việc Fed xài một chiêu quá cũ trong khi kinh tế thế giới ảm đạm trước khi xảy ra đại dịch là phản ứng trong cơn tuyệt vọng.

Đừng vội xem thường, vũ khí của Fed không chỉ là lãi suất

Dù quyết định hạ lãi suất của Fed không đem lại nhiều hiệu quả, song nếu cho rằng, Fed đã “hết đạn” khi đưa lãi suất về 0% thì thật sai lầm.

Fed là ngân hàng trung ương mạnh hàng đầu thế giới. Nên nhớ rằng, 3 năm qua, dù kinh tế thế giới ảm đạm, nhưng kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng nhờ động lực chính là chính sách linh hoạt của Fed. Những quyết sách đặc biệt của Fed trong dài hạn đã giúp quốc gia này có chuỗi tăng trưởng gần 12 năm liên tục - dài nhất trong lịch sử.

Các ngân hàng trung ương có rất nhiều công cụ chính sách tiền tệ, chứ không chỉ là lãi suất. Đồng thời, họ cũng có thể được hỗ trợ bởi nhiều thành phần kinh tế khác, cùng các công cụ khác.

Đơn cử, năm 2011, Fed đưa ra Chương trình Operation Twist (bán trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn, mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài), khác hoàn toàn với các gói QE.

Thông thường, lãi suất tại Mỹ ở kỳ hạn ngắn thấp hơn kỳ hạn dài, nhưng hành động “bán ngắn mua dài” của Fed sẽ “nắn” lại đường cong lãi suất giữa ngắn hạn và dài hạn. Lợi suất trái phiếu dài hạn giảm sẽ giúp lãi suất vay của Mỹ về lâu dài sẽ giảm, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn dài hạn với lãi suất thấp. Với cách làm này, Fed không cần mở rộng cung tiền, không phải trả giá quá nhiều để kích cầu kinh tế.

Tất nhiên, Fed không thể hành động đơn độc. Các tổ chức, thành phần kinh tế khác cũng phải hành động đồng thời mới mang lại hiệu quả. Chính phủ Mỹ (cụ thể là Bộ Tài chính) cũng đã và đang đưa ra hàng loạt gói kích cầu, với gói mới nhất lên tới cả ngàn tỷ USD. Thậm chí, Chính phủ Mỹ dự định phát tiền tới tận tay từng người dân để ngăn suy thoái và giúp kinh tế duy trì sự ổn định.

Cùng với Fed, ngân hàng trung ương các nước cũng đang liên minh hành động để ổn định tài chính thế giới.

Tóm lại, chính sách của Fed sẽ đem lại hiệu quả nhiều hơn trong dài hạn, chứ không phải ngắn hạn. Đương nhiên, việc nới lỏng chính sách và hạ lãi suất chủ yếu chỉ tác động hỗ trợ lên phía cầu trong nền kinh tế, còn cuộc khủng hoảng hiện nay đang tác động lên cả cung và cầu. Vì thế, hiệu quả chính sách này sẽ bị hạn chế hơn, thậm chí có thể tạo ra những rủi ro tiềm ẩn, như lạm phát, nợ xấu, nợ công tăng cao nếu chất lượng không được đảm bảo.

Tác động của Fed với tỷ giá, lạm phát của Việt Nam không quá lớn

Fed hạ lãi suất và bất ngờ thay, lẽ ra giảm giá thì USD Index lại tăng rất mạnh do nhu cầu tạo thanh khoản, làm cho các nhà đầu tư có xu hướng giữ tiền nhiều hơn. USD là đồng tiền chiếm tới 90% trong giao dịch thương mại thế giới. Bên cạnh đó, USD cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong việc bán ra các tài sản khác như vàng và chứng khoán.

 Ngoài ra, việc các ngân hàng trung ương khác liên tục hạ lãi suất theo Fed để cân bằng lại cán cân thương mại cũng là yếu tố đẩy giá USD tăng.

Tuy vậy, việc Fed hạ lãi suất tác động tới tỷ giá VND/USD không nhiều, do chính sách neo VND vào USD khiến VND chỉ mất giá nhẹ so với USD và tăng với những đồng tiền khác.

Tương tự, lạm phát sẽ ở mức thấp do dịch bệnh và tăng trưởng ở các quốc gia khác ảm đạm. Do đó, nên ưu tiên giải quyết bài toán tăng trưởng trước khi lạm phát quay lại.

Về lãi suất, sau khi Fed cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm ngay lãi suất điều hành 0,25 - 1%/năm. Động thái này hiện rất cần thiết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, hạn chế phát sinh nợ xấu, giảm chi phí đầu vào. Mức độ hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cũng hợp lý vì khác với các nước khác, Việt Nam không thể duy trì lãi suất quá gần 0% (trừ USD). Ngân hàng Nhà nước nên hạ dần lãi suất cho thị trường hấp thụ cũng như theo dõi xem phản ứng của thị trường, đồng thời để dành dư địa để thực hiện tiếp khi cần thiết.

Tuy nhiên, tác động của hạ lãi suất mang tính chất trung, dài hạn hơn là ngắn hạn. Khi các lệnh phong tỏa vẫn còn ở nhiều quốc gia và châu lục, người dân hạn chế ra đường, nên hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng bị ảnh hưởng.

Giải pháp tiên quyết để vượt qua khó khăn hiện nay vẫn là phải nỗ lực khống chế dịch bệnh. Chính sách tiền tệ phải phối hợp nhuần nhuyễn với các chính sách khác như tài khóa, mở rộng thị trường, đa dạng nguồn cung ứng… Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp phải đổi mới, sáng tạo, tái cơ cấu, tối ưu hóa quy trình, ứng dụng các công nghệ 4.0…

Mặc dù vậy, hiện còn quá sớm để nói việc vượt qua khó khăn, khi doanh nghiệp chưa chắc đã dám vay để mở rộng sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh nhu cầu yếu, giao thương còn bị phong tỏa, mà chủ yếu là cơ cấu lại nợ, tái cấu trúc doanh nghiệp, hạn chế tác động xấu.

Việc phục hồi là một “bộ phim khác” tiếp theo ở phần sau, khi dịch bệnh dịu đi, cùng việc doanh nghiệp thích nghi dần, đồng thời chuyển hướng kinh doanh, tiếp cận khách hàng theo nhiều cách và khách hàng cũng phải thích nghi với điều đó. Do vậy, khó có thể bước vào thời kỳ phục hồi trong thời gian ngắn. Nhưng những chính sách nhịp nhàng, sự phối hợp nhuần nhuyễn của các ban, ngành, cơ quan, tổ chức và các thành phần kinh tế sẽ giúp chúng ta hạn chế tối đa bất lợi, thích nghi được với bối cảnh hiện tại, để từ đó vươn lên bứt phá khi dịch bệnh lắng dịu.

Fed có sai khi giảm lãi suất về 0%?
Ngày 16/3, thị trường thế giới lại chứng kiến một ngày thứ Hai sụp đổ nữa (Crash Monday). Nhiều người cho rằng, thị trường sụt giảm chủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư