Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Vụ lùm xùm tiền "bôi trơn" tại Bệnh viện K: Có phải “con sâu làm rầu nồi canh”?
Dương Ngân - 28/08/2024 11:57
 
Vụ việc các y, bác sỹ Bệnh viện K bị tố nhận tiền “bôi trơn” của bệnh nhân có phải chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, hay đây là “ung nhọt” mà ngành y tế cần nhìn thẳng và có biện pháp cắt bỏ triệt để.
Bệnh nhân lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện K
Bệnh nhân lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện K.

Hiệu ứng Domino

Dư luận đang ồn ào trước vụ việc người dân “tố” thái độ, ý thức của cán bộ, nhân viên y tế tại Bệnh viện K.

Cụ thể, giữa tháng 8/2024, tài khoản TikTok Đậu Thanh Tâm đăng các clip phản ánh nhiều vấn đề ở Bệnh viện K, trong đó có nội dung tố việc bệnh nhân phải “bôi trơn” 200.000 đồng mỗi lần xạ trị.

Ngay lập tức, Bệnh viện K lên tiếng cho rằng, hành vi của chị Tâm là xúc phạm, bôi nhọ danh dự cán bộ y tế của Bệnh viện và cho biết thêm, Bệnh viện đã mời cơ quan công an điều tra làm rõ.

Sau phát ngôn của Bệnh viện K, ngày 22/8, trên mạng xã hội tiếp tục xuất hiện nhiều clip tố cáo việc bệnh nhân phải đưa tiền để xạ trị ở bệnh viện này, nếu không, sẽ bị gây khó dễ.

Trong một clip, người phụ nữ tên Đ.T.H (ở Mai Sơn, Sơn La) mặc áo bệnh nhân in tên Bệnh viện K nói: “Tôi kẹp tiền vào tờ giấy đưa và một lúc sau được bác sỹ gọi đi khám luôn”. Chị này cho biết, số tiền mà chị kẹp vào tờ giấy để đưa cho nhân viên y tế là 500.000 đồng, sau đó nhận lại chỉ còn mỗi tờ giấy.

Trong một clip khác, chủ tài khoản T.L (ở Phổ Yên, Thái Nguyên) kể về việc anh từng chăm sóc bố trong thời gian khá dài ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Theo anh T.L, giấy Bệnh viện hẹn bố anh là 6h00’, gia đình chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và có mặt từ 5h30’, nhưng khi được gọi vào thì bị kỹ thuật viên gây khó khăn. Anh ra ngoài hỏi, được mọi người mách là ở đây, những người vào xạ trị phải kẹp 100.000 - 200.000 đồng thì mới được làm.

Tình trạng nêu trên, nếu có, là không thể chấp nhận, bởi bệnh nhân ung thư vốn được coi như rơi vào cảnh khốn cùng khi phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo.

Theo số liệu công bố, mỗi ngày, tại Bệnh viện K có khoảng 2.000 bệnh nhân ung thư có nhu cầu xạ trị. Do Bệnh viện không đủ máy móc, nên chỉ có khoảng 1.000 người được xạ trị. Nếu lấy số lượng này nhân với số tiền “bôi trơn” để được xạ trị mà người dân tố, sẽ là con số không nhỏ.

Tiền “bôi trơn” có thể ở mức vài chục, vài trăm ngàn đồng, nhưng cũng có những người tố rằng, họ phải mất nhiều hơn, như 500.000 đồng đến một triệu đồng, hay vài triệu đồng. Có ý kiến còn cho hay, để người nhà được điều trị hay phẫu thuật sớm, họ phải chi tới cả chục triệu đồng.

Đây không phải lần đầu tiên, các cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện K bị tố cáo về hành động nhận phong bì từ người bệnh, người nhà bệnh nhân. Năm 2016, dư luận cũng bàn luận về một sự việc tương tự. Câu chuyện phong bì “bôi trơn” không mới, vẫn luôn tồn tại âm ỉ trong ngành y và đến nay, nhiều bệnh nhân lại đồng loạt bức xúc lên tiếng.

Mạnh tay xử lý “ung nhọt”

Sau khi các tố cáo đồng loạt được đưa ra, tại buổi làm việc với Bộ Y tế vào ngày 23/8, thay vì phủ nhận sạch trơn như trong thông cáo báo chí phát đi trước đó, GS-TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cầu thị nói rằng, nếu Bệnh viện nhận được bất cứ phản ánh nào của bệnh nhân về thái độ của nhân viên y tế chưa phù hợp, thì đều thực hiện tạm dừng công việc của nhân viên đó từ 1 đến 2 tuần để xác minh, làm rõ. Trường hợp phát hiện nhân viên y tế có tiêu cực, thì sẽ tiến hành kỷ luật.

Về câu chuyện phong bì trong ngành y, nhiều ý kiến bày tỏ, cần phân biệt giữa việc nhận phong bì trước và sau khi điều trị. Bệnh nhân đau đớn như vậy, mà bác sỹ nhận tiền trước khi điều trị là có vấn đề. Tuy nhiên, sau khi chữa khỏi cho bệnh nhân, họ đưa phong bì cảm ơn bác sỹ lại là một vấn đề khác.

Liệu có thể chấp nhận việc đưa phong bì sau điều trị như là hành động tỏ lòng biết ơn của người bệnh với y, bác sỹ, vì công sức lao động của đội ngũ y, bác sỹ đã làm việc căng thẳng, thâu đêm suốt sáng để cứu chữa bệnh nhân?

Theo nhiều bác sỹ có tâm, nếu người bệnh thật sự biết ơn bác sỹ, họ sẽ tìm được món quà mang giá trị tinh thần phù hợp. Được nhận những món quà nhỏ, nhưng giá trị lớn, thể hiện lòng biết ơn, trân trọng của người bệnh là điều vô cùng quý giá với mỗi người công tác trong ngành y. Nhưng trên hết, đó phải là món quà đến từ tâm của người bệnh, chứ không phải là từ sự gợi ý, đòi hỏi hay ép buộc.

Sự việc tại Bệnh viện K đang được cơ quan chức năng xem xét, làm rõ, song “những chiếc phong bì” trong ngành y vẫn là câu chuyện dài. Nên hiểu đó là hành động cảm ơn chính đáng của người bệnh với y, bác sỹ, hay là tâm lý của người bệnh mong muốn dùng đồng tiền để “mua” sự đảm bảo, nhiệt tình, trách nhiệm của y, bác sỹ? Đó là câu hỏi khó mà chỉ có mỗi y, bác sỹ, cán bộ ngành y với thực tiễn làm việc của mình mới có thể trả lời chính xác nhất.

Thiết nghĩ, câu chuyện “bôi trơn” tại Bệnh viện K đang làm nóng dư luận chỉ là biểu hiện ra bên ngoài của một cơ chế quản lý chưa thực sự phù hợp, khi người dân không có quyền lựa chọn khác tại một cơ sở y tế công lập.

Một số ý kiến đặt vấn đề, có nhất thiết bệnh nhân ung thư phải chuyển hết về Bệnh viện K, hay có thể phân theo chuyên ngành để điều trị phù hợp với sở trường của các cơ sở y tế khác trên cả nước?

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cần nghiêm túc làm việc với Bệnh viện K về cơ chế quản lý để lấp kẽ hở khiến bệnh nhân phải chi tiền “bôi trơn”. Cần làm rõ, liệu cơ sở này có đủ máy móc, thiết bị và thuốc để phục vụ bệnh nhân hay không; nếu thiếu, cần ưu tiên tập trung tháo gỡ những khó khăn trong đấu thầu cho Bệnh viện, bởi những khốn cùng của bệnh nhân ung thư thực sự quá đau xót.

Theo GS-TS. Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Y khoa quốc gia, qua vụ việc của Bệnh viện K, ngành y tế cần có cái nhìn tổng quan, đánh giá, xem xét một cách toàn diện việc phân tuyến khám chữa bệnh, nâng chất lượng y tế tuyến dưới để không còn cảnh người dân phải đổ dồn lên tuyến trên, gây quá tải, áp lực như hiện nay.

Đặc biệt, mấu chốt để giảm bệnh nhân nói chung và bệnh nhân ung thư nói riêng là cần làm tốt công tác dự phòng. “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dự phòng trong hệ thống y tế phải được đặc biệt coi trọng, bởi phòng bệnh bao giờ cũng hiệu quả và ít chi phí hơn chữa bệnh. Một đồng cho dự phòng sẽ tiết kiệm được 100 đồng cho điều trị bệnh”, GS-TS. Lê Quang Cường nhấn mạnh.

Bộ Y tế làm việc với Bệnh viện K về tố cáo của bệnh nhân
GS-TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã làm việc với lãnh đạo Bệnh viện K để nắm bắt tình hình và chỉ đạo liên quan đến những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư