Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vụ tranh chấp bảo hiểm giữa Paldo Vina và Liberty: Hệ lụy từ những “góc khuất”
Chí Tín - 08/10/2018 08:52
 
Vụ cháy nhà xưởng của Công ty TNHH Paldo Vina diễn ra cách đây đã hơn 1 năm, nhưng tranh chấp giữa Paldo Vina và nhà bảo hiểm là Công ty TNHH Bảo hiểm Liberty vẫn chưa giải quyết xong.

Vụ hỏa hoạn oan nghiệt

Paldo Vina là công ty 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, được thành lập từ năm 2013 tại Cụm công nghiệp Đồng Lạng (xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ). Từ khi hoạt động, Paldo Vina đã mua và liên tiếp tái tục hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và bảo hiểm mọi rủi ro tài sản của Công ty TNHH Bảo hiểm Liberty. Trong đó, Hợp đồng bảo hiểm số S-FPA-00000461-04-17, có hiệu lực từ ngày 8/8/2017 đến 7/8/2018.     

Mặt bằng vụ hỏa hoạn của Công ty Paldo Vina đang ảnh hưởng đến an toàn khu dân cư sinh sống xung quanh
Mặt bằng vụ hỏa hoạn của Công ty Paldo Vina đang ảnh hưởng đến an toàn khu dân cư sinh sống xung quanh

Vụ hỏa hoạn xảy ra đêm ngày 27/8/2017 đã thiêu rụi toàn bộ nhà xưởng của Paldo Vina tại Cụm công nghiệp Đồng Lạng. Đại diện Paldo Vina cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, Công ty đã phối hợp với Liberty cũng như đơn vị giám định tổn thất để tiến hành khảo sát, đánh giá tổn thất do vụ cháy. 

Theo Kết luận điều tra số 54/KLVV(ĐTTH) của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an huyện Phù Ninh), nguyên nhân cháy nhà máy Paldo Vina là do chập điện. Cơ quan điều tra cũng kết luận, vụ án không có dấu hiệu tội phạm, nên không tiến hành khởi tố vụ án hình sự. Theo đó, đại diện Paldo Vina cho biết, có căn cứ chứng tỏ rằng, vụ cháy là sự cố bất khả kháng, xảy ra bất ngờ dù Công ty đã tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy. Sau khi sự cố hỏa hoạn xảy ra, Liberty đã ghi nhận sự việc và tiến hành hợp tác, không có ý kiến gì cho thấy họ có ý định từ chối bảo hiểm vụ hỏa hoạn của Công ty Paldo Vina. 

Đôi co qua lại

Tuy nhiên, ngày 7/6/2018, Liberty đã bất ngờ đưa ra ý kiến từ chối trách nhiệm bảo hiểm. Để bảo vệ quan điểm từ chối bảo hiểm, Liberty đã vận dụng quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm tại điểm d, khoản 2, Điều 17, Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Ngày 2/7/2018, Liberty đã có văn bản gửi Paldo Vina cho biết: “Chúng tôi (Lyberty - PV) đã thu thập được những sự kiện để có thể kết luận một cách hợp lý rằng hệ thống phòng cháy chữa cháy của quý Công ty (Paldo Vina - PV) đã không hoạt động vào thời điểm vụ cháy xảy ra tại Nhà máy”. 

Về phía Paldo Vina, ngày 31/7/2017, công ty này đã có văn bản phản hồi, cho biết, căn cứ Phạm vi bảo hiểm tại Bản tóm tắt Hợp đồng tái tục bảo hiểm, thì Liberty sẽ “bồi thường cho những thiệt hại vật chất ngẫu nhiên bất ngờ không lường trước được đối với tài sản được bảo hiểm gây ra bởi các rủi ro không bị loại trừ bởi Hợp đồng bảo hiểm và các sửa đổi bổ sung đính kèm”. Ngoài ra, trước khi ký Hợp đồng bảo hiểm, ngày 1/8/2017, nhân viên của Liberty đã tiến hành đánh giá rủi ro tại Nhà máy Paldo Vina (địa điểm bị tổn thất). Do vậy, theo Paldo Vina, Liberty đã hoàn toàn chấp nhận những rủi ro của Paldo Vina và đã đồng ý ký Hợp đồng tái tục bảo hiểm vào ngày 8/8/2017.

Ngày 15/8/2018, Liberty đã có công văn gửi Paldo Vina với nội dung tiếp tục từ chối mọi yêu cầu bồi thường từ Paldo Vina. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cân nhắc và xem xét quyết định trên trong trường hợp chúng tôi nhận được các thông tin và chứng từ bổ sung từ quý Công ty (Paldo Vina - PV) để chứng minh hệ thống phòng cháy chữa cháy của Nhà máy hoạt động bình thường, đủ tiêu chuẩn tại thời điểm phát cháy”, đại diện Liberty đề  cập thêm.

Những “góc khuất” chưa rõ ràng

Tranh cãi giữa Liberty và Paldo Vina về trách nhiệm bảo hiểm đến nay vẫn chưa đến hồi kết, nhưng trong sự việc này, một số “góc khuất” vẫn chưa được các bên lý giải cặn kẽ khiến vụ việc đi vào bế tắc. 

Một trong những rắc rối của vụ việc là ý kiến từ chối của Liberty đưa ra khá muộn, văn bản từ chối đầu tiên gửi đi ngày 7/6/2018, tức là, phải 10 tháng sau khi sự cố xảy ra, Liberty mới phát hành được văn bản này. 

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, trước khi bất ngờ từ chối trách nhiệm bảo hiểm, Liberty đã tiếp tục bán thêm được hợp đồng bảo hiểm mới cho nhà xưởng mới xây dựng lại của Paldo Vina, nhưng phí bảo hiểm mới cao hơn gấp gần 2 lần phí bảo hiểm tại hợp đồng trước đó.

Ngoài ra, lý do chính của việc Liberty từ chối bảo hiểm tựu trung là do Hệ thống phòng cháy chữa cháy không hoạt động tại thời điểm hỏa hoạn. Song, theo giải thích Paldo Vina, việc hệ thống phòng cháy chữa cháy không hoạt động (một phần) tại thời điểm hỏa hoạn do lý do khách quan (bão đổ tường và hư hỏng một phần các thiết bị phòng cháy chữa cháy). Trong đó, nếu tách riêng, thì sự cố đổ tường và hỏng một phần thiết bị phòng cháy chữa cháy cũng nằm trong trách nhiệm bảo hiểm của Liberty và đã được Liberty xác nhận sự việc. Theo đó, quan điểm xuyên suốt sự việc của phía Paldo Vina là sự cố rủi ro xảy ra nêu trên hoàn toàn là sự kiện bất khả kháng, không phải do lỗi chủ quan của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào; không thuộc bất kỳ điểm loại trừ nào nên Liberty phải có nghĩa vụ bồi thường cho những tài sản đã được mua bảo hiểm.

Trong nội dung trả lời Báo Đầu tư, phía Liberty giải thích rằng, bản chất của kinh doanh bảo hiểm sẽ bảo hiểm cho những thiệt hại bất ngờ và không lường trước được gây ra bởi sự kiện bảo hiểm. Vì lẽ đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đều yêu cầu và nhắc nhở khách hàng rằng, tại bất kỳ thời điểm nào trong suốt thời hạn bảo hiểm, khách hàng phải thực hiện và áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết mà khách hàng có thể thực hiện để giữ gìn và bảo vệ tài sản được bảo hiểm, cũng như đề phòng và hạn chế tổn thất. Ngoài ra, Liberty cũng cho biết, trong một số trường hợp, Công ty phải thực hiện nhiều công việc khi giải quyết yêu cầu bồi thường và quá trình này có thể tốn nhiều thời gian.

Những lý lẽ của hai bên là vậy, trong khi trên thực tế sự việc kéo dài đang gây ảnh hưởng không chỉ với riêng Liberty và Paldo Vina. Vụ việc do chưa thể giải quyết dứt điểm nên các bên vẫn phải lưu giữ mặt bằng hiện trường. Trong khi đó, cơ quan quản lý đang yêu cầu giải quyết nhanh mặt bằng để hạn chế ảnh hưởng khu vực xung quanh. Tại văn bản gửi Paldo Vina hồi tháng 8/2018, Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ cho biết, tình trạng nhà xưởng bị thiệt hại có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, gây ảnh hưởng đến an toàn khu vực dân cư sinh sống xung quanh, mỹ quan khu vực Cụm công nghiệp Đồng Lạng.

Cháy nổ chung cư: Cần phạt nặng chủ đầu tư
Vụ cháy tại chung cư Carina (phường 15, quận 8, TP.HCM) rạng sáng 23/3, làm ít nhất 13 người chết và nhiều người khác bị thương, đã dấy lên hồi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư