Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Xây công thức cho sự thành công
Hồng Sơn - 22/06/2016 13:20
 
Mặc dù ngày càng có thêm cơ hội để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ phát huy khả năng của mình nhưng không ít doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm công thức cho phát triển và thành công.

Công ty Minh Đạt hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất khuôn ép nhựa chính xác, sản xuất chi tiết bằng nhựa và lắp ráp từ 11 năm nay là một ví dụ. Doanh nghiệp có 3 nhà xưởng sản xuất tại Long An, sản phẩm cung ứng cho nhiều thương hiệu lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và mới đây đã trở thành nhà cung cấp cho dự án của Tập đoàn Samsung đặt tại TP.HCM. Mỗi năm công ty sản xuất tới 150 triệu đơn vị sản phẩm nhựa, trong đó, riêng khuôn ép nhựa chính xác là khoảng 450 bộ. Với số lao động hiện nay là gần 500 công nhân, công ty cũng luôn đạt mức tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm qua. Riêng năm 2016, Công ty Minh Đạt đã lọt vào tốp 500 doanh nghiệp Việt tăng trưởng cao.

Chia sẻ câu chuyện tìm hướng phát triển thành công cho công nghiệp phụ trợ, ông Đỗ Sỹ Toàn, Giám đốc Công ty Minh Đạt cho hay, để trở thành đối tác tin cậy của nhiều thương hiệu lớn, doanh nghiệp đã phải đổi mới một cách bài bản và tìm ra công thức riêng cho sự thành công.

Chi phí nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong sản phẩm nên cần đẩy mạnh mua hàng từ nội địa. Ảnh: T.H
Chi phí nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong sản phẩm nên cần đẩy mạnh mua hàng từ nội địa. Ảnh: T.H

Theo ông Toàn, doanh nghiệp cần nhận thức rõ về việc tại sao phải đổi mới để tồn tại và phát triển. Việc đổi mới phải dựa trên các yếu tố như yêu cầu của khách hàng, áp lực cạnh tranh, xu hướng thị trường, xu hướng công nghệ, nhu cầu phát triển… Từ cách tiếp cận này, doanh nghiệp đưa ra định hướng cho đổi mới và tìm ra cách giải quyết phù hợp.  Cũng theo ông Toàn, trong quá trình phát triển doanh nghiệp, ông đã tìm ra công thức “5W-1H” (viết tắt của các từ tiếng Anh: what, where, when, why, who - how).

“Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực để tạo sự khác biệt là yếu tố quan trọng trong công thức tạo sự thành công”, ông Toàn nói và phân tích, việc tìm nhân sự phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp là không dễ nhưng cần làm trước, sau đó sẽ đào tạo kiến thức, kỹ năng tiếp.

Tại hội thảo “Đổi mới doanh nghiệp để phát triển, nâng cao chất lượng và kỹ năng nhân viên” mới diễn ra tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dù rất hào hứng với sự chia sẻ về công thức thành công của Minh Đạt, song cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, vẫn còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại diện một doanh nghiệp chuyên hoạt động sản xuất cơ khí chính xác cho biết, dù đã có những thành công song nhiều năm nay doanh nghiệp vẫn loay hoay với việc xây dựng được chính sách tiền lương hợp lý để giữ chân nhân viên. Hay, một doanh nghiệp chuyên sản xuất bo mạch điện tử cho rằng, cái khó nhất là đào tạo được công nhân kỹ thuật có tay nghề cao. Nhưng, khi đã thành nghề rồi thì nhân sự lại “đứng núi này, trông núi nọ” bởi nhận được nhiều lời mời hấp dẫn từ các đối thủ cạnh tranh.

Trong khi đó, một doanh nghiệp cũng hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ mới được thành lập nhận thức rõ việc nếu được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế thì sẽ tốt hơn nhưng lại chưa biết làm cách nào để có thể tiếp cận, liên hệ.

Thông tin với các doanh nghiệp, ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc Văn phòng Jetro tại TP.HCM cho biết, qua khảo sát một số năm gần đây, tỷ lệ chi phí nhân công chiếm chưa đến 20% tổng chi phí sản xuất, trong khi đó, chi phí dành cho nguyên vật liệu vẫn ở mức cao. Do đó, việc đẩy mạnh mua hàng từ nội địa để giảm chi phí sản xuất là rất quan trọng.

Người đứng đầu Jetro tại TP.HCM cho rằng, khó khăn lớn khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ gặp phải là, không thể vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư, kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn khác như năng lực quản trị kém, khó đào tạo nhân lực, thuế thu nhập doanh nghiệp cao, chi phí hành chính không minh bạch…

Theo ông Hirotaka, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được soạn thảo là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển. “Jetro đang hợp tác với cơ quan soạn thảo Luật này để tiến hành khảo sát các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa ra các đề xuất chính sách”, ông Hirotaka nói và cho biết, ngoài việc đề xuất các chính sách, Jetro luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế, 3 năm gần đây, Jetro phối hợp tổ chức nhiều cuộc kết nối doanh nghiệp nhưng không có nhiều doanh nghiệp mới. Vì vậy năm nay sẽ quay lại cách làm trước đây là phân rõ vai trò của người mua và nhà cung cấp.

Cơ hội nào cho ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam?
Sau nhiều năm chỉ hướng tới thị trường nước ngoài, không ít doanh nghiệp Việt giờ mới "giật mình" tìm cửa trở về thị trường nội địa.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư