Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Xót xa, trăn trở vì những áp lực, mất mát với đội ngũ y tế ở tuyến đầu
D.Ngân - 19/08/2021 21:56
 
Ngoài đối mặt với lây nhiễm, y bác sĩ còn chịu áp lực nặng về tâm lý khi bệnh nhân quá đông lại trở nặng nhanh, tỷ lệ tử vong cao; thiếu trang thiết bị, đồ bảo hộ.

Theo PGS. TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, 2 tháng nay, hơn 13.000 y, bác sĩ từ miền Bắc, miền Trung đã vào tâm dịch phía Nam, trong đó hơn 7.000 người chi viện TP.HCM, hơn 5.000 người chi viện cho các tỉnh còn lại. 

Chuyên gia đề xuất nhiều biện pháp bảo vệ cho nhân viên y tế tuyến đầu.

Ngoài đối mặt với lây nhiễm, y bác sĩ còn chịu áp lực nặng về tâm lý khi bệnh nhân quá đông lại trở nặng nhanh, tỷ lệ tử vong cao; thiếu trang thiết bị, đồ bảo hộ.

"Các cán bộ y tế đối mặt với nhiều áp lực trong điều trị khi phải làm việc gấp đôi bình thường. Họ còn phải chịu áp lực lớn nữa là số ca bệnh tăng nhanh, bệnh nhân tử vong nhanh chóng khiến các cán bộ y tế bất lực. Nhiều người đã bật khóc, stress vì không cứu được người bệnh", bà Bình nói. 

Trong số hơn 2.300 nhân viên y tế nhiễm bệnh, đã có nhân viên y tế tử vong trên mặt trận điều trị gồm 2 trường hợp tại TP.HCM và 1 tại Bình Dương là nỗi xót xa, trăn trở lớn. 

Chia sẻ về quy trình khám chữa bệnh để bảo đảm an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, thời điểm này, vấn đề bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế là rất quan trọng. 

Ngay khi các bệnh viện dã chiến được thiết lập phải tính toán đến việc bảo đảm khử khuẩn, phân luồng cách ly, độ lưu thông không khí, phân khu làm việc, thực hiện quy trình một chiều, giảm thiểu lây nhiễm cho nhân viên y tế.

Tuy nhiên, theo ông Khoa tại TP.HCM có số lượng ca nhiễm rất lớn, Thành phố đã phải sử dụng chung cư để thu dung bệnh nhân nên chưa hoàn toàn bảo đảm được việc phân khu, cách ly đúng quy trình.

"Số lượng cán bộ nhân y tế cũng rất thiếu. Nếu có đủ lực lượng, giảm thời gian tiếp cận F0 sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm. Việc nhân viên y tế mệt mỏi làm việc lâu cũng sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm. Chúng tôi rất mong muốn được tăng cường hỗ trợ số lượng nhân viên y tế", Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nêu.

Để bảo vệ cho lực lượng y tế tuyến đầu, PGS, TS Phạm Thanh Bình cho biết, Công đoàn Y tế đề nghị Tổng liên đoàn đề xuất Chính phủ, Nhà nước phong tặng liệt sĩ với nhân viên y tế tử vong khi làm nhiệm vụ trong đại dịch, coi họ là người thi hành công vụ, có chính sách với thân nhân của họ.

"Chúng tôi đề nghị Bộ Y tế có phương án mỗi đoàn y tế tăng cường chỉ nên chi viện tối đa trong 2 tháng để bảo đảm sức khỏe. Đồng thời, các địa phương cần thành lập các bộ phận tư vấn tâm lý để giảm stress cho y, bác sĩ", bà Bình nói. 

Đề xuất những giải pháp để bảo vệ các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, mặc dù Bộ Y tế đã ban hành danh sách khẩu trang đủ điều kiện sử dụng nhưng hiện nay nhân viên y tế đối diện với việc sử dụng khẩu trang giả, nhái nguy hiểm

Từ thực tế đó bác sĩ Cấp cho hay phải có chính sách kiểm soát trang thiết bị bảo hộ, phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp trục lợi, sản xuất và lưu hành trang thiết bị bảo hộ nhái, không đủ điều kiện bảo đảm an toàn. Đây là mối đe dọa rất nguy hiểm đối với lực lượng tuyến đầu.

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình nêu quan điểm, trang thiết bị bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế cần phải được kiểm soát và trang bị đầy đủ. 

Quy trình chăm sóc bệnh nhân cũng cần bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, giảm bớt khối lượng công việc. F0 chăm sóc F0 là một ý kiến, đề xuất hay và thiết thực trong thời điểm này. Bữa ăn của các y, bác sĩ đến thời điểm này đã tương đối ổn.

“Thời gian tới, việc đào tạo chuyên ngành hồi sức cấp cứu và y tế dự phòng cần được quan tâm và đầu tư hơn nữa. Điều quan trọng nhất lúc này là chăm sóc tinh thần của lực lượng cán bộ y tế”, bà Bình nói.

Còn về phía Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch cho hay, ngoài chính sách chung, Tổng liên đoàn đã hỗ trợ một triệu đồng để tăng cường bữa ăn cho khoảng 20.000 y, bác sĩ; triển khai mua 20.000 thẻ an toàn y tế;

Ông Hiểu cũng khẳng định đồng ý cho Công đoàn Y tế Việt Nam hỗ trợ thêm 2 triệu đồng cho mỗi cán bộ ở tuyến đầu chống dịch, tổ chức các đoàn thăm, động viên lực lượng tuyến đầu.

Điều động 10.000 nhân viên y tế tham gia hỗ trợ TP.HCM chống dịch
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế sẽ điều động khoảng 10.000 nhân viên y tế tham gia hỗ trợ cho TP.HCM.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư