Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bí vốn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Ngọc Nhi - 03/11/2016 10:39
 
Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết sẽ mở ra cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho các doanh nghiệp. Nhưng thực tế có ít doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng này, nếu có thì giá trị trong chuỗi ở mức rất thấp.

Thiếu vốn, thiếu cả chiến lược lâu dài

So với các nước trong khu vực, việc liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam còn khá hạn chế. Thống kê cho thấy, hiện chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 30% và ở Malaysia là 46%.

.
.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết, trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hoạt động hỗ trợ vốn cho DNNVV đã và đang được thực hiện. Sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó tài trợ chuỗi cung ứng doanh nghiệp là một trong 3 nội dung quan trọng của Dự thảo.

Tuy nhiên, theo ông Cương, ngoài việc thiếu vốn thì DNNVV còn nhiều điểm yếu như: kế hoạch kinh doanh thiếu tính chiến lược lâu dài, thiếu tính minh bạch nên khó tiếp cận với nguồn hỗ trợ. “Điều này không thể thay đổi được, mà chỉ có thể cải thiện thông qua liên kết các bên. Theo đó liên kết doanh nghiệp là một cách để hạn chế ảnh hưởng của các công ty, tập đoàn ngoài nước”, ông Cương nói.

Bà Lê Thị Kim Xuân, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM cho biết, ngoài thiếu vốn, thì vướng mắc lớn nhất của các DNNVV khi tham gia vào chuỗi cung ứng là thiếu sự đổi mới sáng tạo về công nghệ. Hiện nay, tỷ lệ đổi mới sáng tạo trong các DNNVV tại các quốc gia trung bình trên 30%, trong khi ở Việt Nam con số này chưa đến 5%.

Theo ông Jingchan Lai, chuyên gia tài chính cao cấp của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu và nâng cao chuỗi giá trị, tài trợ chuỗi cung ứng là một hành động thiết thực nhằm hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp.

Minh bạch để nâng cao giá trị

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ từ chối tài trợ vốn trong chuỗi cung ứng đối với DNNVV là 50%, công ty tầm trung là 30%, trong khi với công ty đa quốc gia thì tỷ lệ này chỉ chiếm 10%. Điều này đặt ra thách thức vô cùng lớn đối với DNNVV của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Tài trợ chuỗi cung ứng thực chất là một chương trình hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, mà trong đó, đối tượng là những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ưu điểm của chương trình là có thể khắc phục thiếu hụt về vốn thông qua cải thiện tình trạng vốn lưu động, chuyển hóa các khoản phải thu và hàng tồn kho thành tiền mặt với lãi suất thấp, dựa trên mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp. Sản phẩm tài trợ này cũng tạo điều kiện cho các nhà cung cấp ở các thị trường mới nổi có thể tài trợ cho các giao dịch thanh toán sau với lãi suất cạnh tranh. Điều này sẽ khiến cho các nhà cung cấp trở nên hấp dẫn hơn với bên mua là những công ty toàn cầu.

Theo ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc HDBank, mô hình tài trợ chuỗi có thể giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng về mặt nợ xấu. Đó là lý do khiến nhiều ngân hàng muốn triển khai mô hình này. Điểm mấu chốt khi tham gia tài trợ cho chuỗi cung ứng tại Việt Nam là ngân hàng thương mại phải tìm được những doanh nghiệp đầu mối, những công ty, tập đoàn lớn, bởi những doanh nghiệp này giữ vai trò xâu chuỗi những công đoạn khác nhau trong một chuỗi, quyết định 50% thành công của chương trình.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai mô hình tài trợ tại Việt Nam, việc thuyết phục những doanh nghiệp lớn như Heineken, Vinamilk, Coca-Cola… tham gia là không hề dễ. Vì muốn hỗ trợ, trước tiên ngân hàng phải tạo được chuỗi liên kết bằng danh sách các khách hàng là đại lý hoặc nhà phân phối của những doanh nghiệp đó. Khi đã có mạng lưới thì ngân hàng có thể hỗ trợ cho những doanh nghiệp này tùy theo hạn mức. Hơn nữa, có những lĩnh vực chuỗi liên kết quá rộng, ví dụ như liên kết chuỗi trong nông nghiệp, không có một ngân hàng thương mại nào có thể liên kết phủ kín được cả chuỗi.

Còn đối với ngân hàng nước ngoài, tuy có lợi thế trong làm việc với những doanh nghiệp hàng đầu hiện nay, nhưng họ không có mạng lưới để triển khai chuỗi phía dưới. Họ có sẵn mô hình, kiến thức và công nghệ, nhưng lại không có mạng lưới khách hàng để triển khai.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Thanh, minh bạch là vô cùng quan trọng. Có một thực tế là nhiều doanh nghiệp không coi trọng điều này, chính vì vậy, các ngân hàng ít dựa vào sổ sách của doanh nghiệp. Họ căn cứ vào dòng tiền ra vào hàng tháng giữa các doanh nghiệp trong chuỗi, xem xét dòng tiền thanh toán như thế nào để đánh giá năng lực cung cấp của doanh nghiệp đó.

Ông Thanh cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp hiện nay dường như còn lẫn lộn trong mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp và vốn của cá nhân, điều này tiềm ẩn rủi ro và khiến ngân hàng quan ngại. Vì vậy, ngân hàng chỉ tài trợ thanh toán cho công ty đầu mối nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro.

Bên cạnh vấn đề minh bạch thông tin, chuyên gia đến từ IFC khẳng định, doanh nghiệp nằm trong chuỗi giá trị cần phải chủ động liên kết với những doanh nghiệp đầu mối hoặc các ngân hàng. Doanh nghiệp phải nhận thức mình là một yếu tố quan trọng trong chuỗi giá trị và phải chủ động tìm kiếm doanh nghiệp để liên kết mở rộng quy mô.

Kế sách gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu
Đầu tư vào chuỗi logistics và dịch vụ chăm sóc khách hàng là chìa khóa để các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trở thành cánh tay phải của các ông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư