Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Chưa dễ tăng cho vay ngoại tệ
Thùy Vinh - 10/12/2016 10:41
 
Nhu cầu vốn ngoại tệ của doanh nghiệp tăng lên trong mùa kinh doanh cuối năm, song để vay được ngoại tệ không dễ, dù lãi suất rẻ.
TIN LIÊN QUAN

Các ngân hàng thương mại cho biết, thường đến thời điểm cuối năm, nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp có dấu hiệu tăng, để nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh dịp Tết. Sở dĩ các doanh nghiệp vẫn thích vay ngoại tệ vì lãi suất rẻ hơn nhiều so với tiền đồng. Cụ thể, vay tiền đồng lãi suất được ưu đãi mức thấp nhất hiện nay là 8 - 11%/năm, trong khi đó, vay ngoại tệ chỉ có 5 - 6%/năm. Thậm chí, ở một số ngân hàng lớn và nếu doanh nghiệp cam kết bán lại nguồn ngoại tệ khi có nguồn thu thì lãi suất cho vay USD còn thấp hơn, chỉ 3 - 4%/năm.

.
.

Điều này được phản ánh phần nào qua tình hình tăng trưởng tín dụng ngoại tệ của các ngân hàng, nhất là từ quý III/2016 đến nay. Thống kê cho thấy, nếu tăng trưởng dư nợ ngoại tệ toàn ngành vào ngày 24/6/2016 giảm 4,64% so với đầu năm, thì đến ngày 31/8/2016 chỉ còn giảm 0,33% và tính đến cuối tháng 9/2016 đã tăng trở lại 5,44% so với đầu năm. Đặc biệt tháng 9 tăng mạnh 3,69% so với tháng 8. Đến ngày 28/11/2016, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 3,49%, phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trên địa bàn TP.HCM thậm chí còn trở về trạng thái dương trong tháng 7/2016, sau một tháng NHNN mở lại tín dụng ngoại tệ (từ tháng 6/2016). Đến nay, tín dụng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn ước tính tăng khoảng 2-3% so với đầu năm 2016. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được tín dụng ngoại tệ, kể cả khi NHNN đã ban hành Thông tư số 31/2016/TT-NHNN (Thông tư 31), sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN (Thông tư 24) quy định về cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Cầu vốn ngoại tệ thường rơi vào cuối năm khi có nhu cầu nhập khẩu. Đặc biệt là trong năm nay khi tỷ giá không mấy biến động, nên các đơn vị có nguồn thu bằng ngoại tệ vẫn thích chọn vay USD để tránh áp lực lãi vay, thay vì tiền đồng. Trong đó, tập trung lớn nhất vẫn là ở các doanh nghiệp xuất khẩu và có nguồn thu ngoại tệ. Còn với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng hóa tiêu thụ ở thị trường nội địa phải mua ngoại tệ thanh toán, vì không có nguồn thu bằng ngoại tệ trả nợ và theo quy định của NHNN, các đối tượng này không được vay vốn USD. Vì thế, dù cầu vốn ngoại tệ tăng, song các nhà băng cũng khó có thể đẩy mạnh cho vay, mà còn tùy thuộc vào việc đáp ứng điều kiện tín dụng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho hay, với các doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực nông sản, hiện OCB cho vay ngoại tệ với lãi suất dao động trên dưới 3,5 - 4,5%/năm. Theo vị lãnh đạo trên, đây là lĩnh vực được OCB tập trung đẩy mạnh vốn hỗ trợ trong bối cảnh hiện nay. Bởi đây là lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang tìm được thị trường xuất khẩu, đầu ra cũng tương đối tốt. Vì thế, hỗ trợ vốn cho lĩnh vực này, ngân hàng sẽ thu được nguồn ngoại tệ khi doanh nghiệp trả nợ.

Tuy nhiên, việc cung ứng vốn ngoại tệ được các ngân hàng, trong đó có OCB, chọn lọc khá kỹ và phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định về đối tượng vay ngoại tệ của NHNN. Trong khi đó, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, nhu cầu về vốn ngoại tệ không chỉ tăng trong thời điểm cuối năm khi doanh nghiệp cần thanh toán hàng hóa, mà vốn dĩ luôn tồn tại trong năm. Đáng chú ý là những năm gần đây khi chính sách tỷ giá tương đối ổn định. Thế nhưng, cũng như các nhà băng khác, ACB luôn có sự chọn lọc và khó đẩy mạnh vốn đầu ra ngoại tệ. Một phần, việc phát triển tín dụng ngoại tệ phải theo quy định của NHNN, mặt khác, theo ông Toàn, đẩy mạnh tín dụng ngoại tệ lúc này cũng có những hạn chế nhất định, bởi nguồn ngoại tệ đầu vào không còn tăng trưởng dồi dào như trước khi lãi suất huy động vốn USD đã giảm về mức thấp nhất là 0%.

Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, vốn huy động bằng ngoại tệ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố đến đầu tháng 10/2016 giảm 10,08% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, dù NHNN đã ban hành Thông tư 31, song TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, điều đó không có nghĩa là tín dụng ngoại tệ sẽ được mở rộng đến tất cả các đối tượng có nhu cầu. Đây không phải lần đầu tiên, NHNN kéo dài quy định trên. Nhưng sau những hạn mức này, các ngân hàng thương mại sẽ chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ và chuyển sang mua bán USD thuần túy, trừ một số nhóm đối tượng đặc thù.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư