Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Cụ thể hóa các cam kết khi trở thành đối tác chiến lược
Thanh Huyền - 08/09/2016 09:21
 
Là quốc gia đứng thứ 3 trong các nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam, đồng thời là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu, Pháp đã cụ thể hóa các cam kết khi trở thành Đối tác chiến lược của Việt Nam.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande vừa diễn ra là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Pháp tới Việt Nam kể từ năm 2004.

Ngay sau lễ đón chính thức và hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tại buổi họp báo chung tại Phủ Chủ tịch, Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande khẳng định hy vọng chuyến thăm lần này của ông giúp mang đến luồng gió mới cho quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp.

Hầu hết, các Dự án của Pháp tại Việt Nam đều tập trung vào hạ tầng và cóquy mô lớn. Ảnh: Đức Thanh
Hầu hết, các dự án của Pháp tại Việt Nam đều tập trung vào hạ tầng và cóquy mô lớn. Ảnh: Đức Thanh

Nhìn lại mối quan hệ Việt - Pháp suốt chiều dài lịch sử, có thể thấy, từ vị trí là một nước thuộc địa của Pháp, Việt Nam hiện đã trở thành đối tác chiến lược của Pháp sau khi hai bên ký kết vào năm 2013.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, trong một bài trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Pháp AFP trước chuyến thăm đã khẳng định, quan hệ Việt - Pháp mang những chuẩn mực đặc biệt giữa hai dân tộc từng có mối liên hệ sâu sắc trong lịch sử; nhất là giữa một nước công nghiệp phát triển hàng đầu ở châu Âu với một đất nước đang phát triển năng động, tích cực hội nhập quốc tế ở châu Á. Không chỉ hợp tác tốt trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh – quốc phòng, kinh tế, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo..., Việt Nam đã trở thành đối tác tin cậy của Pháp trên các lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Pháp hiện là bạn hàng lớn thứ 5 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu và là một trong những nhà tài trợ ODA song phương hàng đầu cho Việt Nam. Dự án đường sắt đô thị (Nhổn – Ga Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ví là ngọn “hải đăng” biểu tượng cho quan hệ hợp tác giữa hai nước. Dự án đã tác động lan truyền đến cộng đồng doanh nghiệp Pháp và được lãnh đạo cấp cao của cả hai nước đặc biệt quan tâm.

Là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Việt Nam (sau Đức, Anh, Hà Lan, Italia) và đứng thứ 16/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hiện có khoảng 300 doanh nghiệp của Pháp đang hoạt động tại Việt Nam.

Với tốc độ trao đổi thương mại hai chiều tăng đều đặn trong những năm qua, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt con số hơn 4,2 tỷ USD trong năm 2015, trong đó phần lớn là hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Pháp, chiếm 2,9 tỷ USD. Theo ông Philippe Varin, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Areva (Pháp), điều này rất có lợi cho Việt Nam, bởi các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Pháp hầu hết là hàng nông sản, trong khi Pháp xuất sang Việt Nam các mặt hàng có tính chất kỹ thuật cao như máy bay, điện tử...

Trong khi đó, ở lĩnh vực đầu tư, Pháp hiện có 461 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3,4 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất - phân phối điện, khí, nước. Các dự án lớn có thể kể đến như Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Tổng công ty Bưu chính viễn thông và FCM Vietnam (Chi nhánh của Frace Telecom tại Việt Nam), với số vốn đầu tư 615 triệu USD, được cấp phép từ năm 1997; Dự án Cảng Cái Mép do Terminal Link đầu tư với số vốn 520 triệu USD vào hoạt động dịch vụ khai thác cảng, cấp phép từ năm 2008; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 2 cấp phép năm 2001 do Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) liên kết với Nhật Bản, tổng vốn đầu tư 480 triệu USD.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại Pháp, khi có 6 doanh nghiệp đã đầu tư vào quốc gia này với tổng số vốn 2,48 triệu USD.

Đặc biệt, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong tổng số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á, với tổng vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD. Việt Nam hiện là một trong số ít các nước được hưởng cả 3 kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP).

Trước đây, các dự án thường có mức vốn trung bình tối đa khoảng 55 triệu EUR/dự án, nhưng các dự án sau này đã được Pháp cam kết mức vốn lớn hơn. Hầu hết, các dự án tập trung vào hạ tầng quy mô lớn, như Dự án Metro Nhổn - Ga Hà Nội (335 triệu EUR), Đại học Khoa học, Công nghệ Hà Nội (100 triệu EUR), Dự án Vệ tinh nhỏ VNREDSat-1 (57,8 triệu EUR)...

Theo bà Martin Pinville, Quốc vụ khanh phụ trách thương mại Cộng hòa Pháp, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Francois Hollande không chỉ thúc đẩy đầu tư, thương mại giữa 2 nước, mà Chính phủ Pháp còn mong muốn hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam. “Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam để kết nối, tạo dựng mối quan hệ cộng sinh, vươn tay tới thị trường Pháp nói chung và thị trường EU nói riêng”, bà Martin Pinville khẳng định.

Và như Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nói, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp lần này khẳng định một điều, “từ truyền thống nhân văn của mình, nhân dân Việt Nam còn biết khép lại quá khứ, nỗ lực hướng tới tương lai, một tương lai tốt đẹp với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững không chỉ riêng cho hai quốc gia chúng ta, mà còn đóng góp vào nền hòa bình, tự do, công bằng, bác ái, thịnh vượng chung cho mọi người trên trái đất này”.

Xung lực mới trong quan hệ Việt – Pháp
Chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande chỉ gói gọn trong vòng 2 ngày (6-7/9), song đã làm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư