Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Doanh nhân Lương Trọng Khoa: "Làm nông nghiệp để trả nợ đời"
Hồng Phúc - 20/12/2017 20:31
 
Khi niềm tin thực phẩm sạch trở nên linh thiêng hơn hết thảy mọi thứ là lúc ông Lương Trọng Khoa bắt đầu “trả nợ đời” bằng việc thành lập Công ty cổ phần Nông nghiệp Kỹ thuật Việt (Veeteq Farm). Những người làm nông nghiệp thuộc “trường phái” như ông chẳng tha thiết đến doanh thu ngàn tỷ, nếu người thân, bạn bè hay đồng nghiệp chưa thể sử dụng sản phẩm ấy.
Ông Lương Trọng Khoa (thứ hai từ phải sang) và thành viên Hiệp hội Thực phẩm minh bạch trong ngày ra mắt.
Ông Lương Trọng Khoa (thứ hai từ phải sang) và thành viên Hiệp hội Thực phẩm minh bạch trong ngày ra mắt.

Tạo chuỗi liên kết

Dáng người nhỏ bé của ông Khoa lọt thỏm giữa dàn Ban lãnh đạo Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) vừa ra mắt cuối tháng 11/2017. Sẽ phí công nếu tìm hiểu thông tin về ông trên báo chí, ngoại trừ kênh truyền miệng, thông qua những người có niềm tin về sản phẩm của Veeteq Farm. Không màng đến chuyện đó, ông chỉ kỳ vọng, chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp sẽ được thành lập từ những ông chủ “tí hon” trong AFT mà ông làm Phó chủ tịch.

Muốn gắn bó với nông nghiệp từ rất lâu, nhưng mãi đến hơn 40 tuổi, ông mới chính thức bước vào “sân chơi” này từ con số không tròn trĩnh. “Nông dân hiện nay quá đơn độc khi trồng 50 loại rau khác nhau rồi lại mất công tìm khách hàng, kênh phân phối khác nhau. Cần tập hợp nguồn lực để có chuỗi liên kết từ giống, nuôi trồng, chế biến, đóng gói và tiêu thụ. Mỗi thành tố tham gia một “mắt xích”, như tôi đang tập trung ở 2 khâu cuối”, ông Lương Trọng Khoa chia sẻ.

Trường vốn là yêu cầu tối thiểu khi muốn đầu tư vào nông nghiệp, dù tham gia ở bất kỳ công đoạn nào. Đã hai năm, Veeteq Farm “vật lộn” ở thị trường mà niềm tin thực phẩm an toàn dần mai một. Nhưng cũng sẽ ngần ấy năm nữa, khi hòa vốn, Veeteq Farm sẽ trở thành doanh nghiệp xã hội như mong ước của nhà sáng lập. “Thay vì hàng năm làm các công tác xã hội, thì Veeteq Farm dành nguồn lực đó đầu tư vào công ty, rồi đưa sản phẩm chất lượng với mức giá hợp lý nhất đến xã hội”, ông Khoa nói.

Ông kể, trai chưa vợ, học giỏi và hộ khẩu Quảng Nam là 3 yếu tố thuận lợi giúp ông trở thành một trong những chuyên viên đầu tiên của Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng hồi năm 1994, sau khi tốt nghiệp đại học tại TP.HCM, mà không cần 24 tháng tập sự.

Bẵng đi một thời gian, qua nhiều vị trí như giám đốc thương hiệu, phó tổng giám đốc một số công ty, tập đoàn, ông đến với nông nghiệp qua cương vị Phó tổng giám đốc phụ trách đầu tư cho một tập đoàn đa ngành, đứng nhất nhì trong ngành nông nghiệp tại Việt Nam. Sau đó, ông rời tập đoàn này và gắn bó với “nước sạch”, “rau sạch” bằng việc thành lập hai công ty Veeteq (Veeteq Inc: công nghệ xử lý nước và Veeteq Farm: nông nghiệp).

Không sử dụng nhân viên bán hàng

“Người Việt không thua kém bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, có chăng chỉ vì tự ti nên thứ gì cũng đi mua, nghĩa là đưa tiền của mình cho người khác xài”, ông Lương Trọng Khoa nói và cho rằng, trang trại và nhà máy sơ chế sau thu hoạch của Veeteq Farm tại huyện Củ Chi, TP.HCM là nơi khắc phục điều đó. 

Theo chia sẻ của ông Khoa, lúc mới bắt đầu, Veeteq Farm tự làm mọi thứ, “không theo quy chuẩn” nào, từ nhà màng, hệ thống tưới, phương pháp thủy canh hồi lưu, tưới nhỏ giọt tận gốc trong nhà vườn khép kín đến mọi vật dụng trong nhà máy sơ chế, với diện tích gần 3.000 m2. Thế nhưng, khi Sở Nông nghiệp và Sở Y tế TP.HCM đến kiểm tra các quy chuẩn trước khi cấp phép cho Công ty được cung ứng sản phẩm ra bên ngoài, hệ thống nhà máy và trang trại này lại được xác định là đủ điều kiện đạt chuẩn Global Gap.

“Không ngờ chúng tôi lại có hệ thống chế biến, đóng gói đạt chuẩn Global Gap sau khi nghiên cứu và làm theo 174 tài liệu của Pháp. Cứ khoảng 3 tháng, cơ quan chức năng lại đến kiểm tra đột xuất. Chỉ cần 1 trong các tiêu chí “rớt hạng”, thì chúng tôi sẽ mất giấy chứng nhận ngay”, ông Khoa vừa nói, vừa giới thiệu về quá trình sơ chế nông sản thông qua camera trực tiếp tại nhà máy.

Kiểm soát được chất lượng để tạo giá trị gia tăng cho nông sản Việt, kiên định triết lý kinh doanh là không bán những sản phẩm không qua kiểm soát chất lượng là lý do khiến Veeteq Farm phải từ chối rất nhiều đơn hàng. Ví như hệ thống Vinmart đặt 104 tấn rau, củ, quả trong tháng 12/2017, nhưng Veeteq Farm chỉ nhận cung cấp khoảng 40 tấn.

Veeteq Farm không có nhân viên bán hàng, vì sản lượng còn không đủ cung cấp cho các đối tác lâu năm và những khách hàng mới đến từ kênh truyền miệng. Có lẽ vì lý do đó mà ông Khoa có cách làm lạ kỳ trong lựa chọn khách hàng.

“Tôi không báo giá trước, mà mời họ đến tham quan trang trại, tìm hiểu quá trình trồng, sơ chế và bảo quản, sau đó mới bàn về đơn hàng. Thông thường, không ai thăm trang trại về mà không đặt vấn đề hợp tác. Với những người chưa đi mà đã yêu cầu báo giá thì tôi từ chối luôn, bởi họ không hiểu được giá trị sản phẩm”, Chủ tịch Veeteq Farm chia sẻ.

Nếu nhà tiêu thụ quan niệm sản phẩm nào cũng giống nhau, thì Veeteq Farm không thể hợp tác. Một số trường học, khách sạn 5 sao tại TP.HCM từng là khách hàng của Veeteq Farm, nhưng giờ ông Khoa đã từ chối gần hết. Lý do là họ giảm dần sản lượng mua từ Veeteq Farm và bổ sung qua nguồn mua bên ngoài.

Bài toán hao hụt

“Sáng rau, chiều rác” - cảnh tượng kéo dài hơn 6 tháng, từ những ngày đầu thành lập Veeteq Farm khiến ông Khoa luôn trong cảm giác “bất lực”. Đó là sự hao hụt, lãng phí mà không nguồn lực nào trong xã hội được hưởng. “Mua một bó rau ở chợ chỉ ăn được một nửa do già, dập... 50% hao hụt đó cả nông dân, nhà thương mại và người tiêu dùng đều không được hưởng”, ông Khoa trăn trở.

Giảm tỷ lệ hao hụt là bài toán khó nhất trong sản xuất các mặt hàng nông sản. Ông Khoa chưa hài lòng với tỷ lệ hiện tại là 20% của Veeteq Farm và muốn chỉ còn 15%. Ông ước tính, chỉ cần giảm 1-2% hao hụt là có thể giảm giá thành từ 3-4%. Khi ấy, sẽ ngày càng nhiều người trong xã hội tiếp cận được sản phẩm của Veeteq Farm.

Để giải quyết bài toán ấy, ngoài việc mở rộng nhà máy theo mô hình vườn - ao - chuồng và chế biến các sản phẩm gia tăng, ông Khoa còn nghĩ đến một cách giải khó hơn, nhưng sẽ đạt hiệu quả cao nếu thành công, bắt nguồn từ khâu thu hoạch. “Phải hướng dẫn nông dân trân trọng sản phẩm hơn”, Chủ tịch Veeteq Farm nói.

Hiện Veeteq Farm hợp tác với 4 chủ trang trại (khoảng 20 ha) tại Đà Lạt để cung ứng nguồn hàng ổn định. Ông chọn đối tác cung ứng cho mình theo cách đã làm với đơn vị mà mình cung ứng. Qua trò chuyện, quan sát và tham quan, ông Khoa có thể quyết định bắt tay hợp tác với ai. Kinh nghiệm vài chục năm trong vai trò lãnh đạo mảng đầu tư của các tập đoàn đã giúp ông đưa ra đánh giá và quyết định chuẩn xác điều đó.

“Họ đồng ý hợp tác, chấp nhận bán giá cố định là thể hiện sự gắn bó, chia sẻ với chúng tôi. Khi tìm hiểu, bằng kỹ năng, phần nào tôi sẽ biết được chủ trang trại có chính trực và đam mê với nghề hay không. Mọi người có thể có lỗi với tôi chỉ một lần duy nhất dù ở hiện tại hay trong lương lai”, Chủ tịch Veeteq Farm chia sẻ.

Trao đổi ngắn cùng doanh nhân Lương Trọng Khoa:

Vì sao ông lại xem làm nông nghiệp là trả nợ đời?

Cuộc đời đã cho tôi nhiều thứ từ gia đình đến các vị trí công việc trong thời gian qua. Gắn mình với nông nghiệp, với ruộng vườn, với “đất mẹ” là một cách trả nợ.

Ông chia thời gian như thế nào cho hai công ty Veeteq?

Công ty mang lại nhiều doanh thu nhất là Veeteq Inc, với khoảng vài trăm tỷ đồng/năm, nhưng tôi lại dành cho ít thời gian nhất, chỉ 1/3 quỹ thời gian. Phần còn lại, tôi dành cho Veeteq Farm.

Sự khác biệt lớn nhất khi điều hành hai công ty này là gì, thưa ông?

Trong ngành nước, tôi toàn làm các dự án ngàn tỷ như nhà thầu công nghệ Nhà máy Nước Tân Hiệp 2, công suất 300.000 m3 mỗi ngày, nhưng sang nông nghiệp, tôi phải tính từng đồng.

Ông trăn trở điều gì trong Veeteq Farm và AFT?

Ở Veeteq Farm, tôi muốn giảm sự hao hụt và ngày càng có nhiều người sử dụng sản phẩm. Chúng tôi bán giá cao không phải vì lời nhiều, mà để có khả năng làm cho sản phẩm trở nên tốt nhất có thể.

Còn ở AFT, tôi muốn tạo thành chuỗi cung ứng thực phẩm minh bạch qua các thành viên trong Hiệp hội bằng cách tạo lập một sở giao dịch hàng hóa nông sản Việt, tạo một “sân chơi” chuyên nghiệp để người kinh doanh nông sản tiếp cận nhà tiêu thụ nông sản.

Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh: Không thay đổi sẽ bị làn sóng công nghệ mới cuốn trôi
Sau chặng đường phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp công nghệ trên nền tảng Internet Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư