Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Doanh nhân Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T Group: Ghi điểm cho trái cây Việt
Hải Yến - 22/02/2018 08:43
 
Sau những va vấp ban đầu, Vina T&T và CEO Nguyễn Đình Tùng đang sải những bước dài trên con đường xuất khẩu trái cây sang Mỹ đầy chông gai và từng bước ghi điểm cho trái cây Việt trên thị trường thế giới.

Những lô trái cây “thần tốc” trên đất Mỹ

Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2017 vượt 3,5 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2016, trong đó, Vina T&T đóng góp 26 triệu USD. Đáng chú ý, lượng ngoại tệ này đến từ các thị trường tiêu dùng khó tính, đòi hỏi chuẩn cao như Mỹ, Australia, Canada…

“Điều khiến tôi hài lòng trong năm 2017 là lần đầu tiên đưa được trái dừa xiêm Bến Tre sang đất Mỹ, đánh trúng vào phân khúc mà từ trước tới nay gần như ấn định là sân chơi riêng của người Thái. Hơn nữa, đơn hàng này còn giải quyết được bài toán đầu ra cho dừa Bến Tre vào mùa tiêu thụ nội địa thấp”, ông Nguyễn Đình Tùng, CEO của Vina T&T mở đầu câu chuyện.

.
 CEO Nguyễn Đình Tùng.

Nếu biết rằng, lô dừa xiêm đầu tiên xuất sang Mỹ vào tháng 7/2017 chỉ có 18.000 trái, thì sau 1 tháng đã lên 40.000 trái và giờ thì mỗi tuần đều đặn xuất 100.000 trái, mới thấy cách mà Vina T&T chinh phục thị trường khó tính này “thần tốc” cỡ nào.

Nhưng thành tựu xuất khẩu của Vina T&T không chỉ dừng ở trái dừa. Năm qua, lần đầu tiên, nhãn lồng Sơn La, Hưng Yên đã được Vina T&T đưa tới Mỹ, có mặt tại những điểm bán thu hút khách trong các siêu thị. Trước khi tìm ra nhãn Sơn La, mỗi tuần, Vina T&T vẫn xuất 100 tấn nhãn từ Tiền Giang.

“Khi lô nhãn Sơn La đầu tiên được đưa đi để thử khẩu vị khách hàng, chúng tôi cũng không ngờ rằng, đường đi của nhãn Sơn La lại dễ dàng đến thế”, ông Tùng nói vậy, nhưng những người làm trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản đều hiểu rằng, không có gì dễ dàng, nhất là khi Mỹ là một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới.

Sau gần chục năm xuất khẩu nông sản và gần 5 năm chế biến trái cây tươi xuất khẩu, thời điểm này, Vina T&T đã thiết lập được hệ thống làm trái cây xuất khẩu từ nhà vườn tới người tiêu dùng, giúp kiểm soát tốt được chất lượng sản phẩm.

Nhãn lồng Hưng Yên được Vina T&T Group lựa chọn để xuất khẩu sang Mỹ.
Nhãn lồng Hưng Yên được Vina T&T Group lựa chọn để xuất khẩu sang Mỹ.

“Nói chuẩn hơn, Vina T&T đã gây dựng được chuỗi sản xuất khép kín, để từ nền tảng này, có thể mở rộng quy mô mà vẫn kiểm soát được chất lượng sản phẩm ở mọi khâu”, ông Tùng giải thích.

Nghe ông Tùng hào hứng nói về quy trình xuất khẩu trái cây, ít người tin rằng, vị CEO sinh năm 1978 này của Vina T&T từng công tác trong ngành công an và khởi nghiệp trong lĩnh vực vận chuyển.

Triết lý “san sẻ lợi nhuận”

Với các doanh nghiệp, mục đích cuối cùng trong kinh doanh là tối đa hóa lợi nhuận. Ông Tùng bảo, điều này không sai, nhưng không hoàn toàn đúng với Vina T&T. “Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, cần phải san sẻ miếng bánh lợi nhuận cho tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu, gồm nông dân, những người làm công, Công ty và không quên dành cả phần lợi cho khách hàng ở bên kia biên giới”, ông Tùng chia sẻ.

Đối với doanh nghiệp chế biến trái cây tươi xuất khẩu, yếu tố quan trọng đầu tiên là phải quy hoạch, tổ chức được vùng trồng nguyên liệu đúng chuẩn. Đó là cơ sở để doanh nghiệp có nguồn hàng ổn định, giá thành tốt. Vì vậy, điều khiến ông Tùng trăn trở lúc này là đẩy được giá bán lên, để nông dân có lời hơn và để Vina T&T nâng cao được giá trị xuất khẩu trong những năm tới.

Kết quả xuất khẩu năm 2017 của Vina T&T đã chứng minh triết lý kinh doanh “san sẻ lợi nhuận” là đúng. Xuất khẩu tăng tới 400% so với năm 2016, mức tăng mà Ban lãnh đạo Công ty không hề nghĩ tới. Mục tiêu đề ra hồi đầu năm chỉ khoảng 15-16 triệu USD, nhưng khi danh mục xuất khẩu có thêm những mặt hàng trái cây mới, lại là những mặt hàng có giá trị cao, thì kim ngạch bất ngờ tăng nhanh.

Nhưng, ông Tùng vẫn trăn trở: “Tôi thấy trái cây Việt Nam đang cạnh tranh rất tốt trên thị trường thế giới. Cái khó là làm sao xuất khẩu được sản phẩm mang thương hiệu Việt, để nâng cao giá trị nông sản Việt”.

Vina T&T đã chọn cách khó như vậy để đi những bước rất vững chắc trên con đường xuất khẩu trái cây đầy chông gai. Cho tới nay, gần như các loại trái cây tươi xuất khẩu của doanh nghiệp này đều mang thương hiệu Việt Nam, với xuất xứ sản phẩm và địa lý rõ ràng. Dù chưa đạt tới mức truy xuất nguồn gốc xuất xứ, nhưng Công ty đã làm được thương hiệu, để khách hàng nhìn vào là biết sản phẩm đến từ Việt Nam.

Chính CEO Nguyễn Đình Tùng đã ra quyết định mở trụ sở công ty tại Mỹ và EU chỉ sau một thời gian ngắn thiết lập được kênh xuất khẩu. Vina T&T thành lập chưa lâu, nhưng kinh nghiệm trong nghề đủ để họ hiểu rằng, để giảm rủi ro, thì phải giám sát được toàn bộ quy trình.

“Nếu mình thiết lập được vùng trồng an toàn thì có thể kiểm soát tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu chủ động được công đoạn logistic thì giảm được giá thành vận chuyển. Và nếu có được trụ sở ở thị trường xuất khẩu để giám sát hàng hóa thì giảm được tỷ lệ hàng lỗi cùng những sự cố phát sinh”, ông Tùng cho hay.

Ghi điểm cho trái cây Việt

Hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của Vina T&T đến từ thị trường Mỹ. Bởi vậy, đầu tư mở rộng sản xuất, hoàn thiện công nghệ bảo quản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng trái cây tươi xuất khẩu là nhiệm vụ lớn của Công ty trong năm 2018.

Trong một số hoàn cảnh, chúng tôi sẽ phải tính toán, không đánh về số lượng nữa mà chuyển sang chú trọng những trái cây đặc sản có giá trị xuất khẩu lớn, để ghi điểm thêm cho trái cây Việt.

Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T Group

“Hiện Vina T&T có 3 nhà máy tại Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Tháp, mỗi nơi xử lý 1-2 loại quả khác nhau. Chúng tôi dự kiến đầu tư thêm một nhà máy 7.000 m2 tại Cai Lậy, Tiền Giang chuyên chế biến sầu riêng”, ông Tùng cho biết.

Nhận định về tương lai của ngành hàng xuất khẩu trái cây, CEO của Vina T&T chia sẻ, trái cây Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh rất lớn tại thị trường Mỹ, Australia, EU… “Ngày 26/12/2017, Việt Nam xuất khẩu lô vú sữa đầu tiên, thì cuối tháng 1/2018, lô xoài đầu tiên cũng được xuất đi Mỹ. Đây là tiền đề cho việc gia tăng sản lượng xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ năm nay sẽ không dừng lại ở con số 120 triệu USD như năm 2017”.

Ông Tùng có cơ sở để tin vào tương lai sáng cho ngành trái cây xuất khẩu Việt Nam. Từ đầu năm 2018, xoài Việt Nam đã được Mỹ đồng ý nhập khẩu và Vina T&T cũng có tên trong danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện đưa xoài sang Mỹ. Những ngày cuối tháng 1/2018, lô hàng 11 tấn xoài đầu tiên đã được Vina T&T xuất qua Mỹ, trong đó 7 tấn đi tàu biển và 4 tấn đi bằng máy bay.

Chưa hài lòng với cơ hội thị trường đã được mở ra cho trái xoài Việt, trong những ngày cuối năm 2017 bộn bề, ông Tùng và các cộng sự đã lên đường sang Nhật Bản để tìm hiểu cách họ xuất khẩu giống xoài đặc sản Okinawa với giá lên tới 10.000 yên/kg.

“Xoài Việt Nam qua Mỹ sẽ phải cạnh tranh trực diện với xoài Mexico, vốn có lợi thế hơn hẳn vì Mexico tham gia Hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ. Sau chuyến đi này, Vina T&T sẽ tính lại xem có nên giảm phân khúc xoài bình dân để tránh cạnh tranh trực diện với xoài Mexico hay không. Trong một số hoàn cảnh, mình sẽ không đánh về số lượng nữa mà chuyển sang chú trọng những trái cây đặc sản có giá trị xuất khẩu lớn để ghi điểm thêm cho trái cây Việt”, ông Tùng chia sẻ.

Với triết lý kinh doanh “san sẻ lợi nhuận” cùng những chiến lược bài bản, tin rằng, Vina T&T sẽ tiếp tục những bước chân thần tốc và ghi điểm cho trái cây Việt trên thị trường thế giới.

Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc sẽ tăng mạnh dịp Tết Nguyên đán 2018
Với nhu cầu tăng tiêu thụ trái cây nhiệt đới vào các dịp nghỉ lễ, tết cuối năm, dự kiến xuất khẩu trái cây nước ta sang Trung Quốc tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư