Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngành dầu khí lo đường xa
Thanh Hương - 18/01/2018 10:32
 
Gia tăng trữ lượng dầu khí chỉ đạt 4 triệu tấn trong năm 2017, thấp xa so với kế hoạch năm đặt ra là 10 - 15 triệu tấn, khiến chính lãnh đạo PVN phải trăn trở.

Ít công trình khai thác mới

Năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ đạt chỉ tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí là 4 triệu tấn quy đổi. Trước đó năm 2016, chỉ tiêu này đạt 16,66 triệu tấn.

Con số đạt được về gia tăng trữ lượng dầu khí của năm 2017 bỏ cách khá xa so với mục tiêu 10 - 15 triệu tấn được đặt ra trong kế hoạch năm. Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu Chiến lược phát triển ngành đề ra ở trong nước là 20 - 30 triệu tấn/năm và ở nước ngoài là 8 -12 triệu tấn/năm (tổng cộng là 28 - 42 triệu tấn/năm), thì khoảng cách còn bị kéo dãn khá lớn.

Người lao động trên giàn điều khiển trung tâm mỏ Sư  Tử  Vàng.
Người lao động trên giàn điều khiển trung tâm mỏ Sư Tử Vàng.

Ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Phó tổng giám đốc PVN cho hay, trữ lượng hiện tại đang có là kết tinh thành quả của bao nhiêu năm qua, nếu nay không làm ra được nữa cho hôm sau, thì đó là lỗi lớn.

Đáng nói là tìm kiếm dầu khí là khâu đầu tiên của chuỗi dây chuyền tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí và kết quả đạt được ở khâu này sẽ quyết định đến sự phát triển bền vững của PVN lẫn quy mô, chất lượng phát triển các lĩnh vực vệ tinh khác như công nghiệp khí, lọc hóa dầu, sản xuất điện, dịch vụ  cũng là đầu vào cho hàng loạt khâu sau của ngành dầu khí.

“Tất cả phải bắt đầu từ tìm kiếm thăm dò. Thiếu thăm dò sẽ thiếu trữ lượng mỏ, không đủ dầu cung cấp cho các nhà máy lọc dầu, không cung cấp được khí, nguyên liệu cho các nhà máy phân đạm, đặc biệt là không có công ăn việc làm”, ông Lâm nhận xét.

Nỗi lo của lãnh đạo PVN không phải là quá xa khi có thực tế một số mỏ đã khai thác trong thời gian dài và hiện tại đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên. Cạnh đó, số lượng giếng khoan mới rất ít cũng tác động tới việc khai thác ở khâu sau.

Chia sẻ thực tế này, ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP) cho hay, mỏ Bạch Hổ đã vào giai đoạn suy kiệt sau khi đã khai thác được 180 triệu tấn dầu. Dự báo, hiện chỉ còn khoảng 10 triệu tấn dầu và thời gian khai thác khoảng 4 - 5 năm.

“Năm 2017 là năm gia tăng trữ lượng dầu khí thấp nhất từ trước đến nay. Năm 2018, PVN giao cho VSP khoan tìm kiếm thăm dò 10 giếng khoan, gấp 2,5 lần so với con số 4 giếng của năm 2017. Nếu không tăng tìm kiếm thăm dò, sẽ không có sản lượng cho những năm về sau”, ông Nghĩa nói.

Cũng có một thực tế được lãnh đạo VSP cũng như PVN nhận thấy là các phát hiện dầu khí giai đoạn gần đây có trữ lượng nhỏ.

Cũng bởi trữ lượng thấp, trong điều kiện giá dầu cũng thấp nên hiệu quả kinh tế không cao, khiến số lượng công trình khai thác mới được vào để bổ sung sản lượng khai thác rất ít. Theo PVN, trong 2 năm 2016 và 2017, chỉ có 2 mỏ/công trình mới vào khai thác là mỏ Thiên Ưng và giàn Thỏ Trắng 3 thuộc mỏ Thỏ Trắng.

Nỗi lo đầu tư

Khai thác dầu thô năm 2017 đạt sản lượng 15,52 triệu tấn dầu - vượt 1,32 triệu tấn so với kế hoạch Chính phủ giao đầu năm và nếu xét theo kế hoạch được Chính phủ giao bổ sung thì khai thác dầu vẫn vượt 318.000 tấn.

Đóng góp của dầu thô trong phát triển kinh tế đất nước đã nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định khi nhận xét, mỗi 1 triệu tấn dầu đóng góp khoảng 0,25% GDP. Bởi vậy, gánh nặng trên vai ngành dầu khí trong việc tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí càng nặng hơn.

Theo ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc PVN, trước đây hàng năm, PVN khoan 30 - 40 giếng thăm dò, chi phí tốn từ 2 - 2,5 tỷ USD, gia tăng được 35 - 40 triệu tấn quy dầu. Thế nhưng, từ năm 2015 trở lại đây, đầu tư của ta và nước ngoài chỉ đâu đó ở mức 400 - 500 triệu USD cho tìm kiếm thăm dò, giảm 5 lần so với trước. “Hậu quả là trữ lượng gia tăng hàng năm giảm mạnh, năm 2017 chỉ đạt 4 triệu tấn dầu - thấp nhất lịch sử”, ông Sơn lo ngại.

Năm 2017, giá trị thực hiện đầu tư của PVN đạt 39.200 tỷ đồng, bằng 49% kế hoạch năm. Giá trị đầu tư thấp hơn được lý giải bởi nhiều dự án trọng điểm của PVN đều bị chậm.

Điển hình tiến độ vận hành thử Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn không đạt như kế hoạch đặt ra và hiện có thể bị chậm 1 năm so với kế hoạch ban đầu. Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam hay các dự án điện của PVN là chủ đầu tư, đều chậm tiến độ.

Với 5 dự án yếu kém của ngành trong số 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương, các công việc xử lý tồn tại để khởi động lại hay cho phá sản vẫn chỉ dừng lại trên giấy.

Dẫu vậy, PVN cũng rất kỳ vọng, sau Điều lệ của Tập đoàn mới đây, Quy chế tài chính của PVN cũng được phê duyệt nhanh và tạo thêm đòn bẩy để triển khai nhiều hoạt động đầu tư.

Thủ tướng yêu cầu PVN tập trung triển khai các dự án mới và giải quyết dứt điểm 5 đại dự án
Sáng nay (3/1), tại lễ trao quyết định bổ nhiệm ông Trần Sỹ Thanh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Thủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư