Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Ám ảnh nỗi lo bị lấy mất thương hiệu
Ngân Nguyễn - 31/03/2024 14:45
 
Chỉ cần một sơ suất nhỏ, doanh nghiệp dễ dàng bị lấy mất thương hiệu của mình trên thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Lâm Viên, CEO Vinamit từng bị đối tác Trung Quốc đăng ký mất thương hiệu
Ông Nguyễn Lâm Viên, CEO Vinamit từng bị đối tác Trung Quốc đăng ký mất thương hiệu

Khi đối tác nổi lòng tham

Bị lấy mất thương hiệu là câu chuyện không chỉ xảy ra với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà ngay cả những doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng từng gặp phải.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về sự cố từng suýt bị một doanh nghiệp Trung Quốc lấy mất thương hiệu, ông Nguyễn Lâm Viên, CEO Vinamit cho biết, doanh nghiệp Trung Quốc này chính là đối tác, nhà phân phối của Vinamit tại thị trường tỷ dân này.

“Khi ấy, thương hiệu Vinamit và Công ty Đức Thành (tên doanh nghiệp Vinamit đăng ký tại Trung Quốc) đã có danh tiếng nhất định tại thị trường Trung Quốc, vì vậy, họ muốn quay ngược lại kiểm soát chúng tôi”, ông Viên nói.

Nếu không lấy lại được thương hiệu, Vinamit sẽ phải bỏ toàn bộ sản phẩm của mình trên các kệ hàng tại Trung Quốc xuống. Đồng thời, doanh nghiệp đã đăng ký trước thương hiệu của Vinamit có thể sản xuất hàng giả, đưa ra thị trường với thương hiệu của Vinamit, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với thương hiệu cà phê trái cây Meet More của doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận.

Nhớ lại về hành trình giành lại thương hiệu của chính mình, ông Luận hình dung bằng từ ám ảnh: “Tôi vẫn nhớ như in những ngày mà thương hiệu cà phê của mình suýt bị rơi vào tay của một doanh nghiệp tại Hàn Quốc”.

Theo ông Nguyễn Trung Dũng, CEO Dh Foods, phí đăng ký sở hữu thương hiệu quốc tế thường tốn từ vài trăm tới 2.000 euro. Doanh nghiệp cũng có thể đăng ký nhãn hiệu qua hệ thống Madrid với hơn 30 quốc gia thì giá thành rất rẻ. Nếu thị trường nào yêu cầu đăng ký riêng thì mới phải tuân theo.

Cụ thể, năm 2018, khi cà phê Meet More xuất khẩu những container đầu tiên vào thị trường này, doanh nghiệp đã sơ suất, chưa nghĩ tới việc đăng ký thương hiệu tại đây. Tới năm 2019, Meet More nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Hàn Quốc, thì bất ngờ nhận được câu trả lời rằng, thương hiệu đã được đăng ký trước đó, sử dụng chính logo của Meet More.

Đơn vị đã đăng ký cũng là nhà phân phối, đối tác của Meet More tại thị trường Hàn Quốc.

“Khi tôi trao đổi lại, họ nói rằng, do chúng tôi chưa đăng ký nên họ đăng ký trước để giữ thương hiệu cho chúng tôi, nhưng lại không có bất kỳ việc xin ý kiến hay trao đổi nào trước”, CEO Meet More nói.

Bên cạnh trường hợp này, doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận chia sẻ thêm, vào năm 2023, dù đã có kinh nghiệm, cẩn thận đăng ký bảo hộ thương hiệu ngay khi có dự định tiến vào thị trường Trung Quốc, song lại được thông báo có một doanh nghiệp Trung Quốc khác cũng vừa nộp đơn bảo hộ thương hiệu Meet More trong cùng tháng.

Nói về lần bị giành thương hiệu này, CEO Meet More cho biết, đối phương là một doanh nghiệp chuyên tìm kiếm những thương hiệu có xu hướng phát triển tốt trên thế giới, sau đó chủ động đăng ký thương hiệu trước. Từ đó, những doanh nghiệp đã bị đăng ký thương hiệu như Meet More khi vào thị trường Trung Quốc sẽ phải mua lại thương hiệu của chính mình với giá cao.

“Trung Quốc là một thị trường lớn, nếu đã xuất khẩu thì không lý do gì để bỏ qua thị trường này. Bởi thế, các doanh nghiệp dù chưa xuất khẩu, nhưng cũng nên tính trước đến việc đăng ký thương hiệu tại đây”, ông Luận cho hay.

Giành giật thương hiệu của chính mình

Nói về hành trình lấy lại thương hiệu, ông Nguyễn Lâm Viên kể, để mua lại thương hiệu từ bên đã đăng ký là rất khó và tốn rất nhiều tiền, bởi bản thân doanh nghiệp Trung Quốc kia đã là đối tác của Vinamit, có sự hiểu biết về doanh thu, khả năng phát triển của thương hiệu.

“Theo pháp luật về thương hiệu của Trung Quốc, nếu chứng minh được người đã đăng ký thương hiệu có quan hệ, giao thương với doanh nghiệp chúng tôi, biết được tiềm năng thị trường của sản phẩm, thì chúng tôi có thể lấy lại thương hiệu của mình”, CEO Vinamit chia sẻ.

Sau khi tìm hiểu, ông chủ Vinamit được biết, người đứng tên đăng ký thương hiệu là anh ruột của đối tác mà Vinamit đã từng làm việc. Đây là điểm mạnh nhất trong số những lý do để Vinamit đưa ra tòa, lấy lại được thương hiệu của mình tại Trung Quốc.

Cũng từ bài học này, Vinamit luôn cẩn trọng trong việc bảo vệ thương hiệu của mình tại nhiều thị trường xuất khẩu.

“Muốn duy trì lâu dài ở một thị trường, nên thuê một văn phòng luật sư về sở hữu thương hiệu để giúp doanh nghiệp theo dõi, can thiệp các hành vi vi phạm sở hữu thương hiệu”, ông Nguyễn Lâm Viên nêu bài học.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Luận, khi giải quyết trường hợp quyền sở hữu thương hiệu đã bị đăng ký trước tại Hàn Quốc, rất may mắn vì đối phương là đối tác của Meet More, mà trong hợp đồng giao thương có những điều khoản ràng buộc về thương hiệu.

“Bên cạnh việc ngay lập tức gửi thư và bằng chứng để ngăn chặn việc cấp quyền sở hữu thương hiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc, chúng tôi cũng làm việc với đối phương để làm rõ rằng, đây là thương hiệu của chúng tôi, đã được đăng ký ở một số nước trước đó. Nếu họ không chấm dứt hành vi lấy mất thương hiệu của chúng tôi, thì Công ty sẽ buộc phải kiện họ, đồng thời đơn phương chấm dứt hợp đồng vì họ đã vi phạm các điều khoản giao kết”, ông Luận kể.

Với biện pháp có nhu, có cương này, cuối cùng doanh nghiệp Hàn Quốc đã phải đồng ý rút đơn xin bảo hộ thương hiệu, trả lại thương hiệu cà phê trái cây Meet More.

“Nếu đối phương không phải là đối tác, không có hợp đồng ràng buộc, mà là một đơn vị trung lập không liên quan tới Meet More, thì rất có thể chúng tôi đã mất trắng thương hiệu tại đây”, ông Luận nói.

Đối với trường hợp tại Trung Quốc, CEO Meet More cho biết, sau khi tìm hiểu, doanh nghiệp thấy rằng, phía công ty Trung Quốc cũng chỉ vừa mới nộp đơn xin sở hữu thương hiệu gần như cùng thời điểm với Meet More.

Vì vậy, sau khi chứng minh được đây là sản phẩm của doanh nghiệp Việt, đã được đăng ký thương hiệu tại nhiều quốc gia trên thế giới, thì Meet More đã lấy được quyền sở hữu thương hiệu tại Trung Quốc.

Nhìn nhận về vấn đề bảo hộ, sở hữu thương hiệu, ông Nguyễn Ngọc Luận cho rằng, lượng thông tin về việc này cho các doanh nghiệp vẫn còn khá ít. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có bộ phận pháp lý hoàn chỉnh để hỗ trợ vấn đề bản quyền, thương hiệu. Họ cũng lo lắng về chi phí đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường quốc tế.

“Đăng ký thương hiệu tốn khoảng vài ngàn USD. Nhiều doanh nghiệp tiếc khoản tiền này, nhưng không hiểu rằng, nếu thương hiệu bị lấy mất thì sẽ phải tốn gấp nhiều lần con số đó”, ông Luận nhấn mạnh.

Ra mắt thương hiệu tài chính Techcombank Aspire dành riêng cho thế hệ “Why not?”
Ngày 15/8, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) chính thức ra mắt Techcombank Aspire, thương hiệu tài chính đầu tiên dành riêng cho thế hệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư