Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 23/5: Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn phức tạp
D.Ngân - 23/05/2023 08:17
 
Trong tuần qua (từ ngày 12 - 19/5), địa bàn Hà Nội ghi nhận 20 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 4 ca so với tuần trước đó).

Diễn biến khó lường

Ngày 22/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trên địa bàn. Trong tuần qua (từ ngày 12 - 19/5), địa bàn Hà Nội ghi nhận 20 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 4 ca so với tuần trước đó), nâng số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 268 ca, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Bệnh nhân phân bố tại 28/30 quận, huyện, thị xã; 147/579 xã, phường, thị trấn.

Trong tuần qua (từ ngày 12 - 19/5), địa bàn Hà Nội ghi nhận 20 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 4 ca so với tuần trước đó).

Điều kiện thời tiết như hiện nay thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sôi và phát triển. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội dự báo nguy cơ xuất hiện sớm các ổ dịch sốt xuất huyết, đặc biệt tại khu vực ổ dịch cũ, xã, phường có diễn biến dịch hàng năm phức tạp.

Để ngăn chặn sốt xuất huyết bùng phát, Sở Y tế yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền để người dân tự giác thực hiện biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín dụng cụ chứa nước…

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội rà soát, thông báo chỉ số nguy cơ cao về sốt xuất huyết đối với từng quận, huyện, thị xã, khu vực…để có những cảnh báo cho người dân.

Ngay trong tuần này, ngành Y tế tiếp túc tăng cường hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, trong đó tập trung giám sát ổ dịch cũ tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thạch Thất. Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức, thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống sốt xuất huyết.

Năm 2022, toàn thành phố ghi nhận 19.779 ca mắc sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết có xu hướng tăng từ tuần 30; vượt ngưỡng cảnh báo dịch ở tuần 35 và đạt đỉnh dịch vào tuần 44; duy trì ở mức cao và giảm nhanh từ tuần 49.

Bệnh nhân ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã; số mắc khu vực ngoại thành chiếm 53,1%, nhiều hơn ca mắc ở khu vực nội thành chiếm 46,9%.

Bệnh nhân phần lớn điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế tuyến quận, huyện (45%); tuyến tỉnh, thành phố (29%) và tuyến Trung ương (21%); chỉ có 5% bệnh nhân điều trị tại trạm y tế, tại nhà.

Số ca mắc có xu hướng tăng dần từ 0 đến 40 tuổi sau đó có xu hướng giảm dần theo các nhóm tuổi, số ca mắc ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi học sinh và người lao động.

Từ năm 2009 đến 2022, ghi nhận tuýp Dengue 1 và Dengue 2 là chủ yếu, trong đó tuýp Dengue 2 có xu hướng tăng, trong khi tuýp Dengue 1 có xu hướng giảm dần.

Ngoài sốt xuất huyết, từ ngày 12 - 19/5, địa bàn Hà Nội ghi nhận 36 ca mắc tay chân miệng (giảm 10 ca so với tuần trước đó), nâng tổng số ca mắc tay chân miệng từ đầu năm 2023 đến nay lên 588 ca (tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Cũng trong tuần qua, thành phố ghi nhận 49 ca mắc thủy đậu (giảm 5 ca so với tuần trước đó), nâng số ca mắc thủy đậu ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn thành phố lên 1.488 ca (tăng gần 19 lần so với cùng kỳ năm trước).

Thêm ca bệnh nguy kịch do liên cầu khuẩn

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Tiến Dũng, Khoa Hồi sức Nội, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) thông tin, ngày 7/4, cơ sở này đã tiếp nhận người bệnh nữ tên Đ.T.P.N. 40 tuổi, trong tình trạng lâm sàng nguy kịch. Tiền sử người bệnh đau khớp tay, chân và đau lưng nhiều.

Hai ngày trước vào viện xuất hiện, chị mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, đau mạn sườn phải âm ỉ liên tục, có lúc đau quặn thành cơn. Sáng 7/4, người bệnh diễn biến nặng, tự điều trị tại nhà nhưng đến chiều không đỡ. Khoảng 21h cùng ngày, chị vào bệnh viện huyện cấp cứu, phát hiện suy chức năng gan, thận, tụt huyết áp nên được chuyển khoa Hồi sức Nội, Bệnh viện Quân y 103.

Khi vào viện bệnh nhân trong tình trạng sốc nặng, biểu hiện vật vã kích thích, da niêm mạc vàng, xuất huyết dưới da dạng mảng và nốt vùng ngọn chi, ngón cái bàn tay phải có vết thương 1cm đã liền mép nhưng còn sưng màu xanh tím.

Theo bác sĩ Dũng, bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa cấp tính, suy chức năng đa tạng. Các bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân có thể là nhiễm khuẩn vì người bệnh làm nghề giết mổ, bán thịt lợn hoặc ngộ độc thuốc do người bệnh có dùng thuốc nam trước đó. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời.

Ngay lập tức người bệnh được hồi sức hô hấp, tuần hoàn, lọc máu liên tục. Trong quá trình cấp cứu điều trị và tầm soát căn nguyên, các bác sĩ nhận thấy người bệnh có biểu hiện viêm do nhiễm khuẩn kèm theo có ban xuất huyết dưới da tay chân, vàng da, tan máu. Kết quả xét nghiệm cũng chứng tỏ chị bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Bệnh nhân được điều trị 7 lần lọc máu liên tục, cùng với phác đồ kháng sinh mạnh và nhiều phương pháp khác. Sau 28 ngày điều trị, người phụ nữ này tiến triển tốt và đã xuất viện.

Bác sĩ Dũng cho biết bệnh liên cầu lợn được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới đặc biệt là những vùng có chăn nuôi lợn. Thế giới đã ghi nhận hàng trăm ca nhiễm với tỷ lệ tử vong cao 17,5%. Ở Việt Nam, ca nhiễm đầu tiên vào năm 2003, sau đó được phát hiện ở nhiều nơi và ở tất cả các vùng miền trên toàn quốc.

Bệnh có thể lây truyền qua người tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương, trầy xước trên da đồng thời qua người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn chưa được nấu chín thịt luộc tái, lòng lợn và nội tạng trần, tiết canh, nem chạo, nem chua…

Vì vậy, thói quen ăn tiết canh và những món ăn tái sống chưa được chế biến chín tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhiễm liên cầu lợn. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.

WHO hy vọng đạt thỏa thuận lịch sử về an ninh y tế toàn cầu

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra thông báo cho biết 2023 là năm kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức này, theo đó kỳ họp WHA lần thứ 76 sẽ xem xét dự thảo ngân sách trong 2 năm tới, các quyết định quan trọng về tài chính bền vững và những thay đổi để cải thiện quy trình và trách nhiệm giải trình của WHO.

Trong bài phát biểu qua video gửi tới lễ khai mạc kỳ họp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đã làm đình trệ và thậm chí đảo ngược những tiến bộ trong lĩnh vực y tế công cộng, có nguy cơ làm xói mòn những thành tựu to lớn đã đạt được trong những thập kỷ qua và làm thụt lùi các Mục tiêu phát triển bền vững. Ông Guterres kêu gọi thế giới hỗ trợ WHO đạt được tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất cho tất cả mọi người.

Phát biểu khai mạc kỳ họp WHA lần thứ 76, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhắc lại những thành tựu quan trọng mà tổ chức này đã đạt được trong 75 năm qua.

Kể từ khi WHO ra đời, sức khỏe của con người đã được nâng cao đáng kể, đồng thời cho biết tuổi thọ toàn cầu đã tăng 50%, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm 60% và bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ. Ông nhấn mạnh WHO phải đối mặt với những thách thức phức tạp khi kỳ vọng của thế giới đối với tổ chức này đã tăng lên rất nhiều.

Người đứng đầu WHO cho biết, các quốc gia thành viên của WHO đã bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận quốc tế nhằm đảm bảo thế giới được trang bị tốt hơn để ngăn chặn hoặc ứng phó hiệu quả hơn trong trường hợp xảy ra đại dịch bệnh khác trong tương lai.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, đó phải là thỏa thuận lịch sử đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận đối với an ninh y tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng Covid-19.

Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus s, hiện quá trình đàm phán thỏa thuận này vẫn đang ở giai đoạn đầu nhưng mục tiêu là đạt được kết quả vào thời điểm diễn ra kỳ họp WHA tiếp theo vào tháng 5 năm sau.

Nguy hiểm tính mạng vì liên cầu khuẩn
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, vừa qua, các bác sĩ bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 2 trường hợp bệnh nhân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư