Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua:
80 triệu USD vốn FDI vào Đà Nẵng, thu hút 1,5 tỷ USD vào Quảng Bình
Hạnh Nguyên (tổng hợp) - 27/06/2020 08:31
 
Dưới đây là những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Đề xuất dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao nghìn tỷ tại Gia Lai

Đại diện 2 nhà đầu tư là Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn vừa đề xuất UBND tỉnh Gia Lai đầu tư dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai.

Theo đó, dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai, có tổng số vốn đầu tư dự kiến 1.030 tỷ đồng, quy mô từ 50 đến 100 ha. Trong đó, khu trang trại chăn nuôi 2.500 heo giống được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan.

Dự án thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi liên kết khép kín gồm: Chọn lọc, sản xuất heo giống; giết mổ heo; sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sản xuất phân bón hữu cơ, thương mại hóa sản phẩm chăn nuôi có chất lượng và xuất khẩu ra Đông Nam Á, đồng thời hướng đến xây dựng quy hoạch thí điểm “vùng an toàn dịch bệnh".

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai cho biết, hiện nay nhà đầu tư đang khảo sát vị trí để đầu tư dự án tại một số khu vực tại huyện Chư Sê, Chư Prông…cũng như đề nghị tỉnh Gia Lai giới thiệu thêm một số vị trí cụ thể khác để tham khảo và nghiên cứu. Do đó, vị trí cụ thể để đầu tư dự án đến thời điểm này vẫn chưa được xác định.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành cho biết, tỉnh hoan nghênh nhà đầu tư đã đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Gia Lai cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính giúp các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư và gắn bó lâu dài với tỉnh.

Chủ tịch Võ Ngọc Thành cũng hy vọng khi dự án này được triển khai những người dân khu vực xung quanh sẽ được hưởng lợi ích tốt nhất.

Làm rõ phương án tài chính đầu tư sân bay Sa Pa

Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành khuyến nghị UBND tỉnh Lào Cai cần có phương án đảm bảo tính khả thi tài chính cho Dự án PPP cảng hàng không Sa Pa.

Theo Quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt CHK Sa Pa có cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, công suất 3 triệu hành khách/năm, 9 vị trí đỗ tàu bay.
Theo Quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt CHK Sa Pa có cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, công suất 3 triệu hành khách/năm, 9 vị trí đỗ tàu bay.

Theo Quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt CHK Sa Pa có cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, công suất 3 triệu hành khách/năm, 9 vị trí đỗ tàu bay.

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ để tham gia ý kiến đối với chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Theo Bộ GTVT, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức lập và hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cảng hàng không (CHK) Sa Pa và đề xuất đầu tư theo hình thức PPP loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư khoảng 4.194 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh Lào Cai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tham gia vốn góp khoảng 1.196 tỷ đồng (28,5%).

Dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 dành cho Bộ GTVT có hạn, trong khi nhiệm vụ đầu tư phát triển GTVT trong giai đoạn 2021-2025 là rất lớn, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án đường cao tốc, các dự án liên kết vùng… nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trong thời gian tới.

“Do đó, việc UBND tỉnh Lào Cai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án CHK Sa Pa theo hình thức PPP, có sự tham gia vốn góp từ ngân sách địa phương sẽ giúp Dự án triển khai khả thi và góp phần làm giảm áp lực lên ngân sách nhà nước”, công văn do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ.

Được biết, theo Quy hoạch CHK Sa Pa giai đoạn đến năm 2030 được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2108/QĐ-BGTVT ngày 7/11/2019, CHK Sa Pa có cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, công suất 3 triệu hành khách/năm, 9 vị trí đỗ tàu bay.

Hiện nay, Tư vấn đề xuất phân kỳ đầu tư các công trình như: Đầu tư nhà ga hành khách công suất 1,5 triệu hành khách/năm (có khả năng mở rộng lên 3 triệu hành khách/năm), chưa đầu tư đoạn đường lăn song song và các đoạn đường lăn chờ của các đường lăn nối, đường lăn thoát nhanh, 5 vị trí đỗ tàu bay, phân kỳ đầu tư hệ thống giao thông và sân đỗ ô tô, chưa đầu tư cầu cạn, phân kỳ san nền khu vực phía Tây nhà ga hành khách... Với cảng hàng không mới, việc phân kỳ đầu tư là cần thiết giúp đảm bảo hiệu quả đầu tư khi mới hình thành thị trường.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng việc phân kỳ san nền khu vực phía Tây nhà ga hành khách sẽ rất khó khăn khi đầu tư mở rộng sau này vì phải nổ mìn phá đá, ảnh hưởng đến hoạt động và an toàn của cảng hàng không sau này. Do đó, Bộ GTVT đề nghị Tư vấn phân tích làm rõ đề xuất này, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện, giảm thiểu tác động đến hoạt động khai thác của Cảng.

Bộ GTVT lưu ý UBND tỉnh Lào Cai việc dòng tiền 8 năm đầu bị âm, tức là không đủ để trả lãi vay và gốc khoản vay. Do vậy, Bộ GTVT đề nghị rà soát tỷ lệ vốn chủ sở hữu hoặc vốn góp của địa phương để đảm bảo tính khả thi của dự án. Ngoài ra, theo tính toán của Tư vấn, dự kiến đến năm 2035 sẽ thực hiện đầu tư nâng công suất lên 3 triệu hành khách/năm bằng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư mà không dùng vốn vay.

Australia hỗ trợ Việt Nam 5 triệu AUD phục hồi kinh tế

Khoản vốn bổ sung này sẽ giải quyết tình trạng thâm hụt vốn nhân lực, đẩy nhanh các khoản đầu tư nhằm đẩy mạnh hội nhập thương mại, hỗ trợ khu vực tư nhân.

Nhóm Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Australia vừa thống nhất mở rộng hợp tác chiến lược tại Việt Nam với khoản hỗ trợ bổ sung trị giá 5 triệu dollar Australia (AUD) nhằm hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế và cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Đây là khoản tài chính từ Chính phủ Australia, được Nhóm Ngân hàng Thế giới quản lý và bổ sung cho Chương trình Hợp tác Chiến lược Chính phủ Australia - Nhóm Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2 (ABP2) nhằm hỗ trợ chương trình phát triển của Việt Nam thông qua chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn chính sách.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, khoản hỗ trợ bổ sung này sẽ góp phần giải quyết những thách thức trước mắt và các nhu cầu quan trọng của Việt Nam trong giai đoạn hậu COVID-19.

Thông qua hỗ trợ cho các lĩnh vực quan trọng như phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập thương mại, đổi mới sáng tạo, Chương trình đặt mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam khôi phục tiềm năng theo cách thức nhanh chóng và bền vững nhất.

Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết, chương trình này sẽ tiếp tục cung cấp tư vấn và phân tích chính sách kinh tế tầm cỡ quốc tế cho các nhà lãnh đạo và hoạch đính chính sách Việt Nam để đẩy nhanh tiến trình hồi phục nền kinh tế, trong đó đẩy mạnh tập trung vào vấn đề bình đẳng giới và bảo trợ xã hội.

Để giải quyết tình trạng thâm hụt vốn nhân lực cho đại dịch COVID-19, khoản vốn bổ sung này sẽ giúp bảo vệ và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, thông qua cải thiện an sinh xã hội bằng cách nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí trong chi trả trợ cấp xã hội, thu hẹp khoảng cách vốn nhân lực, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua chương trình mục tiêu quốc gia dành cho đồng bào dân tộc thiểu số được thiết kế hiệu quả, và cải thiện bình đẳng giới trong các quy định pháp luật.

Khoản vốn bổ sung cũng sẽ nhắm tới các hoạt động phục hồi kinh tế, bao gồm đẩy nhanh các khoản đầu tư nhằm đẩy mạnh hội nhập thương mại, hỗ trợ khu vực tư nhân nâng cao khả năng kháng cự trước các cú sốc trong tương lai thông qua cải cách cơ cấu, và tận dụng kỹ thuật số nhằm giảm chi phí giao dịch cho chính phủ, người dân và doanh nghiệp.

Hoạt động này là một phần của cam kết 10,5 triệu AUD từ Chính phủ Australia cho nỗ lực phục hồi sau COVID-19 của Việt Nam, đã được bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia thảo luận với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vào ngày 5/6/2020.

Được ký kết từ tháng 4/2017, chương trình ABP2 có mục tiêu hỗ trợ các chương trình cải cách trọng tâm của Việt Nam, với mong muốn tạo ra ảnh hưởng tích cực cho hàng triệu người dân Việt Nam và hỗ trợ quốc gia này đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Bình Định đề xuất dự án phát triển đô thị ven biển từ nguồn vốn AFD

UBND tỉnh Bình Định có văn bản trình các Bộ ngành trung ương, đề xuất dự án phát triển đô thị ven biển TX Hoài Nhơn, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).

Đây là dự án đề xuất nằm trong Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ và Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 – 2020.

Khu vực Tam Quan, Hoài Nhơn
Khu vực Tam Quan, Hoài Nhơn

Theo đó,  UBND tỉnh này đã báo cáo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng về đề xuất dự án đầu tư “Phát triển đô thị ven biển miền Trung hướng tới tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu tại TX Hoài Nhơn”, từ nguồn vốn vay ưu đãi của AFD. Dự kiến dự án có tổng vốn hơn 874 tỷ đồng (tương đương 34,6 triệu EURO); trong đó vốn đối ứng dự kiến hơn 264 tỷ đồng (tương đương 10,48 triệu EURO).

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 - 2024, với mục tiêu từng bước hoàn thiện và đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật của đô thị Hoài Nhơn, đảm bảo khả năng thích ứng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; bổ sung độ bao phủ xanh và tăng không gian công cộng cho người dân đô thị được lồng ghép trong phát triển hạ tầng kỹ thuật. Tạo dựng năng lực phát triển mạnh mẽ hơn cho TX Hoài Nhơn và định hướng quản lý, sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên đất đai của đô thị thông qua các hoạt động nâng cao năng lực cho cơ quan, đơn vị có liên quan của thị xã nhằm thực hiện, khai thác, sử dụng dự án một cách hiệu quả, bền vững.

Theo ông Cao Thanh Thương, Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn cho hay, tháng 4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về thành lập thị xã Hoài Nhơn. Theo đó, thị xã Hoài Nhơn được thành lập trên cơ sở toàn bộ 420,84 km2 diện tích tự nhiên và dân số 212.063 người. Thị xã Hoài Nhơn gồm có 11 phường gồm Bồng Sơn, phường Tam Quan, phường Tam Quan Bắc, phường Tam Quan Nam, phường Hoài Hảo, phường Hoài Thanh Tây, phường Hoài Thanh, phường Hoài Hương, phường Hoài Tân, phường Hoài Xuân, phường Hoài Đức. Cùng 6 xã: Hoài Sơn, Hoài Châu Bắc, Hoài Châu, Hoài Phú, Hoài Hải, Hoài Mỹ.

Doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình được hưởng 6 chính sách ưu đãi, hỗ trợ

HĐND tỉnh Thái Bình đã có Nghị quyết ban hành Quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình, giai đoạn từ năm 2020 - 2030.

Khu kinh tế Thái Bình có diện tích tự nhiên gần 31.000 ha trên địa bàn 30 xã, 1 thị trấn của hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Trong số các khu kinh tế ven biển dọc đất nước, Khu kinh tế Thái Bình có nhiều tiềm năng, thế mạnh hấp dẫn.

Về vị trí, Khu kinh tế Thái Bình nằm ở gần các đầu mối giao thông quan trọng của vùng, cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) 40km, cảng biển Hải Phòng 30km và tiếp cận trực tiếp hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy nội địa của quốc gia. Ngoài ra, Khu kinh tế Thái Bình còn nằm trong vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Để thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư, Thái Bình đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cụ thể hóa các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư; có cơ chế đặc thù để khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi cho một số doanh nghiệp tầm cỡ lớn phát triển thành doanh nghiệp đầu tàu, hoạt động đa lĩnh vực, có quy mô khu vực và quốc tế để tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt các doanh nghiệp khác phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đào tạo lao động ở các trình độ; nghiên cứu, đề xuất chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia.

HĐND tỉnh Thái Bình đã có Nghị quyết ban hành Quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình, giai đoạn từ năm 2020 - 2030.

Theo đó, các doanh nghiệp có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng trong Khu kinh tế thuộc các nhóm ngành, nghề khuyến khích đầu tư của tỉnh sẽ được hưởng 6 chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư như: chính sách ưu đãi về đất đai; hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào; hỗ trợ san lấp mặt bằng; hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN, CCN; hỗ trợ đào tạo lao động; hỗ trợ thủ tục hành chính.

Các nhóm ngành nghề được tỉnh khuyến khích đầu tư vào Khu kinh tế gồm: các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, CCN và hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN, CCN; các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp có quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, ít gây tác hại đến môi trường; các dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ; các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

6 chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình:

Chính sách ưu đãi về đất đai

Chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào

Chính sách hỗ trợ san lấp mặt bằng

Chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN, CCN.

Chính sách hỗ trợ đào tạo lao động

Chính sách hỗ trợ thủ tục hành chính

Hà Nội sẽ trao quyết định đầu tư cho 118 dự án, tổng vốn hơn 340.000 tỷ đồng

Tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, diễn ra ngày 27/6, Hà Nội sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư cho 116 dự án với tổng vốn đầu tư 339.670 tỷ đồng.

Đó là thông tin được công bố tại buổi họp báo Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác Đầu tư và Phát triển” diễn ra chiều 23/6.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội cho biết, Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác Đầu tư và Phát triển” có sự tham gia của 1.850 đại biểu, hơn 1.200 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Ảnh: Hồ Hạ.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội cho biết, Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác Đầu tư và Phát triển” có sự tham gia của 1.850 đại biểu, hơn 1.200 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Ảnh: Hồ Hạ.

Tại buổi Họp báo ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội cho biết, Hội nghị là cơ hội thể hiện sự gắn kết giữa chính quyền Thành phố, lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị với các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) cũng như với các đơn vị, tổ chức làm chức năng cầu nối, đưa nhà đầu tư, DN đến với Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hội nghị dự kiến có sự tham gia của 1.850 đại biểu, chào đón hơn 1.200 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, trong đó có nhiều DN tham dự để nhận quyết định chủ trương đầu tư dự án hoặc đề xuất đầu tư dự án mới trên địa bàn.

Tại Hội nghị, TP Hà Nội sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư cho 116 dự án với tổng vốn đầu tư 339.670 tỷ đồng (tương đương 15,5 tỷ USD) với số vốn tăng thêm trên 266.229 tỷ đồng (tương đương 12 tỷ USD).

Theo kế hoạch, lãnh đạo TP sẽ ký 36 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư với tổng giá trị 26,079 tỷ USD, trong đó có 23 MOU của các DN trong nước (17,855 tỷ USD) và 13 MOU của DN đầu tư nước ngoài (8,224 tỷ USD).

UBND TP Hà Nội cũng công bố tại hội nghị Danh mục 282 dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư với tổng số vốn 483,1 nghìn tỷ đồng (tương ứng 21,66 tỷ USD), trong 8 lĩnh vực đầu tư cụ thể gồm: 151 dự án công nghiệp, thương mại, dịch vụ; 34 dự án hạ tầng kỹ thuật; 45 dự án hạ tầng xã hội; 9 dự án môi trường; 13 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; 10 dự án phát triển nhà ở; 15 dự án nông nghiệp; 5 dự án phát triển đô thị trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân - Nội Bài).

Nhấn mạnh tại Họp báo, ông Nguyễn Văn Sửu cho biết, TP tổ chức Hội nghị sau khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi sẽ là thông điệp mạnh mẽ của Hà Nội trong kiên trì thực hiện chỉ đạo của Trung ương về thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Qua Hội nghị, TP Hà Nội tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh trong năm 2020. Đây cũng là giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 (tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2020 ở mức 285.000 tỷ đồng).

Quảng Bình đặt mục tiêu thu hút hơn 1,5 tỷ USD trong 10 năm tới

Tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu sẽ thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 0,6 - 0,8 tỷ USD giai đoạn 2021-2025; và khoảng 1 – 1,2 tỷ USD giai đoạn 2026-2030.

Du lịch là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong việc thu hút đầu tư FDI của Quảng Bình.
Du lịch là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong việc thu hút đầu tư FDI của Quảng Bình.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết, UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành kế hoạch Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ về Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình, mục tiêu của kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thu hút, quản lý đối với hoạt động FDI trên địa bàn tỉnh. Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh, tạo môi trường thu hút đầu tư mạnh mẽ.

Kế hoạch cũng đặt mục tiêu cụ thể đó là trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Bình sẽ thu hút vốn đầu tư FDI khoảng 0,6 - 0,8 tỷ USD; giai đoạn 2026-2030 khoảng 1,0 – 1,2 tỷ USD. Đến năm 2030, Quảng Bình sẽ thu hút được các dự án FDI có quy mô lớn vào các ngành đột phá, trụ cột của tỉnh, trọng tâm là các lĩnh vực năng lượng tái tạo; du lịch, dịch vụ; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết, các biện pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra tại kế hoạch bao gồm, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. Trong đó rà soát, xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư nước ngoài; lựa chọn, ưu tiêu thu hút đầu tư các dự án mà tỉnh có tiềm năng, thế mạnh, phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư tiềm năng.

Cùng với đó là nâng cao năng lực thực hiện quản lý, giám sát đầu tư. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Rà soát và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư theo hướng tinh gọn, đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ và giỏi ngoại ngữ. Kết hợp xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và du lịch một cách linh hoạt, phù hợp với yêu cầu và đặc thù của tỉnh. Chủ động xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, gắn với các tiêu chí hợp tác đầu tư mới.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang cho biết, để hoàn thành mục tiêu, trong thời gian tới, chính quyền Quảng Bình sẽ tăng cường cơ chế đối thoại, đổi mới, mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư. Xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư đang thực hiện. Đi kèm với đó là thực hiện công tác quản lý, triển khai dự án đầu tư, đảm bảo hiện quả kinh tế xã hội môi trường, phù hợp quy hoạch, theo đúng các tiêu chí lựa chọn, sàng lọc dự án…; Thực hiện đúng quy định và đảm bảo chặt chẽ các thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư nước ngoài. Rà soát, xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện đúng cam kết. Đặc biệt là phòng ngừa, giải quyết sớm, có hiệu quả các tranh chấp liên quan đến đầu tư nước ngoài.

“Hiện nay UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương để xây dựng diễn đàn tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách của doanh nghiệp và người dân. Định kỳ hàng năm, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao về UBND tỉnh thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/12 để tổng hợp báo cáo theo quy định”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang cho biết.

Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng là "quả đấm thép" về hạ tầng cho tỉnh Lạng Sơn

Đây là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đối với việc sớm đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Chiều 22/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn do đồng chí Lâm Thị Phương Thanh Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và một số dự án đầu tư hạ tầng đang triển khai trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong đó ưu tiên hàng đầu là Dự án thành phần 2 – xây dựng đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc Dự án BOT đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.

https://media.baodautu.vn/Images/anhminh/2020/06/22/bo_truong.jpg

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Lâm Thị Phương Thanh phát biểu tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Lâm Thị Phương Thanh phát biểu tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng Dự án thành phần 2 đoạn Chi Lăng – Hữu Nghị là công trình quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lạng Sơn và kết nối liên vùng, phục vụ xuất khẩu nông sản cho cả nước với thị trường Trung Quốc.

Do đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đồng ý với phương án do UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất là triển khai Dự án đến Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị với quy mô và tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng. Hiện Bộ Kế hoạch và đầu tư đang tham mưu cho Chính phủ đưa Dự án này vào danh mục các dự án trọng điểm quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020 – 2025 để hỗ trợ tỉnh thực hiện Dự án.

“Đây là công trình bắt buộc phải làm và làm sớm không phải cho Lạng Sơn mà còn phục vụ cho giao thông cả nước, phục vụ cho cả nền kinh tế chứ không phải phục vụ cho Lạng Sơn. Với tính chất cấp bách, quan trọng như vậy Dự án này có thể xếp vào trong số những việc đó, xếp vào nguồn thành quả đấm thép cho tỉnh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến phương án phân kỳ đầu tư Dự án, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cần chọn phương án mà ngân sách tỉnh và nhà đầu tư cũng phải bỏ ra ít nhất, nhà nước cũng chỉ phải hỗ trợ ít nhất nhưng vẫn đạt được mục tiêu là sớm thông được 43 km cao tốc từ Chi Lăng lên cửa khẩu Hữu Nghị.

Theo ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 4327/VPCP-CN ngày 1/6/2020 của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành và bổ sung thêm phương án phân kỳ quy mô đầu tư (ngoài 2 phương án tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất trước đó) theo đề nghị của Bộ GTVT.

Cụ thể, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ thực hiện GPMB  và đầu tư nền đường, công trình trên tuyến theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 22m; mặt đường phân kỳ đầu tư thành 2 đoạn.

Trong đó, đoạn từ Km44+750 (Chi Lăng) - Km17+420 (nút giao với Quốc lộ 4B thuộc thành phố Lạng Sơn), dài 27,3km, quy mô xây dựng 4 làn xe, bề rộng mặt đường 16 m; đoạn từ Km17+420 (thành phố Lạng Sơn) - Km1+800 (cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị), dài 15,7km, quy mô xây dựng 2 làn xe, bề rộng mặt đường 12,5m. Với phương án phân kỳ như trên, tổng mức đầu tư Dự án còn khoảng 7.609 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư BOT là 1.609 tỷ đồng; vốn vay ngân hàng thương mại là 2.000 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 1.000 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương là 3.000 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn cho Dự án dự kiến khoảng 19 năm 5 tháng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, với phương án đầu tư như trên đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển đường cao tốc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thuận lợi, tiết kiệm chi phí và an toàn trong quá trình khai thác khi thực hiện đầu tư hoàn chỉnh mặt đường, làn dừng xe khẩn cấp ở giai đoạn sau.

Để đảm bảo phương án tài chính, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 với số tiền khoảng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ cho Dự án cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng (Dự án thành phần 2), để tháo gỡ khó khăn, sớm tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng Dự án, nối thông toàn tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đảm bảo hiệu quả đầu tư Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đã khai thác từ đầu năm 2016, đoạn tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Chi Lăng) cũng đã đưa vào vận hành từ ngày 15/1/2020, chính thức thu phí từ ngày 18/2/2020, nhưng còn 30km nữa mới đến thành phố Lạng Sơn, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 43km (thuộc phạm vi đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng). Việc bị “đứt gẫy” nguyên một cung đường như vậy sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và chưa có cơ sở để kết nối và triển khai tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Duyệt quy hoạch chi tiết Trung tâm logistics và dịch vụ hậu cảng tại Vũng Áng

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có Quyết định phê duyệt lập quy hoạch Trung tâm logistics và dịch vụ hậu cảng Sơn Dương theo tỷ lệ 1/500 tại Khu kinh tế Vũng Áng.

Theo Quyết định số 1805/QĐ-UBND do ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký, Hà Tĩnh sẽ sử dụng 159,84ha để lập đồ án quy hoạch chi tiết Trung tâm logistics và dịch vụ hậu cảng Sơn Dương theo tỷ lệ 1/500.

Mục tiêu cụ thể hóa đồ án Quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh đến năm 2035 hình thành một Trung tâm logistics phía sau cảng Sơn Dương. Ảnh VH
Mục tiêu cụ thể hóa đồ án Quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh đến năm 2035 hình thành một Trung tâm logistics phía sau cảng Sơn Dương. Ảnh VH

Vị trí lập quy hoạch tại khu phát triển logistics và dịch vụ hậu cảng (lô CN2A) thuộc quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Mục tiêu cụ thể hóa đồ án Quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh đến năm 2035 hình thành một Trung tâm logistics phía sau cảng Sơn Dương, tạo thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng kết nối cụm cảng Sơn Dương - Vũng Áng với các vùng khác.

Đây sẽ là một trung tâm logistics chính của tỉnh, đảm bảo vai trò là Trung tâm logistics phục vụ không chỉ trong phạm vi Hà Tĩnh, khu vực miền Trung mà còn kết nối với hành lang kinh tế Đông - Tây và phục vụ các hoạt động giao thương Quốc tế.

Trung tâm Logistics và Dịch vụ hậu cảng Sơn Dương sẽ là cơ sở để Hà Tĩnh xác định mô hình đầu tư quản lý kinh doanh Trung tâm, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng và khai thác Trung tâm logistics và Dịch vụ hậu cảng Sơn Dương, thúc đẩy hoạt động của cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương, từ đó góp phần phát triển ngành dịch vụ logistics tỉnh Hà Tĩnh và hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển.

Được biết, theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, khu vực cảng biển Hà Tĩnh thuộc nhóm II, trong đó, Sơn Dương - Vũng Áng là cảng chuyên dùng và tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực gồm các bến chức năng. Ngoài ra, Hà Tĩnh còn có hệ thống cảng chuyên dùng, vệ tinh cho cảng chính như: Xuân Hải (công suất 250.000 tấn/năm, trọng tải tàu tối đa cho phép là 2.000 DWT), Cửa Sót, Cửa Hội.

Cảng Vũng Áng nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là 1 trong 5 khu kinh tế ven biển của cả nước.

Cảng Vũng Áng hiện có 6 cầu cảng đang hoạt động, bến cầu cảng số 1 và 2 cảng Vũng Áng được xây dựng, đưa vào khai thác năm 2001 và năm 2010 với tổng công suất thiết kế 1,32 triệu tấn hàng hóa thông qua/năm, cho phép tàu có trọng tải đến 45.000 DWT hoạt động, với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Hà Tĩnh đã thực hiện xã hội hóa đầu tư bến số 3, 4, 5, 6 theo quy hoạch.

Được biết, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai lập các quy hoạch tổng thể để phát triển dịch vụ logistics như đề án Phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, đề án Quy hoạch tổng thể phát triển dịch vụ Logistics tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040.

Hiện nay, theo quy hoạch phát triển cảng, Bộ Giao thông vận tải đã có các quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ (Nhóm 2) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; phê duyệt quy hoạch chi tiết khu bến cảng biển Vũng Áng, Sơn Dương thuộc cảng biển Sơn Dương - Vũng Áng giai đoạn đến năm 2020.

6 tháng, Đà Nẵng thu hút hơn 80 triệu USD vốn FDI

Trong 6 tháng đầu năm 2020, TP.Đà Nẵng đã thu hút hơn 13,2 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, hơn 80,2 triệu USD vốn FDI.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Đà Nẵng cho biết, dù bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố đạt những kết quả tích cực.

https://media.baodautu.vn/Images/hoanganh/2020/06/19/20200602_082452.jpg

Thành phố Đà Nẵng triển khai xây dựng Dự án cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý.
Thành phố Đà Nẵng triển khai xây dựng Dự án cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý.

Theo đó, trong 6 tháng năm 2020, Đà Nẵng đã thu hút hơn 13,2 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, hơn 80,2 triệu USD vốn FDI. Trong đó, vốn đầu tư các dự án ngoài Khu công nghiệp (KCN) đã tăng kỷ lục, chỉ với 4 dự án đã có tổng vốn hơn 10,8 nghìn tỷ đồng, tăng gần 600%. Như vậy, đến nay TP.Đà Nẵng có 337 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 115 ngàn tỷ đồng, 855 dự án FDI với tổng vốn hơn 3,4 tỷ USD.

Theo ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, kết quả trên có được là nhờ thành phố thực hiện tốt việc giải ngân đầu tư công, triển khai thực hiện nhiều dự án hạ tầng động lực. Với hơn 12,4 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công được phê duyệt cho năm 2020, Đà Nẵng đã ban hành hàng loạt chính sách để gỡ vướng về mặt bằng, thủ tục. Một loạt dự án mang tính động lực đã được triển khai như đường và cầu qua sông Cổ Cò, đường vành đai phía Tây 2, dự án cải thiện môi trường nước phía Đông Q. Sơn Trà, nhà máy nước Hòa Liên, dự án cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, Trung tâm phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình Bệnh viện Đà Nẵng...

Thành phố Đà Nẵng cũng đã cấp chứng nhận đầu tư cho Dự án sản xuất cao su tổng hợp chuyên dụng phục vụ cho ngành chế tạo máy, điện, điện tử, Dự án Tư vấn quản lý Table Produce Asia, Công ty TNHH Ubisoft Việt Nam, Trường mầm non Kansei Đà Nẵng.

Hiện TP.Đà Nẵng đang xúc tiến các dự án lớn như Trường liên cấp song ngữ, Trung tâm chẩn đoán và điều trị đa khoa quốc tế, Bệnh viện quốc tế ung thư và hiếm muộn, Khu phức hợp Getaway với vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, Dự án trung tâm mua sắm miễn thuế dưới phố (Downtown Duty Free)... Ngoài ra còn xử lý các vướng mắc về thủ tục giao đất, cho thuê đất liên quan đến dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô; Giãn tiến độ thực hiện dự án Khu đô thị FPT; Dự án Sân gôn Vinacapital Đà Nẵng …

Ông Trần Phước Sơn cho biết, thời gian đến Đà Nẵng sẽ tập trung tổ chức tốt Diễn đàn đầu tư, dự kiến vào tháng 9/2020. Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tuyến, duy trì kết nối với các tổ chức quốc tế như JETRO, KOTRA, AMCHAM, AUSCHAM, SBF, IE Singapore, AHK... nhằm kết nối doanh nghiệp, hợp tác về xúc tiến đầu tư. Định hướng thu hút đầu tư của Đà Nẵng thời gian tới sẽ hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.

Đề xuất xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang, Bến Tre trị giá 5.174 tỷ đồng

Công trình cầu vượt sông Tiền có kết cầu chính dạng dây văng này sẽ được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước.

Bộ GTVT vừa đề nghị Thủ tướng phê  duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Phối cảnh cầu Rạch Miễu 3.
Phối cảnh cầu Rạch Miễu 3.

Cầu Rạch Miễu 2 được xây dựng cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,8 km về phía thượng lưu cầu cũ với điểm đầu giao cắt giữa Quốc lộ 1 với Đường tỉnh 870 thuộc tỉnh Tiền Giang; điểm cuối kết nối với Quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông thuộc tỉnh Bến Tre. Tổng chiều dài nghiên cứu của Dự án khoảng 17,5 km, trong đó cầu Rạch Miễu 2 vượt luồng chính sông Tiền có bề rộng mặt cầu 17,5m đáp ứng quy mô 4 làn xe cơ giới. Dự kiến kết cấu cầu chính dạng dây văng, cầu dẫn dùng nhịp giản đơn.

Tổng mức đầu tư Dự án là 5.175,451 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, GPMB là 705 tỷ đồng, chi phí xây dựng là 3.271,5 tỷ đồng sử dụng 100% vốn ngân sách Trung ương theo Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công, bao gồm:

Hiện Dự án đã được bố trí 9.000 triệu đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ GTVT. Do vậy, Bộ GTVT xác định đây là công trình quan trọng cấp bách của ngành và sẽ ưu tiên cân đối, bố trí phần còn lại 5.166.451 triệu đồng để hoàn thành dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và báo cáo Chính phủ, Quốc hội chấp thuận để triển khai thực hiện.

Quốc lộ 60  là trục hành lang ven biển kết nối các tỉnh duyên hải phía Nam với Tp.HCM và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, đây là tuyến trục dọc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của khu vực. Hiện nay, Quốc lộ 60 đoạn từ Trung Lương đến cầu Hàm Luông đã được đầu tư cơ bản đường cấp III đồng bằng với quy mô 4 làn xe. Tuy nhiên, cầu Rạch Miễu hiện tại nằm cửa ngõ trung tâm của thành phố Mỹ Tho và Bến Tre chỉ được đầu tư với quy mô 2 làn xe. Mặt khác, từ khi cầu Cổ Chiên đưa vào sử dụng thì lưu lượng phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 60 tăng đột biến, cầu Rạch Miễu hiện tại trở thành nút thắt giao thông, thường xuyên ùn tắc giao thông (nhất là vào các giờ cao điểm), không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực. Do đó, việc đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 là hết sức cần thiết.

Việc xây dựng cầu Rạch Miễu 2 kết nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia và quy hoạch của các địa phương đã được phê duyệt, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trên tuyến Quốc lộ 60, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Hà Tĩnh phê duyệt quy hoạch dự án "Thành phố Giáo dục Quốc tế"

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng vừa có quyết định đồng ý lập quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng dự án "Thành phố Giáo dục Quốc tế Hà Tĩnh" có tổng vốn 1.300 tỷ đồng.

Dự án "Thành phố Giáo dục Quốc tế" do Tập đoàn Nguyễn Hoàng làm chủ đầu tư sẽ thực hiện trên diện tích 22,1ha thuộc phường Nguyễn Du và xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh.

Một Dự án Thành phố Giáo dục Quốc tế khác của Tập đoàn Nguyễn Hoàng tại Quảng Ngãi
Một dự án Thành phố Giáo dục Quốc tế khác của Tập đoàn Nguyễn Hoàng tại Quảng Ngãi

Trước đó, vào tháng 12/2019, Chủ tịch UBND Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng cũng đã ký quyết định số 3958QĐ/UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG) xây dựng dự án "Thành phố Giáo dục Quốc tế" (IEC) tại Hà Tĩnh. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 1.329 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 49 năm.

“Đây là dự án nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước về khuyến khích đầu tư các cơ sở giáo dục ngoài công lập; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh Hà Tĩnh theo chuẩn quốc tế từ bậc mầm non đến đại học và sau đại học; tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách; giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước trong đầu tư lĩnh vực giáo dục, đào tạo”, Chủ tịch Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng cho biết.

Dự án "Thành phố Giáo dục Quốc tế" Hà Tĩnh là hệ thống trường đa cấp quy mô khoảng 11.120 học sinh/sinh viên.

Giai đoạn 1 nhà đầu tư sẽ xây dựng Trường mầm non quốc tế Sài Gòn Academy quy mô 20 lớp, với khoảng 600 học sinh; Trường Quốc tế Bắc Mỹ quy mô 35 lớp, với khoảng 700 học sinh; Trường Quốc tế song ngữ Học viện Anh quốc, quy mô 52 lớp, với khoảng 1.300 học sinh; Trường liên cấp Hội nhập quốc tế Ischool, quy mô 90 lớp, với khoảng 2.520 học sinh. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào quý III/2021.

Giai đoạn 2 xây dựng Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng quy mô 100 lớp, với khoảng 6.000 sinh viên, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý III/2022.

UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu nhà đầu tư chịu trách nhiệm triển khai thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ đã cam kết và các quy định tại quyết định chủ trương đầu tư; tuân thủ các quy định pháp luật về đất đai, môi trường, về lao động, đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, giáo dục và đào tạo và pháp luật có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

6 tháng, Đà Nẵng thu hút hơn 80 triệu USD vốn FDI
Trong 6 tháng đầu năm 2020, TP.Đà Nẵng đã thu hút hơn 13,2 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, hơn 80,2 triệu USD vốn FDI.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư