Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bà Trương Mỹ Lan và SCB tranh luận về 6.000 tỷ đồng cho nhóm Công ty Tuần Châu mượn
Hải Phong - 22/11/2024 20:45
 
Bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng số tiền này là của bản thân cho nhóm Công ty Tuần Châu mượn, song phía SCB lại cho rằng đây là tiền của ngân hàng này.

Ngày 22/11, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo khác ở giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục với phần tranh luận.

Trong phần tranh luận bổ sung, bị cáo Trương Mỹ Lan đề cập đến khoản tiền hơn 6.000 tỷ đồng mà bà đã cho Tập đoàn Tuần Châu mượn. Theo bị cáo Lan, mối quan hệ giao dịch giữa bà và Tập đoàn Tuần Châu của ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, được thực hiện thông qua các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và dự án.

Cụ thể, ông Đào Anh Tuấn (con trai ông Tuyển) cùng hai công ty thuộc Tập đoàn Tuần Châu, là Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (gọi tắt Công ty Âu Lạc) và Công ty CP T&H Hạ Long (gọi tắt Công ty T&H Hạ Long), đã nhận từ phía bà Trương Mỹ Lan tổng cộng 6.095 tỷ đồng, bao gồm hai khoản tiền riêng biệt.

aaa
Bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại toà.

Khoản tiền thứ nhất là 3.179 tỷ đồng, do ông Đào Anh Tuấn nhận được từ thỏa thuận chuyển nhượng 70,59% cổ phần của Công ty T&H Hạ Long cho phía Trương Mỹ Lan với giá 1.411 tỷ đồng. Số tiền còn lại là 1.768 tỷ đồng, các bên đang thảo luận để đối trừ vào các khoản mà bà Trương Mỹ Lan có nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận khung.

Khoản tiền thứ hai là 2.916 tỷ đồng, do Công ty Âu Lạc và Công ty T&H Hạ Long nhận từ 5 công ty của bà Trương Mỹ Lan thông qua 5 thỏa thuận khung hợp tác và chuyển giao tài sản. Tài sản chuyển giao bao gồm 243 căn nhà liền kề thuộc hai dự án Khu biệt thự Morning Star và Khu biệt thự Hoàng Long, tương ứng với 9 sổ đất đã được thế chấp để đảm bảo khoản vay của các công ty này tại SCB.

Tổng cộng, Công ty Âu Lạc và Công ty T&H Hạ Long đã sử dụng 32 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo cho 32 khoản vay. Bản án sơ thẩm tuyên buộc Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh phải nộp lại số tiền 6.095 tỷ đồng để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án.

Liên quan đến giao dịch này, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết đã hợp tác với Tập đoàn Tuần Châu từ năm 2016. Khi bắt đầu hợp tác, bị cáo đã kêu gọi khoảng 60 nhà đầu tư nước ngoài tham gia, đồng thời thuê các đơn vị tư vấn thiết kế quốc tế để nghiên cứu và phát triển các dự án tại phường Tuần Châu, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, với mục tiêu biến các dự án này thành những công trình mang tầm quốc tế.

Bị cáo Lan cho hay, để kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài, bị cáo đã sử dụng tiền của Vạn Thịnh Phát và tiền vay mượn từ bạn bè để cho Tập đoàn Tuần Châu mượn nhằm đầu tư xây dựng hạ tầng. Trong suốt 6-7 năm qua, bị cáo đã chi một khoản tiền lớn để thuê các đơn vị tư vấn và thiết kế phát triển dự án.

Cũng theo bị cáo Lan, số tiền hơn 6.000 tỷ đồng mà bị cáo chuyển cho Tập đoàn Tuần Châu là của bị cáo, không liên quan đến SCB. Nếu SCB cho rằng số tiền này là của ngân hàng thì cần phải có chứng cứ rõ ràng. Các tài sản mà Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh đang thế chấp tại SCB là từ ông Đào Anh Tuấn, người đã nể mặt bị cáo và cho SCB mượn nhiều tài sản để tái cơ cấu ngân hàng.

Trước đó, SCB đề nghị tòa xem xét 3 vấn đề lớn liên quan đến nhóm Công ty Tuần Châu. Cụ thể, SCB đề nghị tòa xem xét khả năng ngân hàng này sẽ chịu thiệt hại số tiền hơn 6.000 tỷ đồng. Đồng thời, SCB yêu cầu tòa chấp nhận kháng cáo, buộc Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc nộp lại số tiền 6.000 tỷ đồng cho SCB để khắc phục hậu quả của vụ án giai đoạn 1, thay vì chuyển sang xử lý ở giai đoạn 2.

Đại diện SCB cũng cho rằng, nhóm Công ty Tuần Châu đã sử dụng 28 quyền sử dụng đất để thế chấp cho các khoản vay của 25 công ty tại SCB. Tổng nghĩa vụ nợ mà các quyền sử dụng đất này đang đảm bảo đến giữa tháng 10/2022 là 29.100 tỷ đồng. Song, 28 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này được hạch toán thành 23 mã tài sản trên hệ thống quản lý dữ liệu của ngân hàng. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm chỉ quyết định giao quyền quản lý và xử lý 8/23 mã tài sản cho SCB để khắc phục hậu quả vụ án.

Đối với 15/23 mã tài sản còn lại (tương ứng với 20 quyền sử dụng đất), đây là tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ nợ của 19 công ty tại SCB với tổng số nợ đến giữa tháng 10/2022 là 20.300 tỷ đồng. Do đó, SCB đề nghị tòa chấp nhận kháng cáo, giao quyền quản lý và xử lý 15 mã tài sản này (tương ứng với 20 quyền sử dụng đất) của nhóm Công ty Tuần Châu nhằm khắc phục hậu quả của vụ án.

Cuối cùng, SCB phản đối việc bản án sơ thẩm tách các vấn đề liên quan đến quan hệ tín dụng và thế chấp giữa nhóm Công ty Tuần Châu và SCB để giải quyết thành một vụ án dân sự riêng. Ngân hàng cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của SCB. Theo SCB, các vấn đề này cần được xử lý chung trong phạm vi vụ án hình sự, thay vì tách riêng để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát: Nhiều bị cáo được đề nghị giảm án
Trong phiên xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 1), nhiều bị cáo được đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư