Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
"Bầm dập" vì Covid-19, nhà đầu tư lo chứng khoán Mỹ chưa trải qua điều tồi tệ nhất
Lê Quân - 25/03/2020 15:55
 
Chứng khoán Mỹ những ngày qua đi xuống với tốc độ nhanh chưa từng có, vượt mặt tốc độ lao dốc thời khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, hay khoảng thời gian thị trường sụp đổ năm 1987 và cuộc Đại khủng hoảng (1929-1930).
Hai phiên giao dịch gần đây, chứng khoán Mỹ phập phù theo tin chống dịch Covid-19. Ảnh: AFP
Hai phiên giao dịch gần đây, chứng khoán Mỹ phập phù theo tin chống dịch Covid-19. Ảnh: AFP

Phập phù theo tin chống Covid-19

Tạp chí Phố Wall dẫn nhận định của nhiều nhà đầu tư cho rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới khi nhiều sản phẩm đầu tư vẫn dính chặt tới biến động chứng khoán Mỹ và vòng quay chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp, dù thị trường đã lao dốc với tốc độ chưa từng có.

Tuần trước, chỉ số biến động thị trường (VIX) đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử và như từ đầu năm, giới đầu tư vẫn dè dặt khi ra quyết định giao dịch.

Chỉ một diễn biến bất thường đã khiến thị trường có thêm loạt các động thái khác thường đẩy nhà đầu tư vào thế phải gồng mình chịu thiệt hại.

Chứng khoán Mỹ hôm 23/3 tiếp tục sụt giảm khi nhà đầu tư lưỡng lự trước số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng cao tại Mỹ và việc Washington trì hoãn gói cứu trợ kinh tế quy mô lớn. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 582 điểm (tương đương 3%) xuống 18.592 điểm trong phiên giao dịch hôm 23/3, còn chỉ số S&P 500 đóng cửa ngày giao dịch với mức giảm 2,9%.

Trái lại, khi có tin Quốc hội Mỹ sẽ thông qua gói kích thích kinh tế khổng lồ 2.000 tỷ USD để đối phó với tác động nặng nề của Covid-19, chứng khoán Mỹ hôm 24/3 lại bật dậy. Dow Jones đã đóng cửa tăng 11% lên 20.704,91 điểm, mức tăng cao nhất trong ngày kể từ năm 1933, còn S&P 500 cũng đạt mức tăng điểm tốt nhất trong ngày giao dịch kể từ tháng 10/2008 khi chốt phiên với 2.447,33 điểm, tăng 9,4%. Trong khi đó, Nasdaq Composite bật tăng 8,1% và đóng cửa với 7.417,86 điểm. 

Tuy nhiên, cả 3 chỉ số trên vẫn thấp hơn 24% so với mức tăng điểm kỷ lục giữa tháng 2 vừa qua.

Thành quả 3 năm “trôi sông đổ biển”

Khủng hoảng kinh tế nặng nề chưa từng có do dịch Covid-19 đã “phả nhiệt” sang thị trường tài chính và khiến các nhà đầu tư bầm dập. Nhiều nhà đầu tư đang cuốn gói khỏi thị trường trái phiếu doanh nghiệp với tốc độ nhanh chưa từng có.

Leslie Thompson, nhà quản lý tại tập đoàn quản lý tài sản Spectrum Management buộc phải giảm đầu tư chứng khoán và tăng dự trữ tiền mặt kể từ dịch Covid-19 lan nhanh trên toàn cầu từ đầu tháng này. “Rất khó bố trí tiền đầu tư cho đến khi thị trường đi vào ổn định”, Thompson nói.

Craig Hodges, giám đốc danh mục đầu tư tại Quỹ quản lý tài sản Hodges Funds cho hay nhà đầu tư 56 tuổi này phải làm việc thêm giờ, xử lý lượng cuộc gọi từ khách hàng tăng gấp 10 lần khi những thành quả tăng điểm của Dow Jones trong 3 năm qua bị thổi bay trong 1 tháng qua và nhiều cổ phiếu bất động sản và cổ phiếu công nghiệp mà Hodges đầu tư cũng “rơi rụng” hơn 70%.

Cơ chế “ngắt cầu dao” hay còn gọi là ngừng giao dịch tự động được thiết lập để bảo vệ thị trường chứng khoán trước các cú sốc giảm điểm, nhưng các nhà đầu tư vẫn liên tục tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán do thiệt hại kinh tế mà dịch Covid-19 gây ra ngày càng tăng.

“Bạn gần như cảm thấy tê liệt”, Hodges nói, nhưng chính ông đã và đang mua vào lượng lớn cổ phiếu của các công ty mà ông cho rằng họ có thể “sống sót” qua đại dịch.

Lúc này, câu hỏi liệu thị trường sẽ tiếp tục lao dốc trong bao lâu nữa trở nên rất hóc búa, bởi chứng khoán Mỹ đạt mốc kỷ lục lên điểm 11 năm chưa lâu thì bỗng chốc quay đầu rớt thảm. Điều này buộc nhà đầu tư phải xem lại các quyết định của mình, đồng thời thách thức các nhà hoạch định chính sách phải xoay sở cứu thị trường.

Lần tụt dốc tàn khốc này của chứng khoán Mỹ đã náo loạn nhiều thị trường khác, từ dầu thô đến trái phiếu, khiến làn sóng bán tháo và quay sang tích trữ tiền mặt càng nhân rộng.

Rõ ràng nhất là sự gián đoạn trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ, một thị trường trái phiếu được đánh giá có tính thanh khoản và giao dịch tốt nhất thế giới. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã buộc phải tung ra các biện pháp mua vào lượng lớn trái phiếu nhằm giảm bớt căng thẳng và ngăn thị trường đổ vỡ.

Chưa kể, cơn sốt tiền mặt ngắn hạn càng làm dấy lên lo ngại về hệ thống tài chính Mỹ khi những doanh nghiệp lớn như Ford và Boeing đều muốn thấu chi tín dụng do khan tiền mặt.

Tác hại của cuộc chiến giá dầu

Một tác nhân nữa khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao đao là cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga. Việc thị trường dầu mỏ xuống dốc mất phanh cũng là căn nguyên đẩy chính quyền Trump vào tình thế phải cân nhắc can thiệp cuộc chiến.

Ở cấp bang, các nhà quản lý bang Texas đang cân nhắc phương án có nên cắt giảm sản lượng dầu thô lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ không. Tại các bang, từ California đến New York, đều đã phản ứng chống dịch Covid-19 theo cách chưa từng có là đóng cửa hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chỉ số S&P 500 kết thúc phiên 23/3 giảm 34% so với mốc đỉnh thiết lập hôm 19/2, còn Dow Jones “bay hơi” hơn 10.400 điểm kể từ phiên 21/2. Tính chung lại, cú trượt dài của thị trường chứng khoán đã “đốt bay” hàng nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa của doanh nghiệp Mỹ.

“Nền kinh tế Mỹ ‘rơi’ từ tốc độ tăng trưởng 1,5-2%/năm về mức đóng cửa toàn bộ các ngành công nghiệp và doanh thu chắc chắn về 0 trong thời gian nhất định”, Lisa Shalett, giám đốc đầu tư tại Quỹ quản lý tài sản Morgan Stanley cho biết.

Thua lỗ trên thị trường chứng khoán khiến nhiều nhà đầu tư phải bán cả các tài sản vốn thường được xem là an toàn. Sau những lần bật tăng trước đó, hôm 23/3 giá vàng trượt 6,4% so với đỉnh giá 7 năm qua được thiết lập hôm 9/3. Bạc cũng giảm giá tới 32% trong 9 phiên gần đây, đánh dầu mức sụt giảm sâu nhất trong 11 năm qua.

“Đây là những gì diễn ra trong một cuộc khủng hoảng niềm tin. Mức độ hoảng loạn thị trường trở nên rất đáng ngại”, bà Amanda Agati, chuyên gia chiến lược đầu tư trưởng tại Tập đoàn dịch vụ tài chính PNC bình luận.

Bản thân Agati đã nhận được nhiều cuộc gọi từ khách hàng hỏi có nên mua cổ phiếu sau khi lao dốc mạnh không, nhưng nữ chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên đợi đến khi biến động thị trường lắng xuống.

Kết quả khảo sát các nhà quản lý quỹ do Bank of America thực hiện gần đây cho thấy kỳ vọng về nền kinh tế toàn cầu tháng qua sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử khảo sát từ năm 1994. Ngoài ra, các nhà đầu tư được Bank of America khảo sát không còn đánh giá cao cổ phiếu và quay sang tích trữ tiền mặt.

Thêm một dấu hiệu chỉ rõ sự lo ngại của nhà đầu tư khi chỉ số giá nguyên liệu thô (RMPI) của các ngành từ vận tải và sản xuất chế tạo gần đây giảm xuống mức thấp nhất năm 1991. Riêng giá dầu giảm gần 50% trong tháng 3 xuống còn 23,36 USD/thùng, mà nguyên nhân chính là cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga.

Các nhà sản xuất dầu mỏ Mỹ đang nắm giữ thị phần lớn trên thị trường trái phiếu lợi suất cao nên việc các nhà sản xuất này dự kiến cắt giảm đầu tư và chi tiêu báo hiệu sẽ có thêm cú sốc lên nền kinh tế Mỹ.

Fed tung gói hỗ trợ đặc biệt, chứng khoán Nhật Bản hưởng lợi
Chứng khoán châu Á tăng vọt trong phiên giao dịch sáng 24/3 khi các quốc gia tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế trước tác động của đại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư