Môi giới đất nền đủ chiêu "lùa khách"
Tặng vàng, tặng xe, cam kết lợi nhuận, tổ chức cả tọa đàm để mời gọi khách hàng tham gia mua đất nền… là những gì mà dân môi giới địa ốc đang làm để kiếm khách.
Thị trường bất động sản TP.HCM khan hiếm nguồn cung, đẩy các công ty môi giới và nhà đầu tư ra vùng ven
Thị trường bất động sản TP.HCM khan hiếm nguồn cung, đẩy các công ty môi giới và nhà đầu tư ra vùng ven

Ông Phan Văn Tùng, giám đốc một công ty môi giới mới thành lập tại TP.HCM cho biết, thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, kể cả thị trường đất nền từng khá hấp dẫn, khiến các công ty môi giới gặp khó, nhất là các công ty môi giới nhỏ.

“Những công ty môi giới nhỏ thường chọn cho mình các dự án đất nền có diện tích vài héc-ta tại các khu vực vùng ven TP.HCM. Tuy nhiên, khách hàng quan tâm tới thị trường này không nhiều, nên để tiếp cận với khách hàng, phải có những chiêu thức mới”, ông Tùng nói và cho biết, một trong những chiêu thức mà dân môi giới hay áp dụng là nhái tên dự án của doanh nghiệp lớn.

Chẳng hạn, năm 2018, Tập đoàn Hưng Thịnh triển khai thành công dự án Biên Hòa New City tại Đồng Nai. Sau đó, Công ty cổ phần Đầu tư Mekong Nam Á lấy tên Biên Hòa New City 2 để đặt cho dự án quy mô diện tích chỉ 4 ha của mình.

Ngoài ra, một chiêu thức phổ biến nữa mà môi giới hay áp dụng là “cắt máu” hoa hồng. Còn với những nhân viên có ít tập khách hàng, sẵn sàng bỏ tiền để mua danh sách khách hàng. Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, lượng khách chào bán thành công qua phương thức này chỉ khoảng 2% thành công.

Với Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding, công ty này vừa đưa ra chính sách cam kết lợi nhuận 6%/năm với khách hàng mua dự án đất nền Asian Lake View tại tỉnh Bình Phước. Ngoài ra, để nhân viên môi giới tiếp cận được với khách hàng, công ty tổ chức những buổi hội thảo về đầu tư bất động sản vùng ven.

Còn Công ty cổ phần Tập đoàn Cát Tường ký liên kết với các sàn môi giới bất động sản, đưa ra chính sách tặng nhà, xe máy, vàng, tivi, tủ lạnh… để mời khách hàng mua sản phẩm dự án Cát Tường Western Pearl, tỉnh Hậu Giang.

Thậm chí, để tạo “cơn sốt” giả, nhiều chủ đầu tư, sàn môi giới đưa ra con số thống kê bán hàng ảo. Ngoài ra, một sốc òn cho nhân viên ôm các căn đẹp, khi khách hỏi thì thông báo hết hàng, tạo ra khan hiếm giả. Nếu khách muốn được nhượng lại thì phải chịu tiền chênh.

Dù không phổ biến, nhưng có sàn môi giới còn rao bán khống dự án. Cụ thể, dù dự án chưa được chủ đầu tư mở bán, nhưng trên thị trường đã được  môi giới rao bán rầm rộ. Nhờ cách thức “cầm đèn chạy trước… chủ đầu tư”, các sàn môi giới có thể lấy được thông tin của khách hàng, cũng như đo mức độ quan tâm của thị trường đối với sản phẩm, để đẩy giá cao hay thấp khi sản phẩm chính thức được tung ra thị trường.

Ngoài ra, găm hàng chờ thời cơ tăng giá, nói dối và nói xấu thông tin về dự án khác, bán xuất ngoại giao… cũng là những chiêu thức được nhiều môi giới sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding cho rằng, từ năm 2018 tới nay, khi thị trường bất động sản TP.HCM gặp khó trong việc triển khai dự án mới, các chủ đầu tư và doanh nghiệp môi giới đã đua nhau chạy ra các tỉnh vùng ven TP.HCM để phát triển dự án và bán hàng. Cũng chính vì sự đổ bộ quá nhiều vào thị trường tỉnh lẻ, đã tạo ra tình trạng “bội thực” dự án và khan hiếm khách hàng. Trước áp lực bán hàng, nhiều đơn vị môi giới đã nghĩ ra đủ chiêu thức để mời chào khách hàng mua sản phẩm mà mình phân phối.

“Để tránh ‘sập bẫy’ những chiêu trò của môi giới kém đạo đức, người mua cần tìm một công ty môi giới uy tín để tìm hiểu thông tin về dự án. Quan trọng hơn, người dân cũng phải tự trang bị cho mình những thông tin để đánh giá tiềm năng khai thác của khu vực đất dự định mua. Đồng thời, tham khảo thông tin quy hoạch về khu đất mình định mua và cả khu vực đó từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương. Ngoài ra, người dân phải tìm hiểu kỹ giá đất ở khu vực xung quanh trong bán kính từ 3 - 5 km để so sánh giá”, ông Hậu nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản