Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Bê trễ Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21 qua Hà Nam
Bảo Như - 09/02/2023 15:35
 
Có quy mô không lớn, yêu cầu kỹ thuật ở mức trung bình, nhưng Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa là “điểm đen” về tiến độ.
Thi công Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa 	Ảnh: a.m
Thi công Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa        Ảnh: A.M

Điều chỉnh 4 lần trong 12 năm

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo số 1168/TB-KT về kết quả kiểm toán tại Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giao Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư.

Dự án này được Bộ GTVT phê duyệt vào tháng 6/2009, với mục tiêu nâng cấp, cải tạo khoảng 16 km Quốc lộ 21B từ Km41+605 (giáp ranh giữa tỉnh Hà Nam và TP. Hà Nội) đến Km57+588,31 (đầu cầu nút giao Phú Thứ) theo quy mô 4 làn xe, đối với đoạn ngoài đô thị có bề rộng nền đường 24 m, đoạn qua đô thị (thị trấn Quế) có bề rộng nền đường 33 m và 2 cầu là cầu Tiên Tân và cầu Đen. Tổng mức đầu tư Dự án là 718,378 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2010 đến năm 2012.

Sau 3 lần phải thực hiện điều chỉnh, vào tháng 5/2021, Bộ GTVT tiếp tục ban hành Quyết định số 896/QĐ-BGTVT điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa.

Với lần điều chỉnh này, quy mô mặt cắt ngang toàn bộ tuyến chỉ còn 12 m đối với nền đường và 11 m đối với mặt đường. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng quyết định cắt giảm cầu Tiên Tân và đường dẫn đầu cầu (Km55+00 - Km55+710) khỏi Dự án. Với quy mô đầu tư như trên, tổng mức đầu tư Dự án chỉ còn 525,887 tỷ đồng (giảm 192,502 tỷ đồng). Bộ GTVT cũng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện công trình đến hết năm 2022.

Mặc dù quy mô không lớn; điều kiện địa chất, địa hình đoạn tuyến không quá phức tạp, nhưng Dự án liên tục bị vỡ kế hoạch giải ngân và tiến độ triển khai công trình.

Tại Thông báo số 1168/TB-KT, Kiểm toán Nhà nước cho biết, đến thời điểm kiểm toán (ngày 6/10/2022), Dự án đã bố trí 526/526 tỷ đồng, tương ứng 100% tổng mức đầu tư điều chỉnh. Sở GTVT Hà Nam đã giải ngân 334/526 tỷ đồng, tương ứng 64% số vốn đã bố trí, trong đó tỷ lệ giải ngân trong năm 2022 tính đến thời điểm kiểm toán rất thấp, chỉ đạt 16% so với kế hoạch vốn đã bố trí (36,331/228,34 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, thời gian thực hiện Gói thầu số 2 - thi công xây dựng toàn bộ công trình do Liên danh Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng Đồng Tâm - Công ty TNHH Thi Sơn đảm nhận là 22 tháng kể từ ngày khởi công (ngày 1/3/2017 đến cuối tháng 12/2018) cũng không được đảm bảo. Do vướng mặt bằng và khó khăn trong việc bố trí vốn, nên chủ đầu tư phải xin Bộ GTVT gia hạn thời gian hoàn thành Gói thầu số 2 tới 2 lần, trong đó lần 1 đến ngày 31/11/2022 và lần 2 đến ngày 31/12/2022.

Tại thời điểm kiểm toán, ngoài những hạng mục đã thi công và nghiệm thu hoàn thành đảm bảo theo tiến độ, còn nhiều hạng mục thi công chưa đáp ứng tiến độ thi công chi tiết được duyệt. Tỷ lệ giải giải ngân tại Dự án cũng rất thấp so với kế hoạch vốn đã bố trí đã phần nào ảnh hưởng đến tính kinh tế của công trình.

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc Dự án bố trí vốn tới 8 năm là vượt quá thời gian theo quy định tại khoản 2, Điều 13, Nghị định 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ ban hành về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm (tối đa 5 năm). Vấn đề này chỉ được xử lý sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn của Dự án đến năm 2022 (Văn bản số 1577/VPCP-KTTH ngày 11/3/2021).

Điều đáng nói là, trong quá trình thực hiện Dự án, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn để hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 12/2022, Dự án vẫn còn vướng 115 m mặt bằng; sản lượng thực hiện đạt 205,62/342,7 tỷ đồng (đạt 60% giá trị hợp đồng). Đặc biệt, công tác giải ngân của Dự án vẫn rất chậm, chỉ đạt 77/208 tỷ đồng (đạt 36,9% kế hoạch), đẩy công trình này vào hoàn cảnh thực hiện dở dang (do Dự án chỉ được bố trí kế hoạch vốn đến hết năm 2022).

Trong công văn gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam vào cuối tháng 12/2022, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu lãnh đạo địa phương này xem xét có chế tài đặc biệt trong việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đối với Sở GTVT Hà Nam. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ xem xét việc không giao Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình do Bộ GTVT quản lý trong thời gian tới nếu Dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa không có những biến chuyển trong thời gian tới.

Nguy cơ dang dở

Cần phải nói thêm, mốc tiến độ hoàn thành vào ngày 31/12/2022 đã bị vỡ khi đến ngày 1/2/2023, Sở GTVT Hà Nam đã phải gửi Công văn số 145/SGTVT-KHTC đề nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2022 sang năm 2023 đối với Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa.

Theo thông tin cập nhất mới nhất từ Sở GTVT Hà Nam, tính đến cuối tháng 1/2023, Dự án mới giải ngân được 397,9 tỷ đồng/526 tỷ đồng vốn đầu tư công đã bố trí (đạt 75,66%); trong đó, giải ngân năm 2022 chỉ đạt 100,377/228,34 tỷ đồng (43,96%). Số vốn còn thừa, không giải ngân hết lên tới 127,963 tỷ đồng.

Trong trường hợp không được Chính phủ gia hạn, hệ lụy đối với Dự án là rất lớn, do không thể kết nối vào hệ thống giao thông quốc gia (Quốc lộ 38, đê sông Nhuệ để đi ra Quốc lộ 1) cũng như không kết nối được với hạ tầng giao thông địa phương; không khai thác sử dụng được do đoạn Km45+050-Km46+826 vướng đường điện cao thế 220 KV và 500 KV không đảm bảo an toàn.

Đây là thiệt hại rất đáng tiếc, bởi Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa có mục tiêu là cùng với Quốc lộ 1, Quốc lộ 38 tạo thành đầu mối giao thông ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, gắn kết mạng lưới giao thông các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng với Thủ đô Hà Nội, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Nam của Hà Nội. Dự án cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, nhất là khu vực phía Tây tỉnh Hà Nam.

Không chỉ liên tục bị lụt tiến độ, Sở GTVT Hà Nam và đơn vị quản lý dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam còn thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong quá trình triển khai Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa.

Cụ thể, công tác quản lý chất lượng, chủ đầu tư và đơn vị quản lý dự án bị Kiểm toán Nhà nước đánh giá là chưa thực hiện việc thông báo chấp thuận nghiệm thu hồ sơ thiết kế bằng văn bản đến nhà thầu thiết kế theo Điều 5, Thông tư số 26/2016/TT-BXD quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

Chủ đầu tư cũng chưa có thỏa thuận với nhà thầu thi công xây dựng về hình thức và nội dung của nhật ký thi công xây dựng làm cơ sở thực hiện trước khi thi công xây dựng công trình; nhật ký thi công gói thầu xây lắp một số trang còn ghi chưa đầy đủ thông tin như thiết bị đưa vào thi công, nhận xét các bên có liên quan theo quy định tại Điều 10, Thông tư số 26/2016/TT-BXD.

Trong công tác quản lý chất lượng công trình, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận việc chủ đầu tư có biên bản nghiệm thu, song không có thông báo chấp thuận nghiệm thu hồ sơ thiết kế xây dựng bằng văn bản đến nhà thầu thiết kế theo quy định tại Điều 5, Thông tư 26/2016/TT-BXD. Nhật ký thi công công trình ghi chép còn chưa đảm bảo theo quy định tại Điều 10, Thông tư số 26/2016/TT-BXD, như diễn biến điều kiện thi công; số lượng nhân công, thiết bị do nhà thầu thi công xây dựng huy động để thực hiện thi công tại hiện trường; những ý kiến về việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công xây dựng của các bên có liên quan.

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện xử lý tài chính 1,803 tỷ đồng, trong đó, đối với Gói thầu xây lắp số 02, giảm giá hợp đồng 1,015 tỷ đồng; chi phí tư vấn, giảm giá trị hợp đồng 788,335 triệu đồng.

Đối với các sai sót nói trên, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sở GTVT Hà Nam chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, thiếu sót trong các khâu: lập, thẩm định phê duyệt thiết kế - dự toán còn phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện; dự toán còn khối lượng tính trùng, tính thừa chưa được phát hiện giảm trừ; trong công tác lựa chọn nhà thầu lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thiếu nội dung thời gian cấp vốn để thanh toán cho nhà thầu…

“Đề nghị Giám đốc Sở GTVT Hà Nam chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước theo thông báo này và báo cáo kết quả thực hiện về Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành II trước ngày 31/3/2023”, Thông báo số 1168/TB-KT nêu rõ.

Chính thức dừng hoạt động bến phà Thịnh Long trên Quốc lộ 21B
Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao xử lý các vấn đề liên quan đến tài sản và chế độ cho người lao động sau khi bến phà Thịnh Long dừng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư