Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 16 tháng 08 năm 2024,
Biến chứng nguy hiểm của bệnh nhân béo phì
D.Ngân - 15/08/2024 14:31
 
Béo phì là yếu tố nguy cơ chính của suy tim và đột tử do có liên quan đến bệnh động mạch vành, đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu.

Trước nhập viện ba ngày, anh Chấn (42 tuổi, ở Đồng Nai) có cảm giác mệt, nặng ngực, đau vùng thượng vị, buồn nôn sau ăn. Đi khám tại cơ sở y tế địa phương, anh được chẩn đoán trào ngược dạ dày, cho uống thuốc điều trị. Bệnh không thuyên giảm, mệt kèm khó thở tăng dần, ăn gì cũng nôn ra, người nhà đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.

Thừa cân, béo phì đã trở thành một vấn nạn trên toàn cầu, một đại dịch có tính chất toàn cầu.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy tim cấp: mệt vã mồ hôi, ngồi thở co kéo, mạch nhanh, tiểu ít, huyết áp kẹp (tình trạng khoảng cách giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương nhỏ hơn hoặc bằng 20 mmHg) với các chỉ số mạch 120-130 lần/phút, huyết áp 100-110/70-80 mmHg.

Kết quả X-quang lồng ngực cho thấy phù phổi cấp, siêu âm tim tại giường xác định các buồng tim giãn lớn, co bóp tim trái giảm nhiều (EF = 10-15%). Điện tâm đồ có dấu nhồi máu cơ tim cấp vùng trước mỏm - bên kèm men tim tăng cao, suy chức năng thận và tăng cao men gan. Bác sỹ chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp biến chứng tổn thương đa cơ quan, bệnh cơ tim giãn, béo phì độ 3 (110 kg, BMI = 40,75).

Anh Chấn được điều trị hồi sức tích cực chống phù phổi cấp, sau đó chuyển đến phòng DSA để chụp mạch vành và can thiệp tái tưới máu cấp cứu. Kết quả cho thấy động mạch liên thất trước tắc hoàn toàn với nhiều huyết khối. Ê kíp can thiệp mạch tiến hành nong mạch đặt stent tại đoạn mạch vành tắc nghẽn.

Bác sỹ Nguyên đánh giá, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong cao do chức năng tim suy giảm nặng, các buồng tim giãn lớn, kèm suy đa cơ quan, cần gấp rút nong mạch đặt stent tại đoạn mạch vành tắc nghẽn.

ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Phó khoa Tim mạch Can thiệp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bệnh nhân bị suy tim nặng do biến chứng cơ tim giãn và nhồi máu cơ tim cấp, nguy cơ rối loạn nhịp tim, ngừng tim trong lúc can thiệp nong mạch rất cao.

Bác sỹ quyết định chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo), đặt bóng đối xung trước và trong suốt thủ thuật để duy trì huyết áp, lọc máu, giảm nguy cơ ngừng tim trên bàn thủ thuật.

Theo bác sỹ Nguyên, béo phì là yếu tố nguy cơ chính của suy tim và đột tử do có liên quan đến bệnh động mạch vành, đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu.

Bệnh cơ tim giãn ở bệnh nhân Chấn là hệ quả của tình trạng béo phì lâu dài không được điều trị. Anh Chấn có lối sống ít vận động nên các triệu chứng của suy tim không biểu hiện rõ. Vài năm gần đây, thỉnh thoảng anh thấy mệt, hụt hơi khi làm việc nặng, nhưng nghĩ do mình mập nên chủ quan không đi khám.

Nếu cơn nhồi máu cơ tim cấp không bộc phát, bệnh nhân chưa đến viện, bệnh cơ tim giãn không được phát hiện sẽ tiếp tục tiến triển, gây nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, rối loạn nhịp và đột tử, bác sỹ Huy khẳng định.

Để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và chuyển hóa, người thừa cân, béo phì nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn chế độ trị liệu thích hợp, cố gắng đưa cân nặng về giới hạn bình thường.

Bệnh nhân phải được đánh giá chức năng tim mạch, kiểm tra huyết áp, đường huyết, mỡ máu định kỳ. Khi phát hiện các bất thường như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chức năng tim…, cần điều trị ngay kể cả khi không có triệu chứng.

PGS-TS.Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế cho biết, thừa cân, béo phì đã trở thành một vấn nạn trên toàn cầu, một đại dịch có tính chất toàn cầu. Hiện nay tốc độ béo phì đang tăng theo hình dựng đứng.

Chuyên gia của Viện Dinh dưỡng cũng thừa nhận, có đến 10 yếu tố tác động khiến con người dần dần bị béo phì gồm: Vận động, dinh dưỡng, virus, hormone, stress, tâm lý, ô nhiễm, công nghệ, thực phẩm, tình trạng xã hội.

Do đó, câu chuyện kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì là thách thức, khó hơn rất nhiều so với việc phòng chống các bệnh lây nhiễm.

Vấn đề ở đây là thay đổi lối sống, môi trường sống, cần có cách tác động vào chính sách để giải quyết môi trường sống cho trẻ, làm thế nào để có khoảng không cho trẻ tập thể dục thể thao.

Đây cũng chính là yếu tố góp phần vì sao chưa cải thiện được tình trạng thừa cân, béo phì của trẻ. Ngoài ra, theo bà Mai, cần truyền thông để thay đổi dần thói quen sinh hoạt trong mỗi gia đình.

Trước đó, GS-TS.Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng cũng cho biết, nguyên nhân béo phì ở mỗi người có thể không giống nhau.

Có thể người này béo phì cho do ăn uống vô hạn độ, ăn uống nhiều quá, có thể người khác là do không chịu luyện tập, có người lại do nguyên nhân bệnh lý, gen. Vì thế, để điều trị thì cần tìm nguyên nhân, từ đó khắc phục.

Trẻ em bị béo phì ngoài thân hình không đẹp, trẻ còn mắc các rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đường… Vì thế, trẻ có thể bị tăng huyết áp sớm, tiểu đường sớm… Hiện nay, đang cảnh báo nhiều về tình trạng trẻ hóa trong các bệnh tim mạch, tiểu đường, xương khớp...

Thay đổi lối sống, chế độ ăn và hoạt động thể lực là nền tảng điều trị thừa cân, béo phì. Với người quá béo, một tháng không nên giảm quá 5kg, còn với những người BMI vượt qua 30 một chút thì hãy giảm dần dần. Đặc biệt, cần quan tâm giảm chu vi vòng eo hơn là chỉ giảm cân.

Béo phì cũng rất dễ tái lại, vì thế luôn phải thực hiện chế độ ăn lành mạnh, vận động để kiểm soát cân nặng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện trên thế giới có 6,5 triệu người béo phì cần điều trị, số tiền điều trị cho béo phì rất lớn. Tỷ lệ tử vong liên quan tới béo phì gấp 2 lần tỷ lệ tử vong của ung thư vú và đại trực tràng cộng lại.

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, số ca bệnh béo phì tìm đến cơ sở y tế điều trị béo phì ngày càng nhiều. Đa số trường hợp đến bệnh viện đều không thể kiểm soát được tình trạng béo phì bằng cách thay đổi lối sống và không đáp ứng với các phương pháp trị liệu khác.

Những bệnh nhân này thường có một số bệnh lý đi kèm như huyết áp cao, đau khớp, vô sinh nguyên phát, đái tháo đường, tăng lipid máu, gan nhiễm mỡ, tăng cholesterol máu…

Còn theo các bác sỹ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, béo phì là một bệnh mãn tính, cần được điều trị sớm. Bệnh béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ, mà còn gây ra nhiều nguy cơ như mắc các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ gan, các bệnh lý cơ xương khớp, vô sinh…

Béo phì và thừa cân cũng làm tăng nguy cơ tử vong hơn so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường. Nguyên tắc để điều trị thừa cân, béo phì là tăng cường tiêu hao năng lượng và giảm nguồn thức ăn vào cơ thể.

Thừa cân, béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động, sinh hoạt, tâm lý mà còn phải coi đó là bệnh lý và cần được khám và điều trị tại các chuyên khoa về tiêu hóa và béo phì.

Có rất nhiều phương pháp được áp dụng trong việc điều trị béo phì như các biện pháp thay đổi lối sống, tăng cường vận động thể lực, điều trị nội khoa, phẫu thuật.

Thừa cân, béo phì ở trẻ em: Hệ lụy của thức ăn nhanh, lười vận động
Tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam hiện rất đáng lo ngại. Theo tổng điều tra về dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì trên toàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư