Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Thừa cân, béo phì ở trẻ em: Hệ lụy của thức ăn nhanh, lười vận động
Dương Ngân - 13/03/2024 13:59
 
Tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam hiện rất đáng lo ngại. Theo tổng điều tra về dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì trên toàn quốc từ 8,5% (năm 2010) tăng mạnh lên 19% (năm 2020).
Chế độ ăn uống không hợp lý gây béo phì, thừa cân ở trẻ
Chế độ ăn uống không hợp lý gây béo phì, thừa cân ở trẻ

Tỷ lệ trẻ béo phì ngày càng cao

Thừa cân, béo phì gây ra nhiều hậu quả xấu đối với sức khỏe của trẻ em, ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành. Trẻ thừa cân, béo phì không chỉ khiến bản thân các em tự ti, mặc cảm, mà còn tạo ra những áp lực lớn đối với cha mẹ, những người trực tiếp chăm sóc. Đã có trẻ vì thừa cân, béo phì mà sống khép kín, rơi vào trầm cảm.

Kết quả điều tra trên 5.028 học sinh tại 75 trường của Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Nghệ An, Sóc Trăng cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì của học sinh tiểu học chung cho cả khu vực nông thôn và thành thị là 29%; tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (41,9% và 17,8%).

Đặc biệt, kết quả khảo sát ở học sinh lớp 5 tại một số quận, huyện của Hà Nội, tiến hành năm 2023 chỉ ra, số trẻ thừa cân, béo phì của nhiều trường trong khu vực nội thành trên mức 45%. Có những trường tỷ lệ rất cao như Trường tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông) là 49,5%; Trường tiểu học Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) là 51,4%; Trường tiểu học La Thành (quận Đống Đa) là 55,7%…

Theo PGS-TS. Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng quốc gia), tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì học đường đang rất đáng lo ngại. Thừa cân, béo phì là hệ lụy của quá trình tích luỹ chế độ ăn thừa năng lượng kéo dài.

Có nhiều nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì ở trẻ như ăn thừa thừa chất đạm, thiếu vi chất dinh dưỡng; ít hoạt động thể lực; ăn thức ăn nhanh, chế biến sẵn, thực phẩm nhiều đường.

Theo PGS-TS. Trương Tuyết Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cha mẹ cần sử dụng biểu đồ BMI theo lứa tuổi để xác định được trẻ ở tình trạng dinh dưỡng bình thường hay thừa cân, béo phì để điều chỉnh dinh dưỡng hợp lý. Phải biết được nhu cầu ăn của từng lớp tuổi bao nhiêu thì vừa; ăn đúng, ăn đủ mới là khoa học. Đặc biệt, ăn rau, củ, quả rất quan trọng. Ăn nhiều vào bữa sáng, trưa, hạn chế vào tối, không ăn hoặc uống sữa trước khi đi ngủ.

Thừa cân, béo phì có thể dẫn tới nhiều hệ quả nghiêm trọng. Khi xét nghiệm 500 trẻ béo phì, có 35-50% trẻ bị rối loạn mỡ máu. Thậm chí hiện nay, đái tháo đường cũng không còn là bệnh của người lớn, mà đang bị trẻ hóa…

Đối với trẻ mầm non, ở nhiều gia đình, ông bà lại thích cháu bụ bẫm, nên cho trẻ ăn thừa dinh dưỡng. Hoặc nhiều gia đình có quan niệm trẻ ở trường không được ăn đầy đủ, nên tối về thường “nhồi nhét” cho con ăn quá nhiều, lâu dần tích tụ lại thừa cân, béo phì.

Một phần nữa là cha mẹ vì sự tiện lợi mà hay cho trẻ sử dụng thức ăn nhanh, nước ngọt, bánh kẹo, kem, đồ ăn vặt vào giờ tan trường cũng là nguyên nhân khiến trẻ tăng cân. Theo đó, ăn 1 chiếc bánh bao có 400 calo, phải chạy 2h mới tiêu hao hết; 1 chai nước ngọt có hơn 200-300 calo, cần phải hoạt động thể lực gần 2h. Nhưng trẻ em do phải đi học thêm, bài tập nhiều, nên ít hoạt động thể lực. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trẻ em và thanh thiếu nên vận động 60 phút/ngày để có thể tránh được tình trạng thừa cân, béo phì.

Truyền thông thay đổi nhận thức

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Ngân hàng Thế giới, chỉ cần đầu tư 1 USD chi phí dinh dưỡng cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời, thì tương lai sẽ thu lại được 18 USD; trẻ em được điều trị khỏi thấp còi có khả năng thoát khỏi đói nghèo tới 33% khi trưởng thành, góp phần cho tăng trưởng GDP quốc gia 3-10%. Điều đó chứng tỏ dinh dưỡng cho trẻ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Để giải quyết các vấn đề dinh dưỡng đang tồn tại và tiếp tục phấn đấu đạt các chỉ tiêu cơ bản về sức khỏe của nhân dân, ngày 5/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045, với mục tiêu chung là bảo đảm dinh dưỡng hợp lý để phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam.

Từ năm 2020-2022, Chính phủ đưa các hoạt động cải thiện dinh dưỡng thực hiện trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và một số đề án, chương trình liên quan.

Để thực hiện thành công các chỉ tiêu, mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng một cách bền vững, theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, nhất là các bậc cha mẹ về dinh dưỡng cho trẻ. Tiếp tục huy động các cấp, các ngành, tổ chức quốc tế, xã hội và người dân để đầu tư cả về chính sách và nguồn lực, nhằm thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cho dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách dinh dưỡng (xây dựng tiêu chuẩn chức danh dinh dưỡng tại cộng đồng; nhãn cảnh báo, thực thi hiệu quả các chính sách hiện có). Nâng cao năng lực, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dinh dưỡng.

Tập trung hơn nữa để kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì ở người từ 5 đến 19 tuổi và người trưởng thành vùng thành phố; kiểm soát tốt tình trạng rối loạn chuyển hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính không lây liên quan đến chế độ dinh dưỡng.

Chế độ giảm cân khắc nghiệt của trẻ béo phì ở Nhật
Bằng chế độ ăn kiêng và tập luyện nghiêm ngặt, Yuna đã giảm được gần 30 kg trong nửa năm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư