Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Biên lợi nhuận của Phân bón Bình Điền chịu nhiều sức ép
Lâm Vũ - 09/08/2021 09:29
 
Sau nửa đầu năm 2021 thuận lợi, triển vọng kinh doanh của CTCP Phân bón Bình Điền nửa cuối năm đối mặt nhiều khó khăn, bởi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng gây sức ép lên biên lợi nhuận.
Lũy kế 6 tháng, Phân bón Bình Điền ghi nhận 4.102 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Lợi nhuận tăng cùng giá phân bón

Kết thúc quý II/2021, báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (Phân bón Bình Điền) cho biết, doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.335,25 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 100,8 tỷ đồng, tăng 14,4%.

Lũy kế 6 tháng, Công ty ghi nhận 4.102 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tiêu thụ nội địa tiếp tục là nguồn đóng góp chính, chiếm 86% cơ cấu doanh thu, với giá trị 3.530,6 tỷ đồng, tăng 60,9% so với nửa đầu năm 2020. Hoạt động xuất khẩu đem về 517,6 tỷ đồng doanh thu, tăng 64%.

Dù giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh, song lợi nhuận gộp vẫn đạt gần 488,4 tỷ đồng, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm 2020, giúp lợi nhuận trước thuế đạt 185,8 tỷ đồng, tăng 93%.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Ban lãnh đạo Phân bón Bình Điền đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu sản lượng sản xuất và tiêu thụ 602.000 tấn, 5.690 tỷ đồng tổng doanh thu và 166 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất. So với kế hoạch đề ra, Công ty đã vượt 12% mục tiêu lợi nhuận sau nửa đầu năm.

Nguyên nhân giúp kinh doanh tăng trưởng mạnh là nhu cầu sử dụng phân bón tăng, trong khi giá các mặt hàng phân bón nói chung và phân NPK nói riêng tăng mạnh thời gian qua.

Trong khi đó, xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới cũng giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu trung bình đạt 348,2 USD/tấn, tăng 18,9% so với 6 tháng đầu năm 2020.

Biên lợi nhuận chịu nhiều sức ép

Phân bón Bình Điền hiện là một trong những nhà sản xuất phân bón NPK lớn nhất trong nước. Công ty đang sở hữu 5 nhà máy với công suất thiết kế khoảng 975.000 tấn/năm, trong đó nhà máy tại Long An có công suất lớn nhất, với khoảng 500.000 tấn/năm. Mặc dù doanh thu, lợi nhuận của Công ty ghi nhận xu hướng tích cực, song biên lợi nhuận đang chịu nhiều sức ép.

Cụ thể, nguyên vật liệu đầu vào của Phân bón Bình Điền chủ yếu là các sản phẩm urea, DAP, kali. Theo báo cáo tháng 7/2021 của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cập nhật từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng này đã tăng trung bình 35-50%. Đặc biệt, giá nguyên vật liệu trong quý II/2021 tăng 14-23% so với quý I/2021. Trong khi đó, giá bán đầu ra của Công ty lại tăng thấp hơn đáng kể, do các đối thủ khác duy trì mức giá bán thấp, buộc Công ty phải giữ mặt bằng giá thấp để cạnh tranh.

Thực tế, trong quý II/2021, biên lợi nhuận gộp của Phân bón Bình Điền đã giảm xuống mức 11,37% so với mức 14,06% cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức 12,6% của quý I/2021. Theo chia sẻ của ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Phân bón Bình Điền tại Đại hội đồng cổ đông 2021, sản lượng tiêu thụ NPK cả nước hiện khoảng 3,6-3,8 triệu tấn/năm, trong đó Công ty cung cấp khoảng 600.000 tấn/năm, tương ứng 15-16% thị phần.

Hiện nay, khoảng 30% thị phần NPK cả nước đang được chia nhau bởi hơn 800 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nhỏ lẻ và nhập khẩu. Yếu tố phân mảnh khiến áp lực cạnh tranh trên thị trường khá gay gắt. “Các doanh nghiệp sản xuất NPK không chỉ cạnh tranh trong ngành, mà còn cạnh tranh với doanh nghiệp nhập khẩu phân đơn, phân hữu cơ, bởi việc gia tăng sử dụng phân đơn, phân hữu cơ ngày càng cao làm cho nhu cầu phân bón NPK giảm”, ông Đông nói.

Trong khi đó, việc nhiều doanh nghiệp như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau... triển khai các dự án mở rộng công suất, xây dựng nhà máy mới hướng tới phân khúc NPK chất lượng cao trong những năm qua cũng khiến mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Đánh giá triển vọng trong thời gian tới, Bộ phận Phân tích của CTCP Chứng khoán TP.HCM cho rằng, doanh nghiệp sản xuất phân NPK trong nước sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực trong bối cảnh giá những thành phần chính để sản xuất NPK, gồm nitơ và phốt phát, đã tăng đáng kể trên thị trường phân bón thế giới. Giá bán NPK trong nước tăng chậm hơn nhiều so với mức tăng của giá nguyên liệu đầu vào, khiến tỷ suất lợi nhận gộp giảm. Ngoài ra, các nguyên liệu đầu vào để sản xuất NPK như kali (nhập khẩu 100%) đang trong tình trạng thiếu hụt do hoạt động vận chuyển bị đình trệ và cước phí cao.

Trong khi đó, việc sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế được kỳ vọng là cú hích cho các doanh nghiệp phân bón nói chung, Phân bón Bình Điền nói riêng. Theo ước tính của Bộ phận Phân tích thuộc CTCP Chứng khoán Mirae Asset, nếu đề xuất thuế GTGT mới được áp dụng sẽ giúp Công ty tiết kiệm khoảng 440 tỷ đồng thuế GTGT được khấu trừ (dựa trên chi phí chịu thuế GTGT năm 2020). Tuy vậy, sau nhiều lần thảo luận và đề xuất trong các kỳ họp Quốc hội, việc sửa luật này đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Theo thống kê tại thị trường trong nước, tính đến cuối tháng 7/2021, giá phân urea các loại tăng 73-75% so với cùng kỳ năm trước. Phân DAP tăng 49-54%, phân NPK tăng trên 30%.
Giá phân bón tăng cao, Đạm Cà Mau lãi 411 tỷ đồng trong nửa đầu năm
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, ghi nhận lãi trước thuế đạt 411 tỷ đồng, vượt 95% chỉ tiêu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư