Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Bộ Y tế hướng dẫn dùng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần
D.Ngân - 02/06/2021 09:18
 
UBND các tỉnh, thành phố có thể xử phạt trường hợp có điện thoại thông minh nhưng không cài đặt, sử dụng ứng dụng khai báo y tế, tiếp xúc gần trên cơ sở tình hình dịch Covid-19 tại địa phương.

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 2666/QĐ-BYT hướng dẫn sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế quy định người dân có điện thoại thông minh cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để thực hiện khai báo y tế điện tử và sinh mã QR

Hướng dẫn này áp dụng đối với người dân và các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí; nơi tập trung đông người bao gồm: Các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí như trụ sở làm việc; khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ; Quán bar; vũ trường; karaoke; cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage), làm đẹp; phòng tập thể dục, thể hình; cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn (theo quy định của Ban tổ chức hoặc người có thẩm quyền triệu tập).

Nơi tập trung đông người: Bệnh viện, các cơ sở y tế; chung cư; trường học; nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ và trên phương tiện giao thông công cộng; trung tâm thương mại, siêu thị; chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng cung cấp các dịch vụ thiết yếu; đám tang, đám cưới; địa điểm tham quan, du lịch, vui chơi, giải trí; khu tâm linh...

Theo Bộ Y tế, hiện nay, có 3 ứng dụng dùng để khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần gồm ứng dụng VHD (VietNam Health Decleration) và tokhaiyte.vn; Bluezone; NCOVI.

Bộ Y tế quy định người dân có điện thoại thông minh cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để thực hiện khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone) và bật chế độ Bluetooth.

Người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có điện thoại thông minh phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế (VHD) và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần.

Sử dụng mã QR được in ra hoặc đã lưu trong điện thoại để thực hiện khai báo y tế và chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo y tế của mình.

Khi đến các địa điểm cần khai báo y tế, đưa mã QR cho nhân viên kiểm soát thực hiện quét hoặc dùng điện thoại để tự quét mã QR tại điểm đó.

Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm việc cài đặt, sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần, xử phạt các trường hợp có điện thoại thông minh nhưng không thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng theo quy định trên cơ sở tình hình dịch Covid-19 và điều kiện thực tế tại địa phương.

Về tình hình dịch bệnh, sáng 2/6, theo thông tin từ Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố ghi nhận thêm 53 ca mắc mới, trong đó Bắc Giang (48), Bắc Ninh (3), Hà Nội (2).

Bắc Giang tiếp tục có số lượng bệnh nhân mới cao nhất cả nước, được phát hiện trong khu cách ly, vùng phong tỏa, liên quan công nhân làm việc tại khu công nghiệp.

Trong số 3 người mắc Covid-19 ở Bắc Ninh, một bệnh nhân là F1, hai người đang được điều tra dịch tễ. Ca bệnh tại Hà Nội đều là F1, đã được cách ly.

Tính từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam có tổng cộng 4.548 ca mắc mới trong nước. Ngoài các "điểm nóng" ở Bắc Giang, Bắc Ninh, dịch đang bùng phát nghiêm trọng ở TP.HCM. Đến nay, 20/22 quận, huyện của thành phố ghi nhận ca bệnh. 

Để ứng phó với đợt dịch này, TP.HCM đã huy động lực lượng toàn ngành Y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm, đạt công suất trung bình 100.000 người/ngày (20.000 mẫu gộp). Xét nghiệm được triển khai tầm soát diện rộng để đánh giá nguy cơ tại cộng đồng.

Về tình hình điều trị, Việt Nam ghi nhận nhiều bệnh nhân trẻ nhưng tình trạng sức khỏe tiên lượng nặng ở Bắc Giang, Long An. Ca tử vong mới nhất và là ca thứ 13 của đợt dịch này là BN3354, nam, 76 tuổi, có địa chỉ tại huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn.

Ngày 7/5, bệnh nhân được xét nghiệm SARS-CoV-2 và cho kết quả dương tính. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh với chẩn đoán viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2, được điều trị tại khoa cấp cứu, quá trình điều trị bệnh nhân sốt liên tục, tức ngực khó thở, suy hô hấp tăng dần. 

Ngày 23/5 bệnh nhân xuất hiện suy hô hấp nặng, tụt huyết áp, được chỉ định đặt ống nội khí quản, thở máy, duy trì vận mạch.

Bệnh nhân có tình trạng chảy máu phổi, nhiễm nấm huyết, được điều trị tích cực bằng truyền chế phẩm máu nhiều lần, thở máy, ECMO, lọc máu liên tục, kháng sinh, kháng nấm theo kháng sinh đồ. Tình trạng bệnh nhân xấu dần mặc dù tình trạng chảy máu phổi giảm. 

Bệnh nhân đã được Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế hội chẩn ngày 28/5 kết luận tình trạng bệnh lý nặng trên bệnh nhân cao tuổi, nguy cơ tử vong cao. 

Ngày 31/5, bệnh nhân vẫn có tình trạng chảy máu phổi tiếp diễn, suy đa tạng tăng, vô niệu, toan chuyển hóa ngày càng nặng. Bệnh nhân tử vong tối 31/5 với chẩn đoán viêm phổi nặng do SARS-CoV-2, biến chứng suy đa tạng, sốc mất máu.

Bệnh nhân 3634 và 3633 không trung thực trong khai báo y tế
Việc khai báo y tế không trung thực đã để lại nhiều hậu quả, làm lây lan dịch bệnh, lực lượng y tế phải mất rất nhiều công sức để truy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư