Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 06 tháng 11 năm 2024,
Cách ly lỏng lẻo, hậu họa khôn lường
D.Ngân - 03/05/2021 09:01
 
Sáng 3/5, nước ta không có thêm ca mắc Covid-19. Hiện toàn bộ hệ thống y tế Hà Nội đang vào cuộc truy vết các trường hợp liên quan đến 2 cô gái mắc Covid-19 làm ở quán bar Sunny.

Khẩn cấp truy vết  F1, F2

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đến sáng 3/5, đã có kết quả xét nghiệm âm tính với 9 trường hợp F1 của các bệnh nhân Covid-19 liên quan đến ổ dịch quán bar Sunny (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) và nhóm chuyên gia người Trung Quốc.

Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác chống dịch tại Yên Bái.

Bên cạnh đó, kết quả 17 mẫu xét nghiệm của cư dân ở tầng 10 chung cư Viễn Đông Star, Hoàng Mai, Hà Nội (nơi ở của bệnh nhân) và 35 mẫu trong khu vực khoanh vùng ngõ 94 Bùi Thị Xuân đều âm tính.

Ngay trong đêm 2/5/2021, Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại khu chung cư Viễn Đông Star. Ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng Hà Nội có thể có nguy cơ lớn về các nguồn lây bệnh.

Đầu tiên là nguồn lây từ các tỉnh khác về Hà Nội; nguy cơ thứ 2 là từ các khu cách ly tập trung trong khách sạn; thứ 3 là từ cư dân Việt Nam nhập cảnh về nước. Trong đó, quá trình cách ly tại các điểm cách ly không có sự nghiêm túc đã dẫn đến hiện tượng lây nhiễm chéo ra ngoài cộng đồng.

Do đó, ông Dũng yêu cầu thắt chặt và quản lý những nguy cơ này, đặc biệt trong những ngày sắp tới khi người dân trở lại TP sinh sống và làm việc.

Để phòng chống dịch Covid-19, theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Sở đã thực hiện truy vết nhanh đối với ca bệnh B.N.H. (SN 1993, trú tại Chung cư Viễn đông Star, số 1 Giáp Nhị, Hoàng Mai) và khoanh vùng ổ dịch này. Ở tầng 10 chung cư này, có tổng số 10/209 cư dân đang sinh sống. Các trường hợp F1, F2 cũng đã được phát hiện, kiểm soát y tế.

Trước đó, Hà Nội đã ghi nhận 2 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 có liên quan đến ổ dịch quán bar Sunny (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) gồm: Bệnh nhân L.Q.A. (27 tuổi, địa chỉ tại 94 Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), là nhân viên quán bar Sunny, có tiếp xúc gần với chuyên gia Trung Quốc mắc Covid-19 và bệnh nhân B.N.H. (sinh năm 1993, trọ tại phòng 1014 chung cư Viễn Đông Star, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội), làm việc tại quán bar Sunny, đã đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người.

Ngay khi có phát hiện các trường hợp dương tính, Hà Nội đã thực hiện truy vết các ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm những nơi có nguy cơ; trong đó đã phong tỏa toàn bộ chung cư Viễn Đông Star và lấy 17 mẫu xét nghiệm cho cư dân tầng 10 của tòa nhà này, là tầng bệnh nhân sinh sống. 

Bài học xưong máu

Theo các chuyên gia, trường hợp BN2899 (ca mắc Covid-19 đầu tiên ở Hà Nam) là bài học cho tất cả mọi người phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp cách ly, nếu không sẽ làm lây lan dịch ra cộng đồng.

Tính đến tối 2/5, chùm lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Nam liên quan đến BN2899 đã lên tới 12 trường hợp.

Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Nam cho biết, với bệnh nhân 2899 trước hết phải xử lý phạt hành chính; Đồng thời, giao cho công an tỉnh và các ngành thực thi pháp luật rà soát lại hồ sơ vụ việc, nếu đủ căn cứ vi phạm sẽ truy cứu hình sự.

Theo chuyên gia, nếu thực hiện tốt quy trình cách ly sẽ giúp kiểm soát dịch hiệu quả.

Các chuyên gia truyền nhiễm cho rằng, quá trình lây nhiễm Covid-19 từ BN 2899 sang các trường hợp khác cho thấy tốc độ lây lan nhanh. Việt Nam đang đối diện với rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch, nhất là ổ dịch tại Hà Nam diễn biến khó lường, các ca bệnh đã đi lại nhiều nơi, tiếp xúc với rất nhiều người.

Được biết, theo quy định của Bộ Y tế, người cách ly tập trung 14 ngày với xét nghiệm 3 lần âm tính sau đó tiếp tục về nhà giám sát, hạn chế tiếp xúc thêm 14 ngày. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người sau khi cách ly tập trung đã không tuân thủ quy định gây hậu quả lớn cho cộng đồng.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, BN 2899 tại Hà Nam đã không thực hiện đúng quy định về cách ly, vẫn tiếp xúc với người khác trong thời gian cách ly tại địa phương làm lây lan dịch bệnh đến nhiều nơi.

Trước đó, Bộ Y tế đã có quy định rất rõ về đảm bảo an toàn trong cả khu cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Trong đó, với người cách ly tại nhà đã có quy định chi tiết như: Phải ở phòng riêng, không tiếp xúc với người bên ngoài, đồ ăn uống được mang vào phòng, không tiếp xúc với ai trong vòng 14 ngày… Tuy nhiên, BN2899 khi về cách ly tại gia đình vẫn gặp gỡ, ăn uống, tiếp xúc với người nhà, bạn bè.

“Người trong diện tự cách ly tại nhà, khi trở về nơi cư trú phải khai báo với địa phương để được quản lý, giám sát. Chính quyền cũng có trách nhiệm vì đã không không giám sát chặt, quản lý nghiêm với người cách ly theo quy định”, PGS Nguyễn Huy Nga cho biết.

Trao đổi về mức độ nguy hiểm của đợt dịch lần này, ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện công công cho biết, Việt Nam hiện đã ghi nhận một số chủng SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh ở Anh, Nam Phi, Ấn Độ. Vì vậy, không loại trừ ổ dịch ở Hà Nam cũng có thể liên quan đến các biến chủng này.

Chuyên gia cho rằng, các địa phương phải quyết liệt nhanh chóng hơn nữa truy vết hết các F0, F1, F2. Đồng thời, phải rà soát lại các khu cách ly.

Ông Phu khuyến cáo, bài học lây nhiễm trong khu cách ly ở Khách sạn Như Nguyệt 2, tỉnh Yên Bái gần đây nhất chính là bài học của các địa phương khác trong vấn đề cách ly. Nếu lơ là, không tuân thủ mọi quy trình đã hướng dẫn thì có thể dịch bệnh sẽ lây lan ngay trong chính khu cách ly.

Công tác cách ly tại một số cơ sở đang tồn tại nhiều lỗ hổng.

Trực tiếp đi kiểm tra khu cách ly tại Yên Bái, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng thừa nhận, một số cơ sở chưa có biện pháp phân luồng hiệu quả để giảm đi lại, tiếp xúc giữa những người đang cách ly; chưa phân rõ khu cách ly người nhập cảnh và khu điều hành.

Hơn nữa, tại khu cách ly tập trung việc bố trí khu vực ban đêm chưa phù hợp, chưa trang bị đầy đủ trang thiết bị cho người cách ly, chưa có phương án xử trí khi có trường hợp hợp dương tính; không sắp xếp rõ ràng các đối tượng trong nhóm nguy cơ như nhóm chuyên gia nhập cảnh đến từ các quốc gia đang bùng phát dịch mạnh với các biến thể mới. Cán bộ cũng chưa mặc quần áo bảo hộ khi đưa đồ ăn, thức uống cho người cách ly.

Đặc biệt, chất lượng nước sát khuẩn tại cơ sở cách ly tập trung chưa đảm bảo, chưa được Bộ Y tế cấp phép; quy trình lưu giữ chất thải, lây nhiễm chưa đúng quy định, công tác tổ chức giám sát sau 14 ngày cách ly tập trung chưa tốt... 

Trước thực tế này, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Yên Bái cần cập nhật hướng dẫn phòng, chống Covid-19, đặc biệt là hướng dẫn cách ly y tế cho cơ sở cách ly tập trung và cơ sở khám, chữa bệnh. Đồng thời tỉnh phải tăng cường phương án kiểm tra, rà soát công tác cách ly y tế, các khu cách ly tập trung, cần thiết phải lắp camera giám sát, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục những thiếu sót... 

Hà Nội Phát hiện 46 ca nhập cảnh trái phép

Ông Nguyễn Huy Cường, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các lực lượng chức năng quận Nam Từ Liêm đã phát hiện và đang phối hợp với cơ quan Công an tiến hành lấy lời khai 46 người nước ngoài nhập cảnh trái phép, thuê chung cư sống trên địa bàn quận.

Với số người nhập cảnh trái phép này, Trung tâm Y tế quận đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Quận Nam Từ Liêm sẽ báo cáo và phối hợp với lực lượng công an tiếp tục truy vấn, lấy lời khai và đưa những người này đi cách ly theo quy định.
Cần giám sát ca bệnh, giải trình tự gen các biến thể mới của Covid-19
Biến chủng kép B.1.617 đang khiến tình hình dịch tại Ấn Độ khó kiểm soát và đây cũng là bài học cho Việt Nam trong công tác ngăn chặn dịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư