Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua 14 tỉnh miền Trung: Động lực phát triển bền vững giao thông
Bảo Như - 27/08/2020 17:33
 
Nếu không có gì thay đổi, cuối tháng 9 tới, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) sẽ khởi công những gói thầu đầu tiên tại 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
.

Ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây vừa được chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công.

Ngoài 3 dự án trên, Bộ GTVT cũng đang đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư cho 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam khác (Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo) để có thể khởi công trong quý I/2021. Đây còn là nỗ lực nhằm đáp ứng mục tiêu hoàn thành toàn bộ 11 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 vào năm 2023 như chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.

Một điểm chung của phần lớn dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dài hơn 650 km nói trên là đều được xây dựng mới, đồng bộ và nằm trọn trong địa bàn 14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Nói cách khác, các tỉnh miền Trung sẽ là những địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ tuyến cao tốc huyết mạch này.

Bên cạnh đó, nếu quyết tâm dồn nguồn lực lên tới hơn 150.000 tỷ đồng trong 5 năm tới để thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị tới Cần Thơ trở thành hiện thực, thì các tỉnh miền Trung cũng sẽ có thêm khoảng 700 km đường cao tốc nữa, biến tuyến cao tốc Bắc - Nam thực sự trở thành tuyến hạ tầng động lực trục dọc rất lớn, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội khu vực.

Gần đây, khu vực miền Trung đã nhận được sự đầu tư rất lớn về hạ tầng từ Trung ương, trong đó Bộ GTVT đầu tư tới 35% lượng vốn được Chính phủ phân giao giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án hạ tầng lớn tại khu vực này. Với số lượng sân bay, cảng biển, đường cao tốc đã và sẽ đầu tư trong 5 năm tới, miền Trung chính là khu vực có mật độ công trình giao thông dày đặc và đồng bộ nhất nước.

Điều đáng nói là mặc dù đã nhận được sự đầu tư lớn, nhưng sức lan tỏa từ các công trình hạ tầng giao thông đối với kinh tế - xã hội khu vực chưa cao như kỳ vọng, mà rõ nhất chính là tại khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. 

Không khó để chỉ ra những bất cập trong quá trình đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông tại miền Trung thời gian qua. Đầu tiên là việc các tuyến trục ngang trong khu vực chưa được đầu tư đồng bộ toàn tuyến như Quốc lộ 24, Quốc lộ 40B, Quốc lộ 14E, Quốc lộ 19, Quốc lộ 14D… nên chưa phát huy tốt hiệu quả các tuyến cao tốc trục dọc đã được đầu tư lớn. Bên cạnh đó, tính liên kết, tính đồng bộ về kết cấu hạ tầng giữa các tuyến giao thông liên vùng như tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu quốc tế chưa cao. Tỷ lệ đảm nhận giữa các phương thức vận tải còn chưa cân đối do vận tải bằng đường bộ là chủ yếu mặc dù khu vực này có hệ thống cảng biển dày đặc.

Chính vì vậy, cùng với việc ưu tiên đầu tư tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào những công trình có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế - xã hội ở miền Trung, việc triển khai các dự án hạ tầng kết nối liên thông giữa các địa phương vùng với lộ trình hợp lý, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả đầu tư là nhiệm vụ cần được Bộ GTVT và 14 tỉnh thành khu vực miền Trung quan tâm.

Trong bối cảnh nhu cầu nguồn vốn đầu tư giao thông lớn hơn rất nhiều so với khả năng cân đối nguồn nên nếu ưu tiêu nguồn lực để tập trung đầu tư các dự án động lực, đột phá, thì Bộ GTVT sẽ không còn khả năng cân đối cho các dự án khác. Chính vì vậy, các địa phương trong vùng cần chủ động san sẻ với ngành này khi đảm nhận các dự án kết nối với trung tâm kinh tế, cảng cảng biển, các khu công nghiệp; hệ thống vận tải pha sông biển; cơ cấu lại các phương thức vận tải trong nội tỉnh…

Việc đầu tư này cần tuân thủ sự điều phối chung của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, tránh dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, chồng chéo, lạm phát cảng biển, sân bay, nhưng lại thiếu các dự án liên kết vùng, không tận dụng lợi thế hạ tầng vốn có trong khu vực.

Đây cũng chính là nguyên tắc cao nhất trong lựa chọn dự án, phân bổ nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông miền Trung thời gian tới. Nguyên tắc này có thể giúp hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hài hòa, bền vững, góp phần lan tỏa động lực lớn hơn trong thu hút đầu tư, cải thiện đời sống dân sinh các tỉnh miền Trung.

Việt Nam cam kết đẩy mạnh phát triển giao thông xanh – giao thông thông minh
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại lễ khai mạc Diễn đàn liên chính phủ về phát triển GTVT bền vững với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư