Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
CEO Bavabi Phạm Thị Thu Hiền: Đến lúc phải máu lửa hơn
Hải Yến - 01/02/2020 10:00
 
Máu lửa bước vào thương trường từ chiếc kén “10 năm làm nghiên cứu thực phẩm cho cơ quan nhà nước”, sau 5 năm, Phạm Thị Thu Hiền xác định, đã đến lúc chuẩn bị hành trang ra biển lớn, với thị trường mục tiêu năm 2020-2021 là Mỹ, Nhật Bản và Liên bang Nga.
.
.

Khó mới cần chinh phục

Những ngày cuối năm 2019, CEO Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) Phạm Thị Thu Hiền gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Giờ nghỉ của chị phần nhiều là trên các chuyến xe di chuyển liên tục giữa Quảng Ninh và Hà Nội. Cuộc gặp gỡ với chị được thu xếp vội vàng ngay sau khi chị kết thúc cuộc phỏng vấn xin visa đi Mỹ để mở đường cho xuất khẩu sản phẩm ruốc hàu sang thị trường này.

“Hôm qua, tôi ra khỏi nhà từ 6h sáng, làm việc đến 11h đêm, sáng nay đi Hà Nội từ 3h sáng để 10h có mặt tại Đại sứ quán Mỹ. Sau 5 năm, Bavabi đã có chỗ đứng ổn định tại thị trường nội địa. Đây là lúc tôi và các đối tác phải chuyển động mạnh hơn để Bavabi đến được nhiều thị trường lớn ngoài lãnh thổ Việt Nam”, chị nói với vẻ máu lửa hiện rõ trên khuôn mặt.

Triển khai một loạt phần việc lớn với mục tiêu xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính, nhưng Hiền có cơ sở để tin rằng, mình sẽ làm được. Chuyến đi Mỹ sắp tới của chị là do đối tác Mỹ mời sang để bàn thảo về việc tiếp thị sản phẩm vào thị trường này. Sản phẩm ruốc hàu làm ở dạng chế biến sâu như Bavabi không nhiều, nên Công ty sẽ có cơ hội chinh phục thị trường này, nếu được đối tác tại Mỹ hỗ trợ.

Năm qua, Bavabi đã gọi vốn thành công khi Tập đoàn HB đồng ý góp 45% cổ phần để cụ thể hóa kế hoạch dài hơi: nâng tầm quy mô sản xuất, chuẩn hóa dây chuyền, công nghệ chế biến và sản xuất để chinh phục khách hàng ngoại quốc.

“Bavabi đã đi một mình suốt từ khi khởi nghiệp vào năm 2014 đến nay. Sản phẩm đầu tiên là ruốc hàu đã tạo hiệu ứng tốt trên thị trường nội địa để Công ty tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm. Từ mức 2 tỷ đồng trong năm đầu tiên, doanh thu của Công ty đã vươn lên 30 tỷ đồng vào cuối năm 2018 và đạt mức tăng trưởng 30% trong năm 2019”, Hiền chia sẻ.

Xác định đưa sản phẩm vào những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ là không hề dễ dàng, nhưng khó mới cần chinh phục, mới cần nỗ lực, mới cần sự hỗ trợ của các nhà đầu tư. Lý do khiến Hiền “máu lửa” như vậy chính là: “Tôi muốn sản phẩm từ biển Vân Đồn quê mình phải được đưa ra thế giới, để người tiêu dùng các nước biết Việt Nam có nền sản xuất tiêu chuẩn, có sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao như Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm thành công”.

Bavabi - Báu vật biển

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa chuyên ngành chế biến thực phẩm, Hiền có 10 năm làm nghiên cứu thực phẩm cho cơ quan nhà nước. Ý nghĩ lập doanh nghiệp cũng xuất phát từ quãng thời gian này, khi chị nhận ra là có nhiều đề tài nghiên cứu rất hữu ích nhưng chỉ được “nhét ngăn bàn”. Cuối năm 2014, chị thành lập doanh nghiệp với Dự án “Nghiên cứu quy trình công nghệ chế biến hàu Thái Bình Dương thành sản phẩm hàu sấy khô, hàu tẩm ướp gia vị tại Quảng Ninh”.

Bavabi là doanh nghiệp đầu tiên làm sản phẩm chế biến sâu từ hàu. Loại hải sản này được ví như tinh hoa của biển, chứa nguồn protein cao cùng với nhiều axit amin, kẽm và vitamin, nhưng có vị tanh đặc trưng, thịt mềm và dễ nát. Vì vậy, việc tìm kiếm cách chế biến hàu thành thực phẩm bổ dưỡng là một hành trình gian khó với Bavabi. “Cái tên Bavabi do tôi nghĩ ra. Bavabi nghĩa là báu vật biển”, Hiền kể.

Nhiều năm làm trong ngành chế biến thực phẩm, Hiền nhận thấy, với ngành chế biến thủy hải sản, các doanh nghiệp phần lớn chỉ quan tâm đến chế biến và xuất khẩu các sản phẩm đông lạnh, chưa nhiều doanh nghiệp để ý chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm. “Bavabi sống khỏe được là vì thị trường chưa có đối thủ cạnh tranh”, chị hiểu rất rõ và trân trọng điều đó.

Giờ thì cái tên Bavabi đã rất nổi tiếng, không chỉ tại Quảng Ninh, mà còn trong ngành thực phẩm cả nước vì tiên phong trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm ăn liền cao cấp từ hải sản. Các sản phẩm ruốc hàu, ruốc cá, ruốc tép… mang thương hiệu Bavabi đã sớm chinh phục được người tiêu dùng trong nước.

Sau thành công đó là cả quãng thời gian vất vả, có những lúc, Hiền tưởng không thể trụ vững. Vốn là dân kỹ thuật, nên thời gian đầu khởi nghiệp kinh doanh, sờ vào đâu chị cũng thấy bỡ ngỡ, thiếu từ kỹ năng đến kinh nghiệm. “Tôi phải học từ A - Z, với hàng chục khóa học khác nhau, như tham gia lớp CEO, học tài chính, quản trị nhân sự, học về tiền lương, quản lý đội bán hàng…. Học nhiều không phải để trực tiếp làm, mà để khi thuê nhân sự, mình có đủ kiến thức mà tương tác tốt với họ”, Hiền chia sẻ.

Đầu tư cho nguyên liệu để đi đường dài

Tạm thở phào với chặng đường đầu tiên, nhưng mọi chông gai với Bavabi bây giờ mới bắt đầu, bởi đi ra biển lớn sẽ khác ở ao nhà mình. Kể cả khi có nhà đầu tư cùng bỏ vốn kinh doanh, thì chị vẫn xác định mình phải là trụ cột. Hiền bảo, điều hành một doanh nghiệp, nếu không quyết liệt, không máu lửa sẽ không thể cầm trịch nổi, thậm chí nhiều tình huống phải ra quyết định với đầy yếu tố mạo hiểm.

“Để đi đường dài, điều quan trọng với Bavabi là xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định để có thể đề phòng được rủi ro từ thiên nhiên. Thực tế cho thấy, chỉ cần một trận bão, rơi hết phao thì vùng nguyên liệu sẽ thành bãi rác. Vậy nên, tập trung mạnh cho hạ tầng nuôi nguyên liệu mới là cách để chúng tôi đi đường dài”, Hiền trăn trở.

Bavabi và Tập đoàn HB tham vọng lập thành chuỗi sản xuất hàu, chủ động từ con giống đến thành phẩm cuối cùng. “Khi có nhà đầu tư vào cùng làm thì chiến lược của Bavabi phải có tầm hơn. Sắp tới, Bavabi không chỉ sản xuất sản phẩm, mà sẽ tham gia làm từ con giống, để ổn định nguồn nguyên liệu, khắc phục tình trạng hiện nay là sản lượng hàu tại Quảng Ninh không cao do con giống không tốt.

Được biết, cuối năm 2019, Bavabi đã kỷ niệm 5 năm thành lập bằng dấu mốc mở rộng diện tích nhà xưởng sản xuất lên 400 m2. Nhưng với mục tiêu tiến xa hơn, đi nước cờ chiến lược hơn, Bavabi và đối tác đang xây dựng nhà máy chế biến có quy mô lớn gấp 10 lần hiện tại. Họ xác định, muốn đưa sản phẩm chinh phục thị trường tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, thì chi phí đầu tư công nghệ chế biến, máy móc, thiết bị phải rất lớn.

“Sang Nhật học tập kinh nghiệm, tôi mới thấy mình chỉ bằng 1/50 họ. Vậy nên, Bavabi phải cải tiến, phải thay đổi với sự chuyển động của thị trường, của công nghệ”, Hiền xác định.

Sự đam mê, năng động, nhiệt huyết của CEO Bavabi khiến tôi tin rằng, “Báu vật biển” sẽ còn tiến xa hơn…

[eMagazine] Doanh nhân Lê Hạnh, CEO TV Hub: Tôi muốn thực hiện giấc mơ của mình và của nhiều người
Từng muốn kiếm thật nhiều tiền ở tuổi 30, đặt mục tiêu về hưu năm 40 tuổi với 5 triệu USD trong tay, nhưng ước mơ xây dựng đế chế truyền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư