Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 25 tháng 12 năm 2024,
Cha mẹ cần chú ý dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ
D.Ngân - 09/07/2024 13:33
 
Bé gái 7 tuổi, cao 1,2m, nặng gần 27kg được bác sĩ tiêm hormone kìm hãm dậy thì sớm.

Theo các bác sĩ chiều cao cân nặng vượt ngưỡng so với lứa tuổi. Kết quả xét nghiệm máu đo nồng độ nội tiết nữ (estradiol) cao, nghiệm pháp kích thích bằng GnRH để chẩn đoán xác định dậy thì sớm dương tính.

Ảnh minh họa

Bác sĩ chẩn đoán bé dậy thì sớm thể trung ương, trục hạ đồi tuyến yên trưởng thành gây kích thích tuyến sinh dục tiết hormone. Thói quen sinh hoạt, tiền sử gia đình và kết quả chụp MRI não đều không phát hiện bất thường nên kết luận bệnh nhi dậy thì sớm không rõ nguyên nhân.

Bệnh nhi được tiêm thuốc ức chế hoạt động của trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục giúp hormone trở lại bình thường. Thuốc này còn giúp xương trẻ không bị cốt hóa sớm, chiều cao phát triển không thua kém bạn đồng lứa.

Sau 4 đợt thuốc tiêm, lần gần nhất vào tháng 5, nồng độ hormone bé trở lại ngưỡng chưa dậy thì, chiều cao tăng 8cm, ngực giữ mức độ ba, các đặc tính sinh dục thứ phát khác chưa phát triển, tâm lý bình thường.

Ngoài trường hợp trẻ nêu trên thì nhiều trường hợp trẻ dậy sớm đã được điều trị hiệu quả tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng trẻ đến khám và điều trị dậy thì sớm tại Khoa Nội tiết - Đái tháo đường tăng rõ rệt.

Riêng tháng 5 và 6, lượt trẻ khám dậy thì sớm tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Theo các bác sĩ nguyên nhân có thể do gần đây phụ huynh quan tâm hơn về dậy thì sớm. Đây cũng là thời điểm nghỉ hè, thích hợp cho trẻ khám và điều trị.

Tuổi dậy thì ở trẻ nữ thường 8-12 tuổi, trẻ nam 9-13 tuổi. Trẻ được gọi là dậy thì sớm khi quá trình thay đổi trong cơ thể xảy ra trước 8 tuổi ở trẻ nữ và trước 9 tuổi ở trẻ nam. Nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ nữ cao gấp 4-10 lần so với trẻ nam.

TS.Hoàng Kim Ước, Trưởng Khoa Nội tiết - Đái tháo đường chẩn đoán dậy thì sớm thông qua khám lâm sàng, thu thập số liệu chính xác về chiều cao, cân nặng, thói quen sinh hoạt…

Các xét nghiệm liên quan có thể được chỉ định như xét nghiệm máu, siêu âm xác định mức độ phát triển của tuyến vú, tử cung buồng trứng ở trẻ nữ, tinh hoàn ở trẻ nam, X-quang xác định tuổi xương, test kích thích GnRH.

Bác sĩ Ước cho biết, dậy thì sớm có xu hướng gia tăng nhanh. Khi trẻ có dấu hiệu phát triển sớm, cha mẹ nên đưa con đi khám tại chuyên khoa Nội tiết.

Tỷ lệ dậy thì sớm ở trẻ em dao động trong khoảng từ 1/5.000 – 1/10.000. Dậy thì sớm là một trong những nguyên nhân khiến trẻ gặp tự ti về ngoại hình và tăng nguy cơ lạm dụng tình dục ở trẻ.

Theo nghiên cứu, trẻ dậy thì khi não bắt đầu thực hiện quá trình sản xuất một loại hormone có tên gọi là hormone giải phóng gonadotropin (GnRH).

Hormone này đi đến tuyến yên giúp kích thích quá trình sản xuất hormone estrogen (hormone liên quan đến sự tăng trưởng và phát triển các đặc tính sinh dục ở nữ giới) và hormone testosterone (hormone chịu trách nhiệm cho sự tăng trưởng và phát triển các đặc tính sinh dục ở nam giới). 

Dậy thì sớm ở trẻ có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác như do trẻ có khối u trên buồng trứng, tuyến thượng thận, tuyến yên, não hay do các vấn đề về thần kinh trung ương, rối loạn hormone, chấn thương não, tiền sử bệnh của gia đình hay do một số di truyền hiếm gặp. Thậm chí, nhiều trường hợp dậy thì sớm không tìm thấy nguyên nhân gây cụ thể. 

Dậy thì sớm trung ương là tình trạng quá trình dậy thì bắt đầu quá sớm, tuy nhiên, các bước trong quy trình dậy thì không xuất hiện bất kỳ điểm bất thường nào, trẻ cũng không gặp phải vấn đề y tế tiềm ẩn nào. Vì vậy, phần lớn các trường hợp trẻ dậy thì sớm trung ương đều không thể xác định được nguyên nhân chính xác.

Dậy thì sớm có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, thậm chí nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, bố mẹ có thể giảm nguy cơ dậy thì sớm cho trẻ bằng cách cho trẻ thực hiện các biện pháp phòng tránh sau:

Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân đối, tránh để trẻ thừa cân béo phì, nhất là ở các bé gái.

Cho trẻ thăm khám sức khỏe định kỳ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Không cho trẻ sử dụng các mỹ phẩm làm đẹp sớm hoặc dùng các loại thuốc gây ảnh hưởng đến nội tiết tố sinh dục của trẻ.

Lưu ý, hiện nay một số quan điểm cho rằng tình trạng dậy thì sớm ở trẻ xảy ra có liên quan đến việc cho trẻ uống nhiều sữa mỗi ngày nên nhiều bố mẹ đã tự cắt nguồn sữa cho trẻ.

Hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học này về vấn đề này. Việc cắt ngang nguồn sữa bổ sung cho trẻ khiến cho trẻ bị thiếu hụt canxi, gây ảnh hưởng đến sức đề kháng và chiều cao của trẻ. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư