Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Chen chân chờ đầu tư siêu dự án 95.425 tỷ đồng vành đai 4 - vùng Thủ đô
Anh Minh - 19/01/2022 08:53
 
Rất nhiều nhà đầu tư lớn được UBND TP.Hà Nội xác nhận là quan tâm tới Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội, với tổng mức đầu tư lên tới 95.425 tỷ đồng.
Phối cảnh một đoạn đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Nới rộng không gian phát triển

Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội được đánh giá là có quy mô vốn đầu tư rất lớn, có tác động sâu, rộng tới diện mạo kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô Hà Nội và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng trong 5 -10 năm tới.

Trước đó, vào đầu tháng 1/2022, UBND TP. Hà Nội đã có Tờ trình số 02/TTr-UBND kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là lần thứ ba, UBND TP. Hà Nội có tờ trình gửi Chính phủ về Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án này.

Điểm khác biệt của lần trình Chính phủ mới đây là Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đã được Hội đồng Thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi. Bản thân nhiều nội dung trong Tờ trình số 02/TTr-UBND đã được UBND TP. Hà Nội và nhà đầu tư lập đề xuất Dự án là Tập đoàn Vingroup tiếp thu, cập nhật để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai.

Theo đề xuất mới nhất của UBND TP. Hà Nội, Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long), đi qua địa phận TP. Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần, vận hành độc lập và triển khai theo hình thức hỗn hợp đầu tư công và đầu tư PPP, gồm: Dự án thành phần 1 - Giải phóng mặt bằng (theo quy mô quy hoạch bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường 2 bên, hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia, tổng mức đầu tư 24.242 tỷ đồng, dự kiến đầu tư bằng vốn đầu tư công; Dự án thành phần 2 - Công tác xây dựng đường 2 bên, tổng mức đầu tư 9.399 tỷ đồng, dự kiến đầu tư vốn đầu tư công; Dự án thành phần 3 - Đầu tư hệ thống đường cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư 61.784 tỷ đồng.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội theo quy hoạch sẽ gồm cao tốc chính tuyến quy mô 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên, các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ cho đường sắt vành đai. Tổng chiều rộng mặt cắt ngang đoạn thông thường là 120 m, đoạn đi ra ngoài đê sông Đáy hiện hữu có tổng chiều rộng mặt cắt ngang 135 m, một số vị trí đặc biệt đi qua khu đô thị, khu công nghiệp khó khăn về mặt bằng có thể thu hẹp phần dải dự trữ.

Trong giai đoạn phân kỳ, Dự án sẽ giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch, nhưng chỉ xây dựng tuyến cao tốc có mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc và hệ thống đường đô thị, đường song hành; bề rộng nền đường cao tốc đi bằng là 17 m, đi trên cao là 17,5 m; bề rộng nền đường song hành mỗi bên là 12 m.

Với phương án đầu tư nói trên, tổng mức đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là 95.425 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 32.691 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 30.340 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư là 29.291 tỷ đồng (bằng 50% tổng mức đầu tư dự án thành phần PPP, bằng 31% tổng mức đầu tư dự án tổng thể); lãi vay là 3.003 tỷ đồng.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, 2 địa phương có tuyến đường đi qua là Hưng Yên và Bắc Ninh đều đồng thuận và ủng hộ phương án đường cao tốc đi trên cao. Tuy nhiên, tại một số đoạn tuyến (khoảng 28,39 km) có nhu cầu liên kết ngang và phát triển quỹ đất hai bên tuyến, UBND TP. Hà Nội đề xuất xây dựng đường cao tốc đi thấp.

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội khẳng định, hệ thống đường 2 bên cũng cần được đầu tư đồng bộ để phát huy tiềm năng quỹ đất hai bên tuyến.

Cụ thể, nếu tính từ chỉ giới đường đỏ ra mỗi bên 200 m, thì diện tích đất có thể sử dụng lên đến 4.105 ha trong đó quỹ đất chưa xây dựng có thể quy hoạch và khai thác khoảng 3.548 ha (Hà Nội 1.690 ha, Hưng Yên 571 ha, Bắc Ninh 1.287 ha); phát huy lợi thế các quy hoạch đã và đang được triển khai của TP. Hà Nội gồm các phân khu S1, S2, S3, S4 phía Đông vành đai 4 và một số khu đô thị đã xây dựng như Mê Linh, Đan Phượng, An Khánh, Song Phương, Thanh Oai; các khu đô thị, công nghiệp dọc tuyến thuộc địa bàn Bắc Ninh, Hưng Yên như Ecopark, Ocean Park, KCN Hòa Phát, KCN Quế Võ (Bắc Ninh)…

Hấp lực lớn

Để đảm bảo tính khả thi và tiến độ triển khai Dự án (hoàn thành vào năm 2028), UBND TP. Hà Nội kiến nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội cơ chế cho phép sử dụng ngân sách của một địa phương chi cho một địa phương khác.

“Dự án có tổng mức đầu tư lớn đi qua địa phận 3 địa phương và có sử dụng vốn đóng góp của các địa phương với điều kiện kinh tế, khả năng cân đối khác nhau, nên cần thiết xem xét điều phối linh hoạt về quản lý và nguồn vốn đầu tư”, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội giải thích.

Một cơ chế đáng lưu ý khác là UBND TP. Hà Nội cho phép Dự án được đa dạng hóa việc định hướng huy động vốn cho như trái phiếu chính phủ, trái phiếu công trình, trái phiếu địa phương…, nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào vốn ngân sách và các khoản tín dụng từ các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, “ngôi sao” lớn nhất trong Tờ trình số 02/TTr-UBND là Dự án thành phần 3 - Đầu tư hệ thống đường cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT. Với mức thu phí khởi điểm là 1.700 đồng/phương tiện tiêu chuẩn/km, nhà đầu tư góp 50% tổng mức đầu tư, Dự án có thời gian hoàn vốn là 26 năm, trong đó tỷ suất nội hoàn (IRR) là 10,48%, tỷ số lợi ích - chi phí (B/C) là 1,002 (tỷ số B/C lớn hơn hoặc bằng 1 thì dự án có hiệu quả về mặt tài chính).

Để tăng tính khả thi triển khai theo phương thức PPP, tăng tính hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư và huy động vốn, UBND TP. Hà Nội kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép Dự án được áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82, Luật PPP.

Mặc dù vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện chuẩn bị chủ trương đầu tư, song đã có nhiều nhà đầu tư có tiềm năng chính thức quan tâm đến Dự án, như Vingroup, T&T, Him Lam, DIC Corp, Phương Thành, Geleximco… Trong quá trình triển khai, UBND TP. Hà Nội cũng đã làm việc với các nhà đầu tư để khẳng định mức độ quan tâm và đã nhận được những phản hồi tích cực về tính khả thi của Dự án.

“Với các nhà đầu tư tiềm năng quan tâm đến Dự án, việc huy động nguồn vốn BOT lớn với khoảng 29.391 tỷ đồng là rất khả thi”, ông Tuấn đánh giá.

Tuy nhiên, một điểm cấn cá lớn tại Dự án là khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư tại Dự án thành phần 3 - Xây dựng hệ thống đường cao tốc đi trên cao.

Tại Công văn số 8721/BGTVT-GSTĐĐT gửi UBND TP. Hà Nội vào đầu tháng 12/2021 đề nghị giải trình, làm rõ hồ sơ Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, Cơ quan Thường trực Hội đồng Thẩm định Nhà nước đã bày tỏ lo ngại về lưu lượng xe trên tuyến cao tốc có thể không đạt như dự báo.

Cụ thể, tại Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, ngoài Dự án thành phần 3 - Xây dựng đường cao tốc trên cao theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, còn xây dựng đường đô thị, đường song hành đi dưới thấp (Dự án thành phần 2). Việc đầu tư đường song hành dưới thấp sẽ ảnh hưởng tới việc khai thác, phân lưu luồng xe với đường BOT trên cao.

“UBND TP. Hà Nội cần có tính toán chi tiết phân lưu giữa đường trên cao và đường dưới thấp để xem xét khả năng hoàn vốn và tính khả thi của Dự án BOT thành phần 3 đi trên cao”, đại diện Cơ quan Thường trực Hội đồng Thẩm định Nhà nước kiến nghị.

Ẩn số tại “siêu” dự án vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Còn nhiều điểm cần được UBND TP. Hà Nội làm sáng tỏ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - Vùng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư