Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Chỉ 20% lương y được cấp phép
D.Ngân - 25/06/2023 15:26
 
Hiện chỉ có khoảng 20% lương y của Hội Đông y Việt Nam được cấp giấy phép hành nghề.

Vừa qua, Hội Đông y Việt Nam tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin về chương trình giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y.

Ảnh minh hoạ.

Theo báo cáo của Hội Đông Y Việt Nam, kể từ khi thành lập đến năm 2023, cả nước có gần 70.000 hội viên, trong đó có khoảng 10.000 lương y. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 20% lương y của Hội Đông y Việt Nam được cấp giấy phép hành nghề.

PGS. TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng, trên thực tế, một số lượng lớn lương y là những người trưởng thành từ các gia đình có truyền thống hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng đông y, hoặc những người có bằng cấp khác nhưng lại yêu thích đông y và tự học, hay tham gia các khóa học về giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y của các tổ chức Hội Đông y trong toàn quốc. 

Thậm chí, có người là giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ tây y, hay dược sĩ đại học, hay tiến sĩ ngành khác muốn trở thành lương y để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng đông y.

Tuy nhiên, việc giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn cung cấp năng lực khám bệnh, chữa bệnh bằng Đông y cho đối tượng lương y, pháp luật hiện chưa có quy định. 

Do đó, người có nhu cầu được đào tạo bài bản, chính thống và cấp giấy chứng nhận lương y gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y để học tập.

Bên cạnh đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 quy định, lương y là chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề và là hội viên của Hội Đông y Việt Nam. 

Với quy định này, sẽ có rất nhiều lương y chưa đủ điều kiện để hoạt động, thậm chí trở thành hành nghề “chui”.

Chính vì vậy, giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn cho đối tượng lương y là một yêu cầu hết sức cấp thiết đối với những người hành nghề Đông y. 

Hơn nữa, việc giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đối với các lương y cũng góp phần bảo vệ quyền lợi của người dân trong công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Được biết, thời gian qua, Hội Đông y Việt Nam đã chủ động tổ chức xây dựng chương trình giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y cho hội viên. 

Chương trình đào tạo này gồm 150 tín chỉ trong thời gian là 5 năm, dựa trên nền tảng chương trình đào tạo bác sĩ chuyên ngành y học cổ truyền của các trường đại học y dược trong cả nước, có bổ sung phần kiến thức đông y.

Hiện, Hội Đông y Việt Nam đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trì tổ chức các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn Đông y cho hội viên. 

Tại tờ trình, theo Hội Đông y, trong ngành đông y, việc hành nghề có rất nhiều bí quyết, bởi lẽ một nội dung, người này làm kết quả, người khác làm không có kết quả, cũng như yếu tố gia truyền trong khám bệnh, chữa bệnh rất quan trọng và có khi đóng vai trò quyết định đối với phương pháp chữa bệnh có kết quả hay không.

Do vậy, trong giáo dục nghề nghiệp đông y, việc giáo dục và truyền thụ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp phải lấy phương pháp truyền nghề - cầm tay chỉ việc của các bậc thầy lương y làm phương pháp đặc thù trong giáo dục nghề đông y, làm chủ đạo và cần được đề cao, chủ trọng, xem truyền nghề như là phương pháp khai thác và giữ gìn bí quyết nghề nghiệp trong hành nghề khám bênh, chữa bệnh bằng đông y.  

Ngoài ra, giáo dục nghề nghiệp đông y bằng truyền nghề sẽ giữ được bản sắc đông y và bí quyết nghề nghiệp.

Phương pháp giáo dục nghề nghiệp bằng truyền nghề cần được coi trọng như giáo dục hàn lâm tại các trường đại học và hãy xem như sự tồn tại đặc thù của ngành đông y, nó không làm giảm đi chất lượng giáo dục mà còn tăng thêm tính đa dạng, cũng như đặc sắc của nền giáo dục nghề Việt Nam ta và luôn giữ được bí quyết nghề nghiệp. 

Hội Đông Y Việt Nam đề xuất Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao Hội Đông y Việt Nam chủ trì tổ chức các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y theo phương pháp truyền nghề cho Hội viêntrước khi trình cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận lương y”.

Công tác giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y cho Hội viên thực hiện theo nguyên tắc đáp ứng nhu cầu xã hội, không làm phát sinh biên chế và tăng ngân sách hoạt động của Hội Đông y Việt Nam. 

Ngoài việc cấp phép cho lương y, chất lượng dược liệu, theo số liệu của Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, trong năm 2022, hệ thống kiểm nghiệm nhà nước đã lấy 5.306 mẫu đông dược để kiểm tra chất lượng, trong đó 25 mẫu không đạt (0,47%). Với 2.224 mẫu dược liệu, có 85 mẫu không đạt (3,82%), ngoài ra, còn có 4 mẫu đông dược giả... 

Đáng lưu ý, việc kiểm tra mẫu trên là đối với thuốc đã được đăng ký cấp phép còn với những mẫu do người dân nghi ngờ, tự mang đến viện xét nghiệm (phần lớn là thuốc không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác) cũng phát hiện chất cấm, chất tân dược như giảm đau, chống viêm. 

Tại Hà Nội, qua kiểm tra, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cũng phát hiện một số thuốc bị làm giả như hoài sơn làm giả bằng củ sắn, hồng hoa làm giả bằng phôi bào nhuộm phẩm đỏ, bạch linh làm giả bằng thạch cao dẻo...

Còn trên lĩnh vực chuyên môn, Phó Ban chuyên môn, Hội Đông y TP.Hà Nội Cấn Thị Thủy cho rằng, Chính phủ cần có quy định về kiểm soát nguồn gốc và chất lượng các loại thảo dược cũng như thiết lập những tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra sản phẩm đông y trước khi bán ra thị trường.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở khám, chữa bệnh, sản xuất thuốc y học cổ truyền, bảo đảm các cơ sở phải có giấy phép hoạt động đầy đủ.

Như vậy, để minh bạch thị trường thuốc y học cổ truyền, điều quan trọng là sự phối hợp trách nhiệm và thực chất giữa các cấp, ngành, địa phương bởi đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Y tế. 

Gần 4% mẫu dược liệu được kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Trong năm 2022, tổng số mẫu dược liệu được lấy mẫu kiểm tra chất lượng là 2.224 mẫu, trong đó có 85 mẫu dược liệu không đạt tiêu chuẩn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư