Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cho Vietnam Airlines thuê máy bay, VALC lãi 430 tỷ đồng
Bạch Dương (Vnexpress) - 23/08/2016 11:19
 
Nhờ sự phát triển của thị trường hàng không, VALC đang có lợi nhuận tương đối ổn định trong mảng cho thuê phi cơ thương mại và dự kiến đẩy mạnh mảng máy bay thương gia, trực thăng.

Công ty Cho thuê Máy bay Việt Nam (VALC) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2015. Theo đó, doanh thu giảm nhẹ xuống 76,6 triệu USD, lợi nhuận trước thuế đạt trên 25 triệu USD. Lợi nhuận sau thuế ổn định ở mức trên 19,5 triệu USD (430 tỷ đồng). Năm 2014, doanh thu và lợi nhuận của công ty lần lượt ở mức 76,8 và 19,7 triệu USD.

Doanh thu năm 2015 của VALC chủ yếu đến từ cho thuê máy bay ATR, Airbus, cho thuê trực thăng và thiết bị mô phỏng máy bay. Trong đó, doanh thu từ cho thuê dòng máy bay Airbus đạt doanh số lớn nhất với khoảng 64,3 triệu USD. Ngoài ra, VALC cũng thu khoảng 3,15 triệu USD tiền lãi gửi ngân hàng. Tuy nhiên, do vay nợ lớn, công ty cũng phải chi khoảng 1,5 triệu USD trả lãi vay ngân hàng. Nhờ kết quả kinh doanh thuận lợi, VALC trả cổ tức trên 20% mỗi năm.

Tại đại hội cổ đông năm 2016, VALC đặt kế hoạch doanh thu 68,5 triệu USD, lợi nhuận sau thuế khoảng 15 triệu USD, lần lượt giảm 10,1-22,3% so với năm trước.

Để hoàn thành kế hoạch, VALC dự định đẩy mạnh việc chào giá cạnh tranh cho Vietnam Airlines thuê 1-2 tàu bay thân rộng Airbus A350 với lịch giao từ 2016 đến 2018, tiếp tục thực hiện việc giảm giá tiền thuê 10 máy bay A321-200, chấm dứt trước hạn hợp đồng 5 máy bay ATR72-500 của Vietnam Airlines. Công ty cũng bám sát nhu cầu thuê động cơ dự phòng của hãng hàng không này để hợp tác đầu tư và cho thuê lại động cơ.

Đối với các hãng hàng không nội địa, VALC tiếp tục bám sát và làm việc với Vietjet Air về khả năng đầu tư và cho thuê 1 máy bay A320 và 2 máy bay A321 có lịch giao 2017-2018. Công ty cũng sẽ làm việc với Vietjet về nhu cầu thuê buồng lái giả định của máy bay A320, A321 phục vụ đào tạo phi công.

VALC dự định mở rộng các hoạt động kinh doanh máy bay thương gia, trực thăng, cho thuê động cơ và các trang thiết bị hàng không khác với nhóm khách hàng tiềm năng.

Tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản công ty đạt 723 triệu USD. VALC phải vay nợ rất lớn do hoạt động đặc thù là mua máy bay rồi cho thuê, tỷ lệ vay nợ trên tổng tài sản lên tới 87%. Nợ phải trả tương ứng 629 triệu USD, trong đó chủ yếu là vay dài hạn từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Công ty Cho thuê máy bay Việt Nam ra đời cuối năm 2007, bắt nguồn từ ý tưởng của Vietnam Airlines và BIDV nhằm hình thành một công ty Việt Nam hoạt động chủ yếu là mua máy bay để cho các hãng hàng không trong nước thuê hoạt động, khai thác. Mục tiêu khi thành lập là tự chủ nguồn máy bay trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường cung cấp máy bay quốc tế. 

Đây cũng là hai cổ đông sáng lập của công ty với tỷ lệ sở hữu Vietnam Airlines là 32,05%. BIDV nắm gần 32,8% vốn tại VALC, còn lại là các cổ đông khác. Năm 2007, công ty đã nhận khoảng 18 máy bay từ Boeing và Airbus và dự kiến cho Vietnam Airlines thuê trong thời gian 12 năm.

Vietnam Airlines mời chào hàng cung cấp dịch vụ
Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP thông báo mời chào hàng cung cấp dịch vụ “Tăng tốc độ truy cập cho Website thương mại điện tử của Vietnam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư