Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Chứng khoán ngày 24/2: VN-Index mất hơn 17 điểm, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 42.648 tỷ đồng
Tùng Linh - 24/02/2022 19:17
 
Căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine gây náo động chứng khoán toàn cầu. Lực cầu tốt đã giúp hấp thụ đáng kể lượng cổ phiếu bị bán tháo, kìm hãm đáng kể đà giảm của VN-Index.

Lao dốc vì căng thẳng leo thang

Ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 24/2, sắc đỏ đã áp đảo ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, khiến các chỉ số rung lắc. Trạng thái rung lắc giằng co diễn ra trong khoảng nửa phiên sáng. Thời điểm nửa sau phiên sáng, với sự xuất hiện của thông tin Tổng thống Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass, phía đông Ukraine và kêu gọi quân đội Ukraine trong khu vực hạ vũ khí, thị trường chứng khoán trong nước ngay lập tức chịu ảnh hưởng xấu. Áp lực bán được kích hoạt khiến hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu giảm giá. Đà giảm của thị trường còn trở nên mạnh hơn ngay sau giờ nghỉ trưa. Có thời điểm, VN-Index giảm đến trên 30 điểm với hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo và giảm sàn.

Dù vậy, lực cầu “khỏe” đã giúp phần nào thu hẹp đà giảm của các chỉ số vào cuối phiên.

Tâm điểm của thị trường phiên này là nhóm dầu khí và phân bón khi đi ngược lại xu thế chung. Trong đó, PVD tăng 6,3%, PVS tăng 4,8%, GAS tăng 1,7%.... Giá dầu Brent tương lai ngày 24/2 là 100,14 USD/thùng, tăng 3,1% so với ngày trước đó và cao nhất kể từ tháng 9/2014. Ở nhóm phân bón, các cổ phiếu như LAS, DCM, DPM hay VAF đều được kéo lên mức giá trần bất chấp diễn biến xấu của thị trường chung. Ngoài ra, DDV tăng 6,7%, NFC tăng 6,1%, BFC tăng 5,5%.
Top các cổ phiếu tác động lên VN-Index

Trên sàn HoSE, VPB là cổ phiếu ngân hàng hiếm hoi giữ được sự tích cực trong phiên hôm nay. VPB tăng 2,8% lên 36.900 đồng/cp và khớp lệnh 35,7 triệu cổ phiếu. VPB cũng là mã có đóng góp điểm tăng lớn nhất cho VN-Index với 1,12 điểm. GAS và MSN đóng góp lần lượt 0,97 điểm và 0,69 điểm.

Các cổ phiếu tác động mạnh nhất đến VN-Index phiên 24/2 - Nguồn: VNDirect

Trong khi đó, hàng loạt các cổ phiếu lớn, thanh khoản cao đặc biệt ở nhóm ngân hàng lao dốc rất mạnh. LPB giảm đến 3,4%, HDB giảm 2,9%, CTG giảm 2,9%, TCB giảm 2,3%, MSB giảm 2,2%, BID giảm 2,2%....Bên cạnh đó, các mã lớn như VRE, VIC, HVN... đều chìm trong sắc đỏ. VIC là cổ phiếu tác động xấu nhất đến VN-Index khi lấy đi của chỉ số này 2,3 điểm. VCB, BID, CTG và TCB giữ các vị trí tiếp theo về mức độ tác động xấu đến VN-Index.

Một số cổ phiếu cũng có được giới đầu tư chú ý trong phiên hôm nay như DXG, FRT... Đối với DXG, cổ phiếu này là khởi đầu cho sự hồi phục của một số mã thuộc nhóm bất động sản. DXG không chịu ảnh hưởng từ sự rung lắc của thị trường chung mà tăng trần lên 43.200 đồng/cp. Thông tin ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh đăng ký mua 20,7 triệu cổ phiếu DXG từ ngày 28/2 đến 29/3 phần nào giúp nâng đỡ gỡ cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu trên bao gồm 20 triệu cổ phiếu được mua theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trên sàn và 725.700 cổ phiếu còn lại mua theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/2, VN-Index giảm 17,45 điểm (-1,15%) xuống 1.494,85 điểm. Toàn sàn có 75 mã tăng, 396 mã giảm và 28 mã đứng giá. HNX-Index giảm 7,66 điểm (-1,73%) xuống 434,88 điểm. Toàn sàn có 64 mã tăng, 185 mã giảm và 40 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,19 điểm (-1,05%) xuống 112,32 điểm.

Sắc đỏ bao trùm cả ba chỉ số chứng khoán Việt Nam, lực cầu tăng mạnh ở đầu phiên chiều

Thanh khoản vọt tăng, gấp rưỡi phiên trước

Áp lực bán là rất lớn nhưng lực cầu bắt đáy cũng tỏ ra quyết liệt, chính điều này khiến thanh khoản toàn thị trường tăng vọt. Tổng giá trị giao dịch đạt 42.648 tỷ đồng, tăng 54% so với phiên trước, trong đó giá trị giao dịch khớp lệnh tăng 57% lên 41.113 tỷ đồng. Trên sàn HoSE, thanh khoản đạt hơn 35.000 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ phiên 13/1/2021.

HAG là cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh lớn nhất phiên hôm nay với hơn 37 triệu đơn vị. Cổ phiếu này kết phiên ở mức giá sàn với dư bán giá sàn 1 triệu đơn vị. VPB, ROS, STB, MBB, BSR... cũng đều giữ những vị trí cao trong danh sách khớp lệnh mạnh. Cét về giá trị giao dịch, dòng tiền sôi động đã giúp tới 4 cổ phiếu đạt được mức thanh khoản trên nghìn tỷ đồng, bao gồm VPB (1.308 tỷ đồng), HPG (1.032 tỷ đồng), MBB (1.015 tỷ đồng) và STB (1.002 tỷ đồng). 

Khối ngoại giao dịch tiêu cực trở lại khi bán ròng tổng cộng 220 tỷ đồng trên toàn thị trường. HDB bị bán ròng mạnh nhất thị trường với 227 tỷ đồng. CTG đứng sau với giá trị bán ròng là 65 tỷ đồng. Các mã như GAS, MBB, PLX, VNM... cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh. Trong khi đó, KDC được mua ròng mạnh nhất với 174 tỷ đồng. DGC, GEX, KBC... đều nằm trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại.

Thị trường chứng khoán và biến số giá dầu
Lần đầu tiên sau 6 năm rưỡi, dầu Brent vượt mốc 96 USD/thùng. Giá dầu đang là một trong những tâm điểm được chú ý trên thị trường quốc tế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư