Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chuyên gia lý giải về hội chứng thị giác màn hình do ảnh hưởng của Covid-19
D.Ngân - 15/05/2022 16:23
 
Một số biểu hiện của hội chứng thị giác màn hình là nhìn mờ, khô mắt, nhức đầu, nhìn đôi, đau vai, cổ gáy.

Theo Ths. Đinh Phương Thủy, Giám đốc Trung tâm mắt kỹ thuật cao, Bệnh viện Đông Đô, hội chứng thị giác màn hình nếu để lâu không khắc phục, mắt sẽ có nguy cơ biến chuyển thành các bệnh lý nguy hiểm.

Ths. Đinh Khánh Thủy cho rằng hội chứng thị giác màn hình nếu để lâu không khắc phục, mắt sẽ có nguy cơ biến chuyển thành các bệnh lý nguy hiểm

Về nguyên nhân của hội chứng này, theo chuyên gia, khoảng thời gian giãn cách xã hội hay nhiều người lớn làm việc trực tuyến, trẻ nhỏ nghỉ học gần 1 năm khiến việc tiếp xúc với các thiết bị máy tính thường xuyên hơn dẫn đến nhiều trẻ mắc phải hội chứng thị giác màn hình.

Nguyên nhân của hội chứng thị giác màn hình là do mắt bị tác động bởi ánh sáng xanh- loại ánh sáng có bước sóng ngắn nằm trong khoảng 380 đến 495 nanomet (nm), phát ra từ các thiết bị điện tử, gồm máy tính, máy tính bảng, điện thoại, tivi, ánh sáng từ đèn LED, đèn huỳnh quang...

Bên cạnh đó, việc mắt tiếp xúc ánh sáng xanh thường xuyên với cường độ cao sẽ gây hại và làm tổn thương, thậm chí chết các tế bào thị giác, nhất là tế bào biểu mô sắc tố võng mạc. 

Tình trạng này làm rối loạn điều tiết mắt, suy giảm thị lực và tăng nguy cơ mù lòa. Ngoài ra, ánh sáng xanh có thể làm gián đoạn nhịp sinh học và có thể gây rối loạn giấc ngủ.

Thời gian gần đây theo Ths.Thủy, Bệnh viện Đông Đô đã tiếp nhận nhiều trường hợp F0, hậu Covid-19. Các bệnh nhân cho biết họ có hiện tượng mặt đỏ, đau nhức mắt, mỏi mắt, chảy nước mắt... Đối với người lớn nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những bệnh lý nguy hiểm, thậm chí có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.

Với nhiều trường hợp trẻ em, qua khai thác bệnh sử cho thấy các bé nghỉ học dài ngày ở nhà do dịch, thường xuyên sử dụng điện thoại để chơi game. Việc tiếp xúc với các thiết bị máy tính dẫn đến nhiều trẻ mắc phải hội chứng thị giác màn hình.

Đây là bệnh lý về mắt nghiêm trọng dễ mắc phải hiện nay khi tỉ lệ người sử dụng máy tính, điện thoại ngày càng tăng nhanh, phổ biến nhất là những người làm việc văn phòng và phải tiếp xúc với màn hình máy tính ít nhất 8 tiếng mỗi ngày.

Một số biểu hiện đầu tiên của hội chứng thị giác màn hình là nhìn mờ, khô mắt, nhức đầu, nhìn đôi, đau vai, cổ gáy. Hội chứng thị giác màn hình nếu để lâu không khắc phục mắt sẽ có nguy cơ biến chuyển thành các bệnh lý nguy hiểm.

Theo nghiên cứu phân tích gộp của tác giả Naser Nasiri (Viện Nghiên cứu tương lai về sức khỏe) và cộng sự năm 2021, dựa trên 38 nghiên cứu trước đó với tổng số bệnh nhân Covid-19 là 8.219 (phần lớn là nữ giới từ 7-65 tuổi).

Kết quả cho thấy tỉ lệ số bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện ở mắt là 11,3%. Điều này có nghĩa cứ 10 bệnh nhân Covid-19 thì sẽ có 1 người có vấn đề về mắt. Các bệnh lý về mắt như: Khô mắt/cộm xốn (16%), đỏ mắt (13,3 %), chảy nước mắt sống (12,5 % ), nhiều nhất là viêm kết mạc cấp (88,8 %).

Các trường hợp ở bệnh nhân hậu Covid-19 chủ yếu là những bệnh lý mắt có liên quan rối loạn đông máu, rối loạn thần kinh. Ngoài ra, đỏ mắt là một biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân hậu Covid-19, trong đó 89% là viêm kết mạc.

Một số nghiên cứu cho thấy nhiễm Covid-19 có thể làm biến đổi tình trạng các vi mạch võng mạc theo chiều hướng xấu đi. Nếu bệnh nhân Covid-19 hoặc hậu Covid-19 có biểu hiện mờ mắt, phải đi khám ngay vì bệnh vi mạch võng mạc rất khó điều trị.

Lãnh đạo Bệnh viện Đông Đô khuyến cáo người dân có dấu biệu bất thường về thị lực cần tới thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa mắt vì còn nhiều bệnh lý mắt khác nguy hiểm hơn cũng có cùng biểu hiện như viêm màng bồ đào, viêm thượng củng mạc, viêm củng mạc, viêm tổ chức hốc mắt... Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể sẽ mất thị lực vĩnh viễn.

Để bảo vệ mắt trước ánh sáng xanh và hạn chế di chứng mắt hậu Covid-19, bác sĩ khuyên F0 khỏi bệnh cần kiểm soát thị lực bằng cách dùng thuốc, chăm sóc các triệu chứng ở mắt. Người bệnh cũng cần kiểm soát tốt các bệnh lý nền như tiểu đường, huyết áp cao, rối loạn mỡ máu...

Người chưa mắc Covid-19 hạn chế chạm trực tiếp vào mắt, nên đeo kính râm, kính chống giọt bắn khi đi ra ngoài để bảo vệ mắt, hạn chế đeo kính áp tròng trong thời gian dịch bùng phát, không nên dùng mỹ phẩm cho vùng mắt. Nên giữ vệ sinh, không gian sống thoáng mát, thay ga giường, vỏ gối và khăn tắm thường xuyên.

Không nên ngồi trước màn hình quá lâu, nên nghỉ giải lao sau mỗi 20 phút sử dụng màn hình, để mắt nghỉ 20 giây và tập trung mắt vào một thứ cách đó khoảng 6 mét. Phương pháp này sẽ làm giảm căng thẳng và tăng cường khả năng tập trung cho mắt.

Chớp mắt thường xuyên để tránh tình trạng mắt bị khô, nên bổ sung độ ẩm cho mắt bằng cách sử dụng nước mắt nhân tạo. Nên sử dụng ghế tựa, có đệm lưng khi ngồi học hoặc làm việc. Không nên ngồi một chỗ quá lâu, hãy vận động sau mỗi 45 - 60 phút.

Ngoài ra, thực đơn ăn uống hàng ngày đầy đủ dưỡng chất và bổ sung các nhóm thực phẩm giàu vitamin A, C, omega-3... Không dùng các thiết bị điện tử ít nhất hai tiếng trước khi ngủ, kích hoạt bộ lọc ánh màu xanh trong chức năng cài đặt màn hình hoặc đeo kính chống ánh sáng xanh. 

Màn hình nên được làm sạch thường xuyên vì bụi bẩn có thể cản trở tầm nhìn rõ ràng, làm tăng mỏi mắt. Tham gia các hoạt động ngoài trời, tập luyện mắt bằng cách nhìn xa, áp dụng các bài tập, massage mắt, ngồi đúng tư thế khi làm việc giúp bảo vệ thị lực.

Tin mới về dịch bệnh ngày 15/5: Khám, tư vấn hậu Covid-19 cho hơn 1 triệu người
Hội Thầy thuốc trẻ TP.Hà Nội và nhiều đơn vị liên quan vừa phát động hành trình “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác tình nguyện vì sức khỏe...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư