Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Để cổ phần hoá thành công nhiều doanh nghiệp phải tự "bật sáng"
 
Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí… là những "hàng khủng" có tên trong danh sách cổ phần hóa từ nay đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, để cổ phần hóa được, trước hết các doanh nghiệp phải tự “bật sáng” chính mình.

“Khoảng tối” thông tin

Nghĩa vụ minh bạch thông tin của doanh nghiệp nhà nước hiện được quy định tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước và Nghị định 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Chiểu theo các quy định trên, ngày 31/5/2016 là thời hạn cuối cùng các doanh nghiệp nhà nước phải công bố báo cáo tài chính năm 2015 đã kiểm toán trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp. Vậy nhưng, hiện có rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty, vốn được coi là có năng lực quản trị khá tốt, có mối quan hệ kinh doanh rộng khắp cả nước, chưa tuân thủ quy định này như: Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí, Tổng công ty Giấy Việt Nam…

Tình trạng các doanh nghiệp chưa chấp hành quy định về minh bạch thông tin, nhất là các thông tin về tài chính, theo nhìn nhận của Bộ Tài chính, diễn ra phổ biến do hiện chế tài xử lý còn thiếu đồng bộ và chưa đủ sức răn đe.

Không chỉ còn nhiều yếu kém về lượng thông tin công bố, theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, chất lượng công bố thông tin cũng đang bộc lộ không ít hạn chế. Tuy bước đầu các doanh nghiệp công bố thông tin, nhưng nếu thông tin công bố không trung thực, thông tin xấu giấu nhẹm, thì minh bạch thông tin chỉ là hình thức. Vì số lượng và chất lượng công bố thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước có vấn đề như vậy, nên bức tranh thông tin của khối doanh nghiệp này còn không ít "khoảng tối" cần được “làm sáng”.

Sẽ nâng chất thông tin công bố

Khi ban hành Nghị định 81/2015/NĐ-CP và 87/2015/NĐ-CP, thông điệp mà nhà quản lý đưa ra là doanh nghiệp nhà nước với tư cách thuộc sở hữu toàn dân, nên phải minh bạch thông tin hơn cả doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các quy định này, cũng như ý thức tuân thủ của các doanh nghiệp nhà nước cho thấy, đang còn khoảng cách lớn so với chuẩn minh bạch và ý thức tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết. Khi khoảng cách này không được thu hẹp thì sẽ tiếp tục gây khó cho tiến trình cổ phần hóa và kéo theo cả sự trì trệ của công tác đưa doanh nghiệp lên sàn.

“Để nâng cao chất lượng thông tin trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhà nước, sắp tới, Bộ Tài chính sẽ xem xét sửa đổi các chuẩn mực kế toán, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán.

Cùng với đó Bộ sẽ tăng cường kiểm tra các đơn vị kiểm toán, tư vấn để chấn chỉnh tình trạng báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhà nước có nhiều điểm ngoại trừ, nhưng khi cung cấp cho nhà đầu tư, thị trường, thì tìm cách cắt xén, không công khai các nội dung này, hay có những loại báo cáo tài chính đã kiểm toán mà chẳng khác gì chưa kiểm toán...

Thậm chí, nếu nhà đầu tư, báo chí phát hiện sự móc ngoặc giữa công ty kiểm toán với doanh nghiệp được kiểm toán, thì thông tin kịp thời cho Bộ Tài chính để xử lý nghiêm…”, ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, để chấm điểm mức độ minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết, thời gian qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở GDCK đã tích cực vào cuộc. Từ kinh nghiệm này, cũng cần có đầu mối chấm điểm, giám sát mức độ minh bạch thông tin của các doanh nghiệp nhà nước.

Trước mắt, tới đây, Bộ Tài chính sẽ xây dựng và triển khai hệ thống phần mềm công bố thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhà nước để kết nối giữa Bộ và các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định pháp lý về công bố báo cáo tài chính đúng thời hạn lên hệ thống này, khi đó, thông tin tốt hay xấu sẽ rõ. 

Định hướng mới trong cổ phần hóa 2017

Đặc biệt, để tạo chuyển biến rõ nét cho tiến trình cổ phần hóa thời gian tới, gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã liên tiếp đưa ra nhiều định hướng mới. Đó là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính là tư lệnh, chịu trách nhiệm chính trên mặt trận cổ phần hóa, đồng thời thể hiện sự ủng hộ cao của Chính phủ trong tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa đạt được mục tiêu cả về lượng và chất khi Thủ tướng khẳng định, Bộ Tài chính cần người có người, cần chính sách có chính sách…

Mặt khác, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành cần tập trung tạo chuyển biến rõ nét trong cả 3 giai đoạn: trước, trong và hậu cổ phần hóa, để quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước thực sự đi vào chiều sâu, mang lại những hiệu quả tích cực cho nền kinh tế, tạo ra cơ hội đầu tư, cũng như mở rộng dư địa phát triển cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Theo đó, ở giai đoạn trước cổ phần hóa, các bộ, ngành, địa phương phải xác định rõ lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào Nhà nước cần rút ra. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là lĩnh vực công ích và một số lĩnh vực thất bại thị trường (lĩnh vực không ai làm hoặc độc quyền tự nhiên…), thì Nhà nước nắm giữ và có vai trò chi phối.

Công tác sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, theo chỉ đạo của Thủ tướng, phải được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đột xuất của năm 2017 của mọi cấp, mọi ngành. Trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, mục tiêu quan trọng nhất là phải bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước, nghĩa là bán đúng giá trị thị trường thời điểm bán.

Ở giai đoạn hậu cổ phần hóa, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo các doanh nghiệp phải đặc biệc coi trọng tạo chuyển biến rõ nét về nâng cao quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Có như vậy việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước mới không rơi vào “bình mới, rượu cũ”, mang lại hiệu quả đa chiều cho nền kinh tế.  

Agribank sắp cổ phần hóa, được bán 35% vốn nhà nước
Danh sách thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2016-2020 có tên Agribank. Theo đó, ngân hàng này sẽ được cổ phần hóa và Nhà nước chỉ còn nắm giữ 65%...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư