Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
Để một loại thuốc đưa ra thị trường, cần những quy trình nào?
D.Ngân - 12/08/2021 08:58
 
Để đưa ra thị trường một loại thuốc mới, cần rất nhiều thời gian và chi phí, với một quy trình nghiêm ngặt và vô cùng chặt chẽ.

Mỗi năm thế giới xuất hiện liên tục các loại bệnh mới, virus lạ trong khi những bệnh cũ còn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hoặc đã có thuốc điều trị rồi nhưng hiệu quả chưa cao, còn nhiều tác dụng phụ nên các tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới luôn luôn nghiên cứu, tìm tòi làm sao để phát minh ra được thuốc mới. 

Để đưa ra thị trường một loại thuốc mới phải bỏ ra rất nhiều thời gian và chi phí, trong đó thành công không ít và thất bại cũng không đếm xuể.

Theo một chuyên gia dược phẩm có thâm niên đang công tác tại một doanh nghiệp dược phẩm đa quốc gia thì nghiên cứu thuốc là nghiên cứu đắt đỏ nhất trong các loại nghiên cứu. Tính trung bình, mỗi một thuốc mới khi hoàn tất nghiên cứu đưa ra thị trường có thể tốn kém hàng trăm triệu USD.

Và tùy từng công ty, nhưng chi phí cho R&D của họ vào khoảng từ 17-25% doanh số mỗi năm, đó là những con số cực lớn. Chính vì thế khi một thuốc mới được phát minh ra họ được cấp sáng chế độc quyền (patent) và được bảo hộ trong vòng 10-15 năm bán độc quyền nhằm thu lại những chi phí họ bỏ ra nghiên cứu và tái đầu tư nghiên cứu thuốc mới. 

Những thuốc này gọi là thuốc Brand Name. Sau khi hết thời gian bảo hộ, vì sức khoẻ của nhân loại, những hãng thuốc Brand name bắt buộc phải công bố cách thức sản xuất hoạt chất này cho thế giới, và các hãng thuốc nhỏ hơn bắt tay vào sản xuất thuốc này với giá thành rẻ hơn nhằm tiếp cận với tất cả mọi người. Thuốc này được gọi là thuốc Generic. 

Cá biệt, cũng có những trường hợp thuốc vừa nghiên cứu xong, nhưng đứng trước đại dịch toàn cầu, hãng thuốc Brand name  không kịp sản xuất và họ công bố luôn cách thức điều chế hoạt chất đó, như vụ hãng dược phẩm Hoffmann - La Roche với thuốc Tamiflu trong đại dịch SARS.

Chính vì lợi nhuận khổng lồ trong việc sản xuất thuốc nên nhằm tránh việc những hãng thuốc lợi dụng, đưa những thuốc không đủ an toàn, thiếu hiệu quả hay thậm chí vi phạm những chuẩn mực đạo đức nên tất cả các nghiên cứu khi bắt đầu tiến hành phải nộp đơn xin nghiên cứu lên FDA ( Food and Drug Administration) và FDA sẽ thành lập một Hội đồng đạo đức IRB (Institutional Review Boards) và IEC (Independent Ethical Committee) nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ của những người tham gia nghiên cứu. Hội đồng này độc lập với tất cả các cơ quan, không chịu sự chi phối từ bất cứ đâu. 

Và tất cả các nghiên cứu liên quan đến con người đều phải được IRB xem xét. Và trong suốt quá trình thử nghiệm, các công ty tài trợ cho nghiên cứu phải gửi toàn bộ các báo cáo thường xuyên lên IRB xem xét. 

Và chỉ cần nghiên cứu này rơi vào tình trạng nguy hiểm cho bệnh nhân mà không rõ nguyên nhân, IRB hoàn toàn có thể bắt buộc dừng nghiên cứu. 

Thế nên, có thể trong cả nghìn loại hoạt chất nghiên cứu, chỉ có 1 loại hoạt chất thành công. Điều này nó cũng làm chi phí nghiên cứu bị đội lên cao ngất ngưởng, nhưng bù lại nó đem lại sự an toàn cho người sử dụng.

Để nghiên cứu thuốc, đầu tiên phải hiểu cơ chế của bệnh mà định đúng thuốc điều trị. 

Phải nghiên cứu cơ chế này ở mức độ phân tử. Từ đó sáng tỏ về nguyên nhân của bệnh, xác định dùng thuốc can thiệp vào quá trình nào trong cơ chế bệnh sinh, từ đó mới xác định mục tiêu (target) và chọn một phân tử làm đích tác dụng của thuốc.

Sau khi xác định được mục tiêu, phải đánh giá và chứng minh được rằng mục tiêu định can thiệp có liên quan đến cơ chế sinh bệnh hay phát triển của bệnh và dùng cái gì để có thể tác động lên trên mục tiêu, trên chuỗi quá trình đó.

Tiếp theo là giai đoạn tìm kiếm thuốc tác động lên mục tiêu đó. Lúc này, có hàng ngàn hoạt chất được gọi là ứng viên thuốc (Drug candidates), qua quá trình chỉnh sửa, loại bớt để hình thành các cấu trúc thuốc, bắt đầu cho thử nghiệm tiền lâm sàng (Preclinical)

Thử nghiệm tiền lâm sàng

Thử nghiệm tiền lâm sàng là thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, trên cơ thể động vật trước khi được thử nghiệm trên người.

FDA quy định tất cả các thuốc trước khi thử nghiệm trên người đều phải qua bước này.

Ở đây có 2 loại thử nghiệm là invitro và invivo.

Invitro là thử nghiệm trong ống nghiệm, Invivo là thử nghiệm trên động vật (chuột, thỏ…)

Trong giai đoạn này, các nhà nghiên cứu sẽ tìm hiểu cơ chế hoạt động của thuốc như thế nào, có tác động theo đúng ý muốn hay không, độ an toàn trên động vật ra sao.

Sau khi vượt qua được yêu cầu của FDA, nhà sản xuất mới tiến tới bước nghiên cứu trên người và nghiên cứu này gọi là nghiên cứu lâm sàng (Clinical trials) 

Nghiên cứu lâm sàng

Giai đoạn này rất quan trọng và để thành công một thuốc mới cũng khá lâu, thường mất từ 5-7 năm.

Việc đầu tiên, các hãng dược phải nộp đơn xin nghiên cứu thuốc mới cho FDA và FDA sẽ thành lập IRB và IEC như đã nói ở trên.

Quá trình nghiên cứu này có 4 phase và 3 phase đầu quan trọng nhất

* Phase I: Thử nghiệm đầu tiên trên người với 1 nhóm nhỏ người tình nguyện khỏe mạnh

Nghiên cứu này thường được tiến hành với 20 - 100 người tình nguyện khỏe mạnh. 

Mục đích chính của nghiên cứu thử nghiệm phase I là kiểm tra về tính an toàn trên người của thuốc. 

Các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành thu thập các thông số dược động học của thuốc: Hấp thụ ra sao, chuyển hóa và thải trừ như thế nào trong cơ thể.

Đồng thời họ cũng có thể nghiên cứu về dược lý học của thuốc: Chúng có gây ra tác dụng phụ không, có gây được tác dụng như mong muốn không.

Những thử nghiệm này được thiết kế ra nhằm giúp cho các nhà nghiên cứu xác định được khoảng liều an toàn và quyết định liệu nó có nên được tiếp tục phát triển nữa không.

* Phase II: Thử nghiệm trên một nhóm nhỏ bệnh nhân

Ở phase II, các nhà nghiên cứu sẽ đánh giá tác dụng của ứng viên thuốc trên khoảng 100 - 500 bệnh nhân và kiểm tra các tác dụng phụ ngắn hạn có thể xảy ra (hiện tượng bất lợi) và các rủi ro do thuốc gây ra. Họ cũng phải trả lời các câu hỏi sau: thuốc có hoạt động theo cơ chế mong muốn không, có thể cải thiện được tình hình bệnh không.

Các nhà nghiên cứu cũng phải phân tích được mức liều tối ưu và lịch trình liều dùng của thuốc. Nếu thuốc vẫn đưa ra được các kết quả tốt, có nhiều hi vọng thì họ sẽ chuẩn bị tiếp tục tiến hành thử nghiệm lớn hơn - thử nghiệm phase III

* Phase III: Thử nghiệm trên một nhóm lớn bệnh nhân để chứng minh về tác dụng và độ an toàn.

Thử nghiệm phase III được thực hiện trên một số lượng lớn người bệnh khoảng vài ngàn người, cá biệt có nghiên cứu tới vài chục ngàn người để đưa ra được các dữ liệu thống kê có ý nghĩa về độ an toàn, tác dụng và mối quan hệ giữa lợi ích - nguy cơ của thuốc. 

Đây là phase quyết định xem thuốc có tác dụng và hiệu quả hay là không. Nó cũng cung cấp các cơ sở cho việc ghi nhãn hướng dẫn sử dụng (ví dụ thông tin về các tương tác khi sử dụng cùng thuốc khác).

Thử nghiệm phase III là thử nghiệm dài nhất và tốn kém nhất. Để có được một nhóm bệnh nhân đủ lớn và đa dạng, người ta đã phải tiến hành thử nghiệm tại hàng trăm nơi khắp các vùng khác nhau trên thế giới. 

Phase III cũng là phase các hoạt chất trong nghiên cứu thất bại nhiều nhất, các tập đoàn dược phẩm khổng lồ như Pfizer, Roche, Novatis…. cũng ngậm ngùi tiêu tốn cả vài trăm triệu cho đến cả tỷ USD khi không giải trình được nguyên nhân thuyết phục với IRB.

Thế nên vượt qua được nghiên cứu này là coi như đã thành công. Sau khi nghiên cứu phase III thực hiện xong, các tập đoàn dược phẩm nộp hồ sơ lên FDA để được chấp thuận phê chuẩn thuốc mới.

FDA sẽ xem xét vô cùng nghiêm ngặt về mặt chuyên môn và cân nhắc giữa những lợi ích mà thuốc đem lại. Xem xét hiệu quả của thuốc rồi trả lời chấp thuận hay không. 

* Phase IV: Sau khi thuốc tung ra thị trường

Sau khi sản xuất hàng loạt và tung ra thị trường điều trị trên số lượng lớn bệnh nhân, FDA tiếp tục yêu cầu các hãng dược phải theo dõi, gửi báo cáo định kỳ và cảnh giác dược. Nếu xảy ra các trường hợp phản ứng phụ nghiêm trọng, thuốc đó hoàn toàn có thể bị rút giấy phép bất kỳ lúc nào. Thuốc Vaiox của Pfizer bị rút giấy phép khi đã đưa ra lưu hành rộng rãi là một ví dụ.

Quy trình nghiên cứu thuốc điều trị cho con người là quy trình hết sức nghiêm ngặt và hầu như không được phép có lỗ hổng.  Bất cứ loại thuốc nào muốn bán trên thế giới đều phải qua quy trình nghiên cứu này.

Các loại thuốc nào người mắc Covid-19 cần có tại nhà?
Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn người dân cần chuẩn bị một số thuốc khi có bệnh nhân F0 điều trị tại nhà.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư