Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Đề xuất 2 phương án phân biệt cồn công nghiệp với cồn thực phẩm
D.Ngân - 25/08/2022 16:07
 
Thời gian gần đây, xảy ra liên tiếp các vụ ngộ độc rượu chứa Methanol buộc cơ quan quản lý phải có các động thái.

Số lượng bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp Methanol đang tăng lên có thể do nhiều nguyên nhân. Song chủ yếu là do sử dụng các loại rượu giả trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, được pha trộn cồn công nghiệp Methanol.

Nguyên nhân tiếp theo là do một số bệnh nhân uống cồn y tế do nghĩ cồn y tế là an toàn, nhưng những loại cồn y tế này lại không đảm bảo, được sản xuất, đóng chai từ cồn công nghiệp Methanol và cũng là nguyên nhân gây ngộ độc.

Ở các nước phát triển vấn đề quản lý cồn công nghiệp Methanol rất rõ ràng, chặt chẽ. Tất cả các sản phẩm này người bình thường không thể tiếp cận được vì sản phẩm đóng chai lọ có chất chỉ thị màu và hướng dẫn sử dụng rõ ràng. Nếu ai đó có ý định uống thì khi người nhà phát hiện ra cũng biết ngay đó là hóa chất không dùng để uống và sẽ đưa bệnh nhân đến viện cấp cứu ngay những giờ đầu tiên sau khi uống.

Ảnh minh hoạ

Trước việc nhiều vụ ngộ độc rượu xảy ra, Bộ Công thương để xuất phương án bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp để phân biệt với cồn thực phẩm.

Bộ Công thương đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn biện pháp phân biệt cồn công nghiệp với cồn thực phẩm. Tại dự thảo, Bộ đề xuất 2 phương án phân biệt cồn công nghiệp với cồn thực phẩm.

Phương án 1:

Dự thảo nêu rõ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, san chiết, đóng gói cồn công nghiệp có trách nhiệm bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp để phân biệt với cồn thực phẩm và phòng ngừa pha chế rượu từ cồn công nghiệp trước khi đưa lưu thông trên thị trường.

Chất chỉ thị màu được bổ sung vào cồn công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu: Không thuộc Danh mục hóa chất cấm quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ; cồn công nghiệp sau khi bổ sung chất chỉ thị màu phải có màu sắc phân biệt được bằng mắt thường với cồn thực phẩm trong suốt quá trình lưu thông; không xảy ra phản ứng hóa học với cồn công nghiệp và các chất khác trong hỗn hợp chứa cồn công nghiệp; không gây phát sinh độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Đối với trường hợp pha loãng cồn công nghiệp dẫn đến hàm lượng chất chỉ thị màu giảm, không phân biệt được với cồn thực phẩm, tổ chức cá nhân thực hiện pha loãng có trách nhiệm bổ sung chất chỉ thị màu để đáp ứng yêu cầu.

Thông tin về chất chỉ thị màu được bổ sung vào cồn công nghiệp phải được ghi rõ trên nhãn cồn công nghiệp và Phiếu An toàn hóa chất.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh cồn công nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.

Phương án 2:

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, san chiết, đóng gói cồn công nghiệp có trách nhiệm áp dụng ít nhất một trong các biện pháp sau đây để phân biệt cồn công nghiệp với cồn thực phẩm và phòng ngừa pha chế rượu từ cồn công nghiệp trước khi đưa lưu thông trên thị trường:

Bổ sung hình cảnh báo sản phẩm không được uống trên nhãn hoặc bao bì hàng hóa cồn công nghiệp theo hướng dẫn tại Phụ lục của Thông tư này trước khi đưa lưu thông trên thị trường. Thông tin về mục đích sử dụng trong Phiếu an toàn hóa chất đối với cồn công nghiệp phải ghi rõ "không được uống".

Bổ sung chất chỉ thị màu, chất tạo mùi, vị vào cồn công nghiệp.

Chất chỉ thị màu được bổ sung vào cồn công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu: Không thuộc Danh mục hóa chất cấm quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ; cồn công nghiệp sau khi bổ sung chất chỉ thị màu phải có màu sắc phân biệt được bằng mắt thường với cồn thực phẩm trong suốt quá trình lưu thông; không xảy ra phản ứng hóa học với cồn công nghiệp và các chất khác trong hỗn hợp chứa cồn công nghiệp; không gây phát sinh độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Chất tạo mùi, vị được bổ sung vào cồn công nghiệp bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu sau: Không thuộc Danh mục hóa chất cấm quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ; tạo mùi, vị khó chịu, khác với mùi, vị đặc trưng của cồn thực phẩm để tránh nguy cơ uống, nuốt nhầm; không xảy ra phản ứng hóa học với cồn công nghiệp và các chất khác trong hỗn hợp chứa cồn công nghiệp; không gây phát sinh độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Đối với trường hợp pha loãng cồn công nghiệp dẫn đến hàm lượng chất chỉ thị màu hoặc chất tạo mùi, vị giảm, không phân biệt được với cồn thực phẩm, tổ chức cá nhân thực hiện pha loãng có trách nhiệm áp dụng biện pháp theo quy định.

Thông tin về chất chỉ thị màu, chất tạo mùi, vị được bổ sung vào cồn công nghiệp phải được ghi rõ trên nhãn cồn công nghiệp và Phiếu An toàn hóa chất.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh cồn công nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.

TP.HCM: Tăng cường quản lý đối với sản phẩm chứa Methanol tại cơ sở kinh doanh dược
Có một số cơ sở bán lẻ thuốc có các sản phẩm có chứa hóa chất Methanol gây nhầm lẫn với cồn sát trùng, gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư