Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp ngành gỗ bàn cách tối ưu lợi thế
Trần Hà - 13/10/2018 17:48
 
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể tạo ra sự dịch chuyển dòng đầu tư của các doanh nghiệp chế biến sâu ngành gỗ của Trung Quốc sang Việt Nam. Hậu quả của sự dịch chuyển này có thể đem tới những tác động khó lường đến ngành công nghiệp gỗ nước ta.

Tác động lớn tới thị trường  

Từ giữa tháng 9/2018, Mỹ đã quyết định tiếp tục áp thuế 10% với tổng giá trị 189 tỷ USD với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có các mặt hàng đồ gỗ. Mức thuế sẽ tăng lên 25% vào thời điểm ngày 1/1/2019 và có thể lên tới 44% nếu Trung Quốc và Mỹ không có giải pháp tháo gỡ cuộc chiến này. 

.
.

Ông Tô Xuân Phúc đến từ Tổ chức Fores Trend (Mỹ), một tổ chức có mục tiêu thúc đẩy bảo tồn và quản lý rừng bền vững cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới ngành chế biến gỗ Việt Nam.  

Báo cáo xuất nhập khẩu gỗ Việt Nam - Trung Quốc của Tổ chức Fores Trend cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng gỗ xẻ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 88.800 m3, thấp hơn nhiều so với con số 178.200 m3 của cùng kỳ năm 2017. Riêng gỗ cao su xẻ xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt 2.500 m3, tương đương 1% lượng xuất khẩu của cả năm 2017. 

Sự sụt giảm này, theo đánh giá của các chuyên gia, rất có thể là phản ứng của doanh nghiệp chế biến Trung Quốc khi sản phẩm họ sản xuất gặp khó khi tiếp cận thị trường Mỹ. 

Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng giám đốc Công ty Hiệp Long: “Qua chia sẻ với Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Trung Quốc, chúng tôi được biết, các doanh nghiệp chế biến gỗ của nước này đang vô cùng khó khăn do giá nhân công tăng và sản phẩm bị Mỹ áp thuế. Thực tế này buộc các doanh nghiệp phải có sự tính toán để chuyển dịch sản xuất”. 

Nếu các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam với tốc độ vừa phải, khi đó doanh số xuất khẩu của Việt Nam tăng dần thì không sao, nhưng nếu họ chuyển dịch ồ ạt vào Việt Nam và xuất khẩu đi Mỹ, dẫn tới giá trị xuất khẩu vào Mỹ tăng đột biến thì khi đó các doanh nghiệp Mỹ sẽ phát đơn kiện lên chính phủ Mỹ. “Điều này sẽ khiến Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá như trước đây Trung Quốc đã bị”, ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, hiện Mỹ đã áp một loại thuế có tên là thuế chống lẩn tránh thuế. Khi Trung Quốc bị đánh thuế, các doanh nghiệp Trung Quốc vì muốn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, họ sẽ qua các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam để lấy xuất xứ, xuất qua thị trường Mỹ. Khi đó, với đạo luật chống lẩn tránh thuế, phía Mỹ sẽ theo dõi vấn đề này, khi phát hiện ra doanh nghiệp Việt Nam tiếp tay thì sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ bị áp đạo luật này với mức thuế tăng từ 10% trở lên và ngành chế biến gỗ sẽ bị thiệt hại lớn.

Tạo chuỗi liên kết để tận dụng cơ hội 

Qua thực tiễn hoạt động của ngành gỗ, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) lo ngại, doanh nghiệp Việt Nam không có liên kết chuỗi về nguyên liệu, trong khi nguyên liệu hiện chiếm tới 45% giá thành sản phẩm. “Chính vì không có sự liên kết giữa nguồn cung nguyên liệu với đơn vị sản xuất, nên cơ hội gia tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ của ngành gỗ chỉ là trên lý thuyết”, ông Hiệp nói. 

Để nắm bắt cơ hội gia tăng xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Mỹ, các doanh nghiệp chế biến gỗ cần liên kết với doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu.

Ông Hoàng Ích Tuân, Giám đốc phụ trách thu mua, Công ty Tekcom cho biết thêm, mặc dù giá thu mua gỗ cao, nhưng doanh nghiệp này vẫn phải đối mặt với rủi ro nguồn cung không ổn định. 

“Các đối tác nước ngoài thường đặt đơn hàng ngắn nhất là 6 tháng, nhưng với lượng và giá mua gỗ không ổn định như hiện nay sẽ khiến không doanh nghiệp nào dám ký đơn hàng dài hạn”, ông Tuân nói. 

Theo ông Tuân, lý do khiến các doanh nghiệp cung ứng không mặn mà với việc cung cấp gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến của Việt Nam có thể là vì các doanh nghiệp xuất khẩu nguyên liệu vừa được hưởng lợi từ giá trị xuất khẩu, vừa được hưởng lợi khi khai giảm thuế. 

“Tekcom đang thu mua với giá bình quân gỗ cao su xẻ trong nước là 330 USD/m3, trong khi các công ty xuất khẩu lại khai báo trên hệ thống hải quan đơn hàng trung bình chỉ là 200 - 220 USD/m3. Với mức thuế xuất khẩu mặt hàng này là 20%, Nhà nước đang bị thất thoát khoảng 90 USD/m3 với mặt hàng này”, ông Tuân nói. 

Để giúp các doanh nghiệp chế biến gỗ đạt được lợi thế khi xuất khẩu sang Mỹ thời gian tới, ông Tuân kiến nghị điều tra các công ty xuất khẩu gỗ nguyên liệu xem có sự gian lận thương mại về khai báo giá hay không; áp mức giá tối thiểu bằng với giá bán bình quân trên thị trường mà các doanh nghiệp lớn mua trong nước. Về dài hạn, các cơ quan hữu quan cần điều chỉnh thuế xuất khẩu nguyên liệu thô cao hơn hoặc cấm xuất khẩu gỗ nguyên liệu. 

Liên quan tới việc đảm bảo nguồn cung gỗ xuất khẩu, ông Trần Minh, Trưởng ban Công nghiệp, Tập đoàn Cao su Việt Nam (đơn vị chiếm 90% lượng cung gỗ cao su ra thị trường) cho biết, tập đoàn này đang có kế hoạch cung cấp gỗ phôi xẻ theo yêu cầu đặt hàng của các nhà máy, thay vì cung cấp gỗ tròn để đảm bảo chất lượng của gỗ. Ông Minh cũng bày tỏ mong muốn, để nắm bắt cơ hội gia tăng xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Mỹ, các doanh nghiệp chế biến gỗ cần liên kết với doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu với vốn góp từ 5-10% để làm cơ sở cho liên kết vững chắc hơn.

Cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành có thể bị hủy niêm yết bắt buộc
Sở giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) vừa cảnh báo cổ phiếu TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành có khả năng bị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư