Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Doanh nghiệp nhà nước không phải công bố báo cáo tài chính có kiểm toán vào giữa năm?
Hà Nguyễn - 27/08/2021 09:45
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất doanh nghiệp nhà nước chỉ công bố báo cáo, tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm tự lập mà không cần kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập.

Trong nỗ lực sửa đổi, bổ sung một số luật về đầu tư, kinh doanh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã đề xuất sửa đổi quy định về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.

Cụ thể, theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 109 của Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước phải công bố định kỳ trên trang thông tin điện tử của công ty và cơ quan đại diện chủ sở hữu báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm đã được kiểm toán bởi kiểm toán độc lập; thời hạn phải công bố trước ngày 31/7.

Tuy nhiên, hiện nay, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp, cũng như Luật Kế toán và Luật Kiểm toán độc lập, chỉ quy định doanh nghiệp nhà nước phải kiểm toán bắt buộc đối với báo cáo tài chính hàng năm, mà không quy định doanh nghiệp thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài chính giữa năm.

“Trên thực tế, các doanh nghiệp nhà nước quy mô nhỏ cũng không thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính giữa năm, chỉ có một số công ty mẹ tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuê tổ chức kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo tài chính giữa năm”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Bởi thế, cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc yêu cầu doanh nghiệp phải công bố thông tin định kỳ đối với báo cáo tài chính giữa năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập sẽ “tạo thêm gánh nặng chi phí với doanh nghiệp”.

Tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, với khoảng 1.000 doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định của Luật Doanh nghiệp, việc yêu cầu các doanh nghiệp này phải thực hiện kiểm toán cả báo cáo tài chính giữa kỳ, có thể gián tiếp làm giảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Lý do là vì, toàn bộ khối doanh nghiệp nhà nước sẽ phải mất nhiều tỷ đồng để thực hiện báo cáo kiểm toán tài chính.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, Bộ đã lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh về bất cập trong thực tiễn triển khai quy định nói trên.

Trong đó, nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu và các doanh nghiệp đều kiến nghị không bắt buộc kiểm toán báo cáo tài chính giữa năm để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do nội dung này đã được quy định tại Luật, nên sau đó, Nghị định 47/2021/NĐ-CP khi được ban hành vẫn phải tiếp tục kế thừa các quy định yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện công bố báo cáo tài chính theo đúng quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Quá trình thực thi, lại tiếp tục có các ý kiến về sự không thống nhất trong các quy định về thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán và Luật Kiểm toán độc lập.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, việc yêu cầu toàn bộ doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả những doanh nghiệp quy mô nhỏ, thực hiện nhiệm vụ công ích, cung cấp dịch vụ thủy lợi, thủy nông… phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính giữa năm thực sự không cần thiết, do doanh nghiệp đã phải thực hiện báo cáo kiểm toán hàng năm”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm.

Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất sửa đổi điểm d Khoản 1 Điều 109 của Luật Doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp nhà nước công bố báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm do doanh nghiệp tự lập mà không yêu cầu phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các bộ ngành về đề xuất này. Nếu đề xuất này được thông qua thì sẽ được đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật, do Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo.

Sẽ có 5 doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, tầm cỡ khu vực
“Có ít nhất 5 tập đoàn, tổng công ty nhà nước quy mô lớn, tầm cỡ khu vực và quốc tế vào năm 2030” là mục tiêu được Ủy ban Quản lý vốn nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư